“Bà hỏa” rình rập các chợ

Nhiều bất cập trong PCCC chợ
“Bà hỏa” rình rập các chợ

Vụ cháy chợ Quảng Ngãi ngày 9-2 gây thiệt hại hơn 200 tỷ đồng như một lời cảnh báo đối với tiểu thương ở các chợ truyền thống. Thế nhưng, khảo sát thực tế công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở một số chợ tại TPHCM và các tỉnh, có thể thấy các tiểu thương và cả ban quản lý chợ vẫn chưa thật cảnh giác với “bà hỏa”.

Một góc chợ Thạnh Trị (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) không an toàn PCCC. Ảnh: Đăng Nguyên

Một góc chợ Thạnh Trị (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) không an toàn PCCC. Ảnh: Đăng Nguyên

Nhiều bất cập trong PCCC chợ

Qua vụ cháy lớn tại chợ Quảng Ngãi, cần phải nhìn nhận lại vấn đề PCCC ở khu vực chợ ở nước ta hiện nay. Hỏa hoạn xảy ra tại khu vực phía Đông Nam chợ Quảng Ngãi, nhưng nơi đây bị mất trộm nắp van nên không có nước, còn các trụ nước chữa cháy khác tại 3 góc chợ nước chảy quá yếu nên không thể khống chế được ngọn lửa. Khi người dân gọi, bảo vệ hốt hoảng không mở được cửa vào chợ, mọi người phải đập cửa xông vào chữa cháy. Trận cháy diễn ra sau hơn 1 tiếng rưỡi mới bắt đầu gọi lực lượng PCCC. Đến khi lực lượng PCCC đến nơi thì không lấy được nước cứu hỏa từ trong chợ mà phải đợi nước chi viện từ các nơi khác. Thêm vào đó, các quầy sạp xây dựng phía đường Lê Trung Bình, bên hông chợ và mặt bằng phía trước chợ được cho thuê gửi xe đã làm cản trở lối đi, càng làm cho việc cứu hỏa trở nên trì trệ hơn.

Chính sự bố trí xung quanh khu vực chợ và xem thường hỏa hoạn nên khi sự việc xảy ra người dân lẫn cơ quan chức năng đều lúng túng, không tìm được cách giải quyết, dẫn đến chợ bị cháy rụi. Thực tế tại nhiều chợ, phương tiện PCCC tại chỗ rất thô sơ, cũ kỹ; hành lang an toàn, lối thoát hiểm trong chợ và xung quanh chợ quá chật hẹp. Thậm chí có chợ chỉ có lối vào độc đạo chứ không có lối ra, như chợ mới Tân An của tỉnh Long An. Nếu xảy ra sự cố cháy chợ thì chỉ có con đường chết. Dẫu biết rằng việc trang bị các phương tiện PCCC rất hiếm khi sử dụng tới, nhưng không thể lơ là. Hiện nay việc PCCC ở nhiều chợ chỉ là cái vỏ bên ngoài để khi sự việc xảy ra thì chỉ còn biết ngao ngán nhìn ngọn lửa.

Thờ ơ, chủ quan

Chợ An Đông (quận 5) là một chợ khá hiện đại tại TPHCM. Thế nhưng lối đi trong chợ cũng không được thông thoáng, nhất là ở các quầy hàng bán vải sợi, quần áo may sẵn, hàng hóa bày bán chật kín cả lối đi. Anh Bình, một bạn hàng thường xuyên mua vải ở đây, tỏ ý lo ngại: “Ở đây, nếu bất ngờ có hỏa hoạn xảy ra, sẽ khó an toàn tính mạng vì khó thoát hiểm khi mọi người phải chen lấn nhau chạy, nói chi đến việc giải nguy cho hàng hóa”.

Tại nhiều chợ, phổ biến tình trạng tiểu thương không quan tâm lắm đến việc phòng tránh cháy nổ. Hàng hóa bày bán kín cả lối đi. Đã vậy, điện đóm câu móc lung tung thiếu an toàn, nhiều ổ điện, bóng đèn, quạt máy… lại nằm sát bên các đống vải sợi, quần áo, chỉ cần sự cố chập điện là có thể xảy ra cháy chợ.

Chị Hương, một tiểu thương bán vải ở chợ An Đông, phân trần: “Tụi tôi mua bán ở đây, hàng năm đều được Ban quản lý chợ tập huấn công tác phòng chống cháy nổ. Nghe vụ cháy chợ Quảng Ngãi, ai cũng lo ngại. Có điều, mặt bằng quầy sạp ở đây hơi hẹp mà giá thuê cũng đắt, nên phải tranh thủ lấn ra lối đi để bày hàng hóa”.

Ông Nguyễn Chí Trung, Phó Ban quản lý chợ An Đông, cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm tập huấn cho các tiểu thương cách phòng tránh cháy nổ, đồng thời cũng luôn nhắc nhở các tiểu thương đề cao ý thức phòng chống cháy nổ. Nếu ai vi phạm những quy định của chợ (đốt nhang đèn, giấy vàng mã, quên đóng công tắc điện, hút thuốc trong chợ…) sẽ bị phạt đình chỉ mua bán 3 ngày và cảnh cáo, nhắc nhở trên loa phóng thanh của chợ”. Tuy nhiên, ông Trung cũng thừa nhận: “Tâm lý của tiểu thương vẫn nghĩ vào chợ thì chỉ quan tâm việc mua bán thôi, còn công tác phòng chống cháy nổ là nhiệm vụ của Ban quản lý chợ và lực lượng PCCC lo, nên họ dễ chủ quan trong chuyện phòng chống cháy nổ”.

Không chỉ tiểu thương ở chợ An Đông, mà tiểu thương ở nhiều chợ khác tại TPHCM như chợ Bà Chiểu, chợ Bình Chánh… hay một số chợ ở các tỉnh ĐBSCL như chợ Tân An (tỉnh Long An), chợ Thạnh Trị (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)… cũng nghĩ như thế. Họ luôn cho rằng công tác PCCC là nhiệm vụ của Ban quản lý chợ và lực lượng PCCC. “Tui đăng ký vào chợ mua bán là đã có đóng tiền cho việc PCCC rồi, nên Ban quản lý chợ và mấy ông PCCC phải lo nhiệm vụ này chứ” - một chị tiểu thương ở chợ Tân An “vô tư” nói vậy.

Ngoài việc lơ là, chủ quan trong việc phòng tránh cháy nổ, tiểu thương ở nhiều chợ cũng không quan tâm đến việc mua bảo hiểm cháy nổ. Theo họ, lâu nay các tiểu thương ở các chợ không ai mua bảo hiểm cháy nổ và cũng cũng không có công ty bảo hiểm nào đến vận động họ mua bảo hiểm nên các tiểu thương không “mặn” với việc mua bảo hiểm cháy nổ.

Dương Châu - Đăng Nguyên

Tin cùng chuyên mục