Bao giờ trút được gánh nặng... học hành?

Bao giờ trút được gánh nặng... học hành?

Nhìn cô con gái ngủ vùi sau mấy ngày thi tuyển sinh vào lớp 10 và tỉnh dậy với nét mặt phờ phạc, mệt mỏi-là người mẹ, tôi cảm thấy xót xa chuyện thi cử của con trẻ. Mặc dù cháu làm bài khá tốt nhưng tôi hiểu rõ nỗi lo canh cánh vẫn đang đè nặng con mình và cả những bậc cha mẹ, vì cuộc đua hay nói đùa là “canh bạc” nguyện vọng 1, 2 và 3 chưa ngã ngũ. Suốt thời gian qua, đâu chỉ có con tôi và những học sinh lớp 9 cảm thấy bị “hành” vì việc học - mà ngay cả phụ huynh, giáo viên và ban giám hiệu đều bơ phờ, mệt mỏi vì mục tiêu phấn đấu để có tỷ lệ cao đậu vào lớp 10 công lập.

Thí sinh dự thi tuyển sinh lớp 10 tại Hội đồng thi Trường THCS Hồng Bàng quận 5, xem gợi ý giải đề thi trên báo. Ảnh: Mai Hải

Thí sinh dự thi tuyển sinh lớp 10 tại Hội đồng thi Trường THCS Hồng Bàng quận 5, xem gợi ý giải đề thi trên báo. Ảnh: Mai Hải

Ngay từ đầu năm học, điệp khúc “các em phải học thật nhiều, giáo viên phải nhồi kiến thức cho học sinh và phụ huynh phải có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở con em mình học thật tốt…”, đè nặng tâm lý của từng học sinh lớp 9, từng gia đình và xã hội. Cuối cùng, sau cuộc đọ sức đọ tài căng thẳng, tốn kém công sức của rất nhiều người, chúng ta chỉ đạt được mục tiêu duy nhất là “sắp xếp chỗ học” và những học sinh nào không đủ điểm chuẩn vào công lập thì phải dạt ra các trường bán công, dân lập.

Đúng như nhận định của các nhà giáo dục, việc tuyển sinh vào lớp 10 còn quá nhiều điều bất cập và chưa thật đảm bảo sự công bằng. Bởi lẽ, có không ít học sinh suốt 9 năm học lực giỏi nhưng cuối cùng chỉ vì “bút sa gà chết” - chọn nguyện vọng sai hoặc chỉ vì làm bài thi không tốt, đành phải giã từ giấc mơ học ở ngôi trường công lập. Đó là chưa kể, đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có tiền để học tiếp lớp 10 ở các trường dân lập, tư thục thì các em sẽ đi đâu, về đâu? Những câu chuyện buồn rơi nước mắt của học sinh lớp 9 còn kéo dài đến bao giờ và đến khi nào thì TPHCM mới gỡ được “rào chắn” thi cử, đảm bảo có đủ chỗ học cho các em nhằm tạo sự công bằng, môi trường học hành bình đẳng?

Một vấn đề được các nhà xã hội học, quản lý giáo dục đặt ra là, phải chăng dư chấn từ những kỳ thi và áp lực học hành đang trở thành tác nhân khiến nhiều học sinh dù đậu điểm cao trong tuyển sinh vẫn ngán ngẩm chuyện học hành, đeo đuổi con chữ. Như trường hợp của đứa cháu tôi, từng là học sinh giỏi ở TPHCM, giãi bày: “Sau kỳ thi vào lớp 10, con gần như gục ngã. Vì thế, vào lớp 10 con chỉ học cầm chừng và đứng hạng trung bình khá trong lớp. Mặc cho ba mẹ buồn, con chỉ yêu cầu đừng bắt con học thêm và có thành tích giỏi nữa. Chẳng ai hiểu được nỗi khổ trong học hành, thi cử của tụi con đâu. Vì học đối phó, học nhồi nhét để thi lấy điểm cao, đạt danh hiệu học sinh giỏi nên sau thi cử bọn con quên hết và luôn cảm thấy kiệt sức…”.

Từ tâm sự của người trong cuộc- những học sinh vừa trải qua kỳ vượt vũ môn vào lớp 10, phụ huynh chúng tôi thiết tha đề nghị lãnh đạo TPHCM và ngành giáo dục hãy sớm tìm giải pháp phù hợp, bỏ kỳ thi tuyển sinh lớp 10 bằng cách đầu tư thêm chỗ học cho học sinh, tạo điều kiện các em được học hành bình đẳng như nhau, có như thế gánh nặng thi cử và học hành mới được trút bỏ.

PHƯỢNG CHI
(Đường Nguyên Hồng, quận Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục