Quy định niêm yết giá cước vận tải: Có cũng như không

Gần tết, nhu cầu đi lại tăng cao thì giá cước vận tải càng khó kiểm soát. Những quy định về niêm yết giá (Thông tư liên tịch số 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT về niêm yết giá cước và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ của Liên bộ Tài chính và Giao thông Vận tải có hiệu lực từ ngày 10-10-2010) chưa được nhiều nhà xe tuân thủ.

Gần tết, nhu cầu đi lại tăng cao thì giá cước vận tải càng khó kiểm soát. Những quy định về niêm yết giá (Thông tư liên tịch số 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT về niêm yết giá cước và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ của Liên bộ Tài chính và Giao thông Vận tải có hiệu lực từ ngày 10-10-2010) chưa được nhiều nhà xe tuân thủ.

Niêm yết tùy hứng

Năm 2007, Liên bộ Tài chính và Giao thông Vận tải đã ra Thông tư liên tịch số 86/2007 quy định việc kê khai và niêm yết giá cước ô tô, các đơn vị vận tải chấp hành một một thời gian ngắn rồi gần như bỏ hẳn. Mới đây, Thông tư liên tịch số 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT ra đời với nhiều khoản bổ sung nhằm thay thế quy định cũ, tuy nhiên sau hơn 2 tháng đưa vào thực hiện, thông tư mới cũng có số phận không khác gì văn bản cũ.

Thông tư mới quy định rõ, tất cả phương tiện vận tải hành khách công cộng theo tuyến cố định phải niêm yết giá cước tại nơi bán vé, mặt ngoài thành xe phía bên trái, gần cửa trước và bên trong xe nơi hành khách dễ quan sát. Tuy nhiên, có mặt tại Bến xe miền Đông sáng 1-12, chúng tôi thấy ở các quầy doanh nghiệp vận tải ủy thác cho bến xe bán vé (số thứ tự từ quầy 1-30), giá cước của các tuyến đi Bình Phước, Bù Đốp, Tân Uyên, Phước Long… bị mờ do bôi xóa nhiều lần, một số tuyến phần niêm yết bị bỏ trống. Tại bãi đậu xe, khá nhiều xe không niêm yết giá cước ở mặt ngoài. Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe miền Đông cho biết trong đợt kiểm tra định kỳ gần đây nhất vào ngày 13-11, bến xe có 57 trường hợp vi phạm quy định niêm yết giá, trong đó có 94% không niêm yết trong xe, 4% không niêm yết ngoài xe và 14% không niêm yết ở cả hai vị trí nói trên.

Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Bến xe miền Tây và Bến xe quận 8. Cá biệt một số xe không có cả tên đơn vị chủ quản lẫn bảng niêm yết giá cước. Một tài xế của HTX xe khách liên tỉnh và du lịch Thống Nhất cho biết, các nhà xe nếu chấp hành cũng chỉ theo kiểu đối phó (dán bảng niêm yết ở bên phải thành xe - nơi hành khách ít quan sát, dán tạm bợ bằng băng keo trong, cỡ chữ nhỏ...) để được xuất bến. Khi xe ra khỏi bến, các bảng niêm yết này nhanh chóng được tháo bỏ để phục vụ cho việc “làm giá” trên suốt lộ trình.

Lỗ hổng quy định

Thông tư 129 mặc dù có kèm phụ lục hướng dẫn trình bày nội dung bảng niêm yết nhưng không quy định cụ thể kích thước, màu sắc và cỡ chữ thể hiện nên mỗi nhà xe thực hiện mỗi kiểu, gây khó cho hành khách trong việc tham khảo thông tin. Quy định mức xử phạt vi phạm cũng còn quá nhẹ, chỉ 50.000 đồng/lần nên không đủ sức răn đe; việc kiểm tra, giám sát lại không quy định rõ thuộc đơn vị nào dẫn đến nhiều bất cập trong quản lý. Ông Huỳnh Hải Oanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe miền Tây, cho biết: “Bến xe không có thẩm quyền xử phạt các vi phạm về niêm yết giá, cũng không đủ nhân lực để thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở. Trách nhiệm hiện nay thuộc về ban quản lý các bến xe khách, trực thuộc Sở GTVT. Tuy nhiên, quy định mới không thấy nhắc đến vai trò và chức năng của lực lượng này”. Do đó, bến xe nào cũng có ban quản lý nhưng việc kiểm tra thực hiện niêm yết giá ở mỗi nơi mỗi khác. Ở Bến xe miền Đông có sự phối hợp kiểm tra giữa lực lượng giám sát cơ hữu của bến và ban quản lý, còn ở Bến xe miền Tây và Bến xe quận 8 việc kiểm tra phụ thuộc hoàn toàn vào ban quản lý, bến xe không có lực lượng giám sát riêng.

Chính sự không rõ ràng từ các điều khoản được quy định trong thông tư đã khiến các doanh nghiệp vận tải xem nhẹ việc thực thi luật pháp, phía quản lý các bến xe cũng lơ là. Để quy định thật sự đi vào cuộc sống, Liên bộ Tài chính và Giao thông Vận tải cần có những quy định cụ thể hơn với những vấn đề bất cập nêu trên. Ngoài ra, cần tăng mức độ xử phạt để quy định có tính răn đe.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục