Trạm điện thoại công cộng có còn tác dụng?

TPHCM hiện có hơn 2.500 trạm điện thoại công cộng (ĐTCC) nhưng hầu hết đều không còn phát huy tác dụng, nhếch nhác và xuống cấp trầm trọng. Bất tiện, “hụt hơi” trong cuộc đua giá cước với các mạng điện thoại di động là lý do khiến các trạm ĐTCC hiện nay đang… chết dần chết mòn!
Trạm điện thoại công cộng có còn tác dụng?

TPHCM hiện có hơn 2.500 trạm điện thoại công cộng (ĐTCC) nhưng hầu hết đều không còn phát huy tác dụng, nhếch nhác và xuống cấp trầm trọng. Bất tiện, “hụt hơi” trong cuộc đua giá cước với các mạng điện thoại di động là lý do khiến các trạm ĐTCC hiện nay đang… chết dần chết mòn!

Xuống cấp trầm trọng

Trạm ĐTCC góc Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) thành nơi chứa đồ phế thải. (Ảnh chụp lúc 9 giờ ngày 24-8-2009).

Trạm ĐTCC góc Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) thành nơi chứa đồ phế thải. (Ảnh chụp lúc 9 giờ ngày 24-8-2009).

Đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5), đoạn từ ngã sáu Cộng Hòa đến ngã ba Nguyễn Văn Cừ - An Dương Vương là khu vực tập trung rất nhiều trường học. Thế nhưng trên đoạn đường dài hơn 200m này chỉ có 3 trạm ĐTCC, trong đó có 2 trạm ĐTCC đã bị biến thành nơi chứa hàng hóa của những người buôn bán lề đường.

Bạn Ngọc Minh, sinh viên khoa Địa chất Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, cho biết: “Trước đây mình cũng dùng thẻ ĐTCC nhưng gần đây đã chuyển sang dùng điện thoại di động vì các trạm ĐTCC gần trường không còn sử dụng được”.

Ngược lại, dọc theo đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), đoạn từ ngã sáu Cộng Hòa đến đường Trương Định có hơn 20 trạm ĐTCC nhưng rất ít người sử dụng. Tương tự, nhiều trạm ĐTCC trên một số tuyến đường khác như Bà Huyện Thanh Quan, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Văn Tần, Bùi Thị Xuân (quận 1) hay Đinh Tiên Hoàng, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh)… cũng xuống cấp trầm trọng, nhếch nhác và bốc mùi hôi thối vì rác thải xung quanh.

Chị Lan, bán cà phê trên vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh), nói: “Hầu hết các trạm ĐTCC đều bị đập bể cửa kính, bên trong gỉ sét, không ai dám vào. Cho nên tụi tui mới quét dọn, tận dụng khoảng trống để đồ”. Còn anh Quân, chạy xe ôm lâu năm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), cho biết: “Nhiều trạm ĐTCC còn bị một số người thiếu ý thức đập phá máy, bứt dây điện thoại…”. Có thể nói hầu hết các trạm ĐTCC trên địa bàn TPHCM  hiện nay chỉ là “vỏ không hồn”, không phát huy được tác dụng vốn có, mà còn làm ảnh hưởng đến bộ mặt mỹ quan của TP.

Đi tìm lời giải

Hệ thống ĐTCC đã được đưa vào sử dụng rộng rãi từ tháng 11-1997. Tuy nhiên sau hơn 10 năm hoạt động, hệ thống này đã bộc lộ nhiều yếu kém như: khan hiếm chỗ mua thẻ, nhiều nơi lắp đặt trạm chưa hợp lý, cước phí không hấp dẫn, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng... nhưng từ nhiều năm qua vẫn bị các cơ quan quản lý “nhắm mắt làm ngơ”. Hơn nữa, chính sự bùng nổ của các mạng điện thoại di động với nhiều ưu đãi, giá cước hấp dẫn đã làm cho người dân không còn mặn mà với loại hình dịch vụ ĐTCC.

Để ĐTCC thoát khỏi tình trạng “phơi sương” phổ biến như hiện nay, cần phải có một giải pháp cải tiến đồng bộ từ việc phân bổ lại hệ thống, mức cước phí, cách thức sử dụng đến các dịch vụ tiện ích đi kèm. Trong đó, những trạm ĐTCC không còn phát huy tác dụng nên được tháo bỏ. Các đơn vị quản lý ĐTCC cũng cần thường xuyên quan tâm, tăng cường công tác bảo tồn, sửa chữa trạm nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ của ĐTCC ở những khu vực đông người như bệnh viện, trường học, nhà ga, khu chế xuất…

Thu Tâm

Tin cùng chuyên mục