Game online: Vẫn lách được việc quản lý!

Bộ Thông tin - Truyền thông vừa tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động game online trong nước bằng công văn nhắc nhở các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải chặn các đại lý game online ngưng truy nhập vào các máy chủ game online đúng giờ quy định. Tuy nhiên, với giới game thủ và những người kinh doanh, việc kiểm soát của nhà quản lý vẫn sẽ không đạt được như mong muốn, vì họ có nhiều phương cách lách né.
Game online: Vẫn lách được việc quản lý!

Bộ Thông tin - Truyền thông vừa tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động game online trong nước bằng công văn nhắc nhở các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải chặn các đại lý game online ngưng truy nhập vào các máy chủ game online đúng giờ quy định. Tuy nhiên, với giới game thủ và những người kinh doanh, việc kiểm soát của nhà quản lý vẫn sẽ không đạt được như mong muốn, vì họ có nhiều phương cách lách né.

  • Cấm - Liệu có khả thi?

Một đại lý game online, cũng là một game thủ tại quận Phú Nhuận chat thẳng với chúng tôi trên yahoo, rằng chẳng có gì cản được việc tiêu khiển với game online của anh cũng như các game thủ khác. Các biện pháp do Bộ TT-TT hay Sở TT-TT TPHCM đưa ra, nói đến cùng chỉ nằm ở phạm vi quản lý hành chính Nhà nước, mà điều này thì mọi game thủ hay cơ sở kinh doanh “không bận tâm lắm”.

“Bây giờ lên mạng, ai cũng biết được những thông tin cần thiết có lợi cho lựa chọn của mình, nên bảo cấm cản như ý nhà quản lý, chắc chắn không làm nổi. Như Facebook, người này người nọ bảo vào không được, nhưng xem lại thì ai có tham gia vẫn cứ vào ầm ầm đó thôi. Game online thì lại càng thiên hình vạn trạng, cấm chỗ này ra chỗ khác, càng cấm lại càng khiến người ta làm sai”, game thủ này bộc bạch như vậy.

Đa số game thủ khi đọc thông tin sẽ dứt điểm công việc chặn tín hiệu Internet tại các điểm công cộng vào cuối tháng 3-2011 đều... cười. Họ cho rằng chủ trương là đúng và cần thiết, nhưng sẽ chỉ giới hạn được những điểm Internet kinh doanh bình thường. Với các tiệm kinh doanh game chuyên nghiệp, tình hình sẽ khác. Không có nhà cung cấp dịch vụ Internet nào lại kiên quyết “đập nồi cơm” của mình trước số thuê bao lớn của các điểm Internet game, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh thị trường khốc liệt hiện nay.

Đơn cử một cách, chỉ cần họ cùng chủ tiệm game ký lại các hợp đồng cá nhân thuê bao đường truyền tốc độ cao và chủ tiệm game chuyển qua treo biển bán cà phê hay quà vặt, miễn phí cho khách hàng vào Internet với máy tính cho sẵn trong quán, thì mọi việc “huề cả làng”. Đây cũng là giải pháp lách né đã từng xảy ra với nhiều tiệm game tại Trung Quốc, khi chính phủ nước này mong chặn nạn lạm dụng game online ở các điểm dịch vụ công cộng.

Các biện pháp quản lý game online chưa hiệu quả.

Các biện pháp quản lý game online chưa hiệu quả.

Nhà quản lý sẽ xử lý ra sao nếu một chủ quán cà phê “tốt bụng” có nhã ý mua máy tính truy cập thông tin Internet miễn phí cho mọi khách hàng vào uống cà phê ở quán mình, chỉ cần gọi một ly cà phê là có thể ngồi cả ngày trong quán? “Ly cà phê tôi bán giá bao nhiêu, thì bên thương mại và thuế quản lý chứ bên truyền thông hỏi làm gì? Tôi bán ra sao miễn có lợi nhuận, đóng thuế và khách hàng vào quán chứ đâu có vi phạm với ai mà bảo quán cà phê của tôi phải tắt Internet vào 10 giờ đêm?”. Một chủ tiệm game đang chuẩn bị chuyển qua đăng ký kinh doanh cà phê - wifi miễn phí trên trục đường Lê Văn Sỹ xoa tay lý giải như vậy.

Những game thủ lại càng tỏ ra thờ ơ với chuyện cấm cản tín hiệu hơn, bởi lẽ nhà quản lý cùng các nhà cung cấp dịch vụ Internet sẽ không thể chặn được hết các địa chỉ IP chơi game mà họ sẽ sử dụng.

Thứ nhất, họ đâu nhất thiết phải chơi game online của các nhà phát hành trong nước, mà có thể đăng ký account miễn phí với bất kỳ game online nào trên thế giới. Nếu không miễn phí, họ cũng có thể dùng các tài khoản ngân hàng đang bán trên mạng hay tự đăng ký để tham gia chơi. Thậm chí trong trường hợp khó đi ra bên ngoài, họ cũng có thể tham gia các server “game lậu”, đang mở tự do trên mạng với IP luôn thay đổi.

Thứ hai, việc một người vào tiệm Internet để giải trí, tìm hiểu thông tin là không ai cản được và họ chỉ cần dùng một phần mềm giấu IP đăng nhập là có thể vào bất kỳ website hay dịch vụ game online, chat, xem phim ảnh nào họ muốn. Chặn IP các server game trong nước với những game thủ có kinh nghiệm “hack, bot”, có thể nói không đạt được kết quả gì, trong khi lại trở thành lực cản, gây khó khăn cho việc kinh doanh đã đăng ký của doanh nghiệp.

  • Giải pháp mềm

Trong rất nhiều trao đổi, tranh luận trên mạng và các diễn đàn mở năm 2010, nhiều đại diện game thủ và cả lãnh đạo các nhà phát hành game trong nước như VTC, VNG... đều bày tỏ quan điểm cần cởi mở, khách quan hơn với môi trường game online. Thực chất đây cũng chỉ là một dịch vụ mạng, như google hay yahoo, mọi sự lạm dụng, sa đà đều dẫn đến hệ lụy không tốt. Cho nên, thay vì cản ngăn và chặn đón sự truy nhập, tham gia, nhà quản lý nên cùng các nhà phát hành và những lực lượng xã hội khác xem xét việc điều hướng hành vi người chơi game. Đây là bài toán tổng hợp nhiều khía cạnh song không phải là không làm được.

Mấu chốt nằm ở chỗ, nếu sử dụng chính lực lượng game thủ để điều tiết hành vi chơi game của cộng đồng game thủ, kết quả mang lại sẽ có thể tích cực hơn. Chỉ đơn cử một giải pháp đã từng được IAH, một nhà phát hành game tại Singapore áp dụng, người ta có thể gỡ được phần nào bài toán nhận thức game thủ.

Nhà phát hành này đã tổ chức nhiều cuộc du ngoạn, tham gia công tác xã hội cho những game thủ đang tham gia các game online của mình, mà kết quả là game thủ được hỗ trợ đạt các tiêu chí phát triển nhân vật chơi game nhưng không phải dành nhiều thời gian cho game. Quan trọng là khi các game thủ được kéo ra khỏi môi trường mạng máy tính, các trò chơi, để đối diện cuộc sống hàng ngày, được tiếp xúc với những người thiệt thòi trong cuộc sống, họ sẽ có những nhận thức khác đi, để đi đến tự giác lựa chọn hành vi cho mình.

Trong bối cảnh nền công nghiệp game online và môi trường giao lưu xã hội từ game online tại Việt Nam còn non yếu, sức cạnh tranh với các nhà phát hành bên ngoài qua mạng Internet đầy căng thẳng và nhận thức tham gia có trách nhiệm của game thủ còn hạn chế, thì những giải pháp cởi mở, hỗ trợ hướng đi đúng cho những người chơi game là rất cần thiết.

Vì thế, bên cạnh những biện pháp cụ thể mà Bộ TT-TT đang phối hợp các địa phương thực thi, vẫn rất cần những giải pháp khác, liên kết được sức mạnh nhận thức của cộng đồng game thủ và bảo vệ các nhà phát hành trong nước, mới có thể tạo nên sự thay đổi sâu sắc và toàn diện trong vấn đề chống lạm dụng môi trường game online ở giới trẻ hiện nay. 

THANH NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục