Sổ tay: Khi “hiệp sĩ” mất xe

Trong một buổi chiều cùng hai người bạn truy bắt cướp, “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến đã bị… mất xe. Còn nhớ, chiếc xe này cách nay mấy năm, anh được một mạnh thường quân trao tặng để làm phương tiện “hành hiệp”. Nếu anh bị kẻ trộm lẻn vào nhà lấy xe, hay gửi ở bãi xe rồi bị kẻ gian lấy mất thì cũng là điều bình thường. Lần này, trong khi truy đuổi mấy tên cướp, anh và hai người bạn bị chúng tấn công lại, phải để xe và chạy bộ để khống chế, bắt tên cướp giao công an, khi quay về thì chiếc xe máy không cánh mà bay.

Nhân “hiệp sĩ” Tiến mất xe, nhớ lại chuyện trước đây một người đi trên đường rớt túi tiền và văng tung tóe khắp nơi. Trong khi người này bối rối không biết làm cách nào gom lại được thì có nhiều người khác cũng dừng xe, họ nhanh chóng tranh nhau nhặt rồi cũng nhanh chóng lên xe biến mất, để lại khổ chủ không biết kêu ai.

Không nhiều những hình ảnh nhẫn tâm này xuất hiện, nhưng từ chuyện tranh nhau nhặt tiền cho đến “hiệp sĩ” mất xe, một lát cắt đời sống xã hội đã hiện ra với không ít mảng tối. Những người dừng lại nhặt tiền, hay ai đó lấy mất chiếc xe của anh Tiến có thể chỉ do vô thức khi lòng tham bất ngờ trỗi dậy, nhưng nó cũng cho thấy những lỗ hổng trong nền tảng đạo đức xã hội.

Vẫn biết ngày nay, các em học sinh đều được học bài học vỡ lòng là nhặt được của rơi phải trả lại người mất, hay ra tay nghĩa hiệp giúp người, nhưng vì sao bài học đó không trở thành chuẩn mực? Thông thường, khi thấy các “hiệp sĩ” ra tay bắt cướp thì mọi người cùng hỗ trợ, nếu không có điều kiện thì cũng không nên làm một điều gì đó có thể ngăn cản, gây thiệt hại cho họ. Nên hành vi trộm luôn xe của “hiệp sĩ” trong lúc truy đuổi cướp cũng đồng nghĩa với việc ngăn cản các anh hành hiệp.

Thật khó chấp nhận được hình ảnh anh Tiến dẫn giải tên cướp đến giao công an cùng lúc trình báo bị mất xe khi truy đuổi cướp giữa thanh thiên bạch nhật. Nó cũng nhắc nhớ đến “hiệp sĩ” Nguyễn Tăng Tiên ở Bình Dương ngót nghét chục lần bị bọn cướp quay lại tận nhà chém trả thù trong lúc anh chỉ một thân một mình chống đỡ, tự bảo vệ, may lắm thì cũng chỉ có thêm mấy người bạn hỗ trợ.

Nhiều người sẽ nhắc đến nguyên nhân cơm áo gạo tiền, phải lo cho bản thân, cho gia đình trước khi nghĩ đến người khác. Nhưng chỉ nguyên nhân này thôi thì không khéo khiến chúng ta né tránh một điều lớn hơn, đó là niềm tin vào lẽ phải, tin vào cái thiện thắng cái ác, đã không còn đủ vững chãi trước mặt trái xã hội hiện nay.

Hoàng Mai

Tin cùng chuyên mục