Hè về với trẻ quê

Hè về, người dân ở các thành phố lớn thường đưa con vô các lớp học hè, còn ở nông thôn, trẻ được chơi nhiều hơn. Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng tựu trung lại để có được một kỳ nghỉ hè đích thực cho trẻ thì xem ra chưa có mô hình nào phù hợp.
Hè về với trẻ quê

Hè về, người dân ở các thành phố lớn thường đưa con vô các lớp học hè, còn ở nông thôn, trẻ được chơi nhiều hơn. Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng tựu trung lại để có được một kỳ nghỉ hè đích thực cho trẻ thì xem ra chưa có mô hình nào phù hợp.

Nhà thiếu nhi - chiếc áo quá cũ!

Những khi không phải đến các lớp học hè, thi thoảng bọn trẻ mới được cha mẹ cho đến sinh hoạt ở nhà thiếu nhi. Nhưng đến các “ngôi nhà của tuổi thơ” này cũng chẳng sướng lắm bởi cơ sở vật chất quá cũ kỹ, các hoạt động vui chơi giải trí nghèo nàn. Khổ nỗi không đến nhà thiếu nhi thì các em biết đi đâu?

Ở Long An, cứ đến cuối tháng 5 hàng năm, nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức ghi danh các lớp học hè: múa, hát, vẽ, ngoại ngữ, tin học, cờ vua, võ thuật…

Ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh Long An, cho biết: “Dù vẫn duy trì được nhiều môn học trong khóa hè cho các bé nhưng số lượng đăng ký giảm nhiều so với trước đây. Chỉ riêng lớp rèn chữ cho các bé chuẩn bị vào lớp một lúc nào cũng đông nghịt phụ huynh đến đăng ký…”. Cơ sở vật chất xuống cấp, thiết bị nghèo nàn, nội dung hoạt động không đáp ứng kịp nhu cầu của xã hội là một trong những nguyên nhân làm nhà thiếu nhi không còn sức hút.

Cấp tỉnh là vậy, các nhà thiếu nhi tuyến huyện sinh hoạt còn buồn tẻ hơn. Như Nhà Thiếu nhi huyện Cần Giuộc, mặt bằng nhỏ hẹp lại thường xuyên bị ngập nước, chẳng có chỗ chơi cho các em. Đã vậy, nhiều năm liền nơi này không có nhà vệ sinh. Bức bách quá nên mới đây nhà thiếu nhi này trang bị một nhà vệ sinh tạm bợ cho các em.

Ở nhiều tỉnh ở ĐBSCL khác, thiếu thốn đủ bề là tình trạng chung của các nhà thiếu nhi, nên nói đến sân chơi cho các em, nhất là dịp hè, như nói đến một chuyện xa xỉ, thiếu thực tế.

Sinh hoạt hè ngoài đồng

Không ít trẻ em ở quê, phần lớn mùa hè là ở ngoài đồng phụ giúp ba mẹ nhổ cỏ lúa, dọn cỏ vườn, hái chanh… Em Ngọc Minh, nhà ở xã Tân Hội Trung huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), vừa học xong lớp 8 với kết quả học sinh giỏi. Em được cha mẹ thưởng một chuyến đi chơi nhà ông chú ở TPHCM. Sau mấy ngày xả hơi, em về quê ra đồng phụ giúp ba mẹ nhỏ cỏ lúa. Nhờ hay ra đồng mà em biết được những thời kỳ phát triển của cây lúa và biết khi nào ra bông, thậm chí nhìn cây lúa em còn biết cây lúa đang bị bệnh gì.

Còn em Nhanh, học sinh lớp 7 nhà ở ấp 2 xã Bình Hòa Nam huyện Đức Huệ (Long An) rất mong đến hè để được theo ba ra vườn hái chanh. Em Nhanh nói: “Muốn có trái chanh đẹp thì phải đợi nắng lên mới được hái. Khi đó sương tan hết, trái chanh đã ráo, mình hái thì chanh mới không bị có dấu, bán giá mới cao”.

Một học sinh xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) phụ giúp gia đình lựa chanh trong ngày hè.

Một học sinh xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) phụ giúp gia đình lựa chanh trong ngày hè.

Chị Đặng Thị Nguyệt Đăng, nguyên Bí thư Xã đoàn Thạnh Hòa (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) kể chuyện chị được học hỏi thêm từ những em nhỏ sau những lần tổ chức sinh hoạt hè. Có lần chị cho các em chơi trò tìm từ láy từ các con vật, có một em nêu ra tên con câu cấu làm cho các anh chị đoàn viên đều ngơ ngác. Cuối cùng, mọi người mới biết đó là tên loại côn trùng hay phá hoại chanh mà chỉ có người trồng chanh mới biết.

Trong một nghiên cứu về sự chuẩn bị cho trẻ vào lớp một của tiến sĩ Đặng Thị Phương Phi, trẻ em vùng nông thôn hồn nhiên, lễ phép, biểu lộ tình cảm và quan tâm đến người thân hơn trẻ em thành thị. Những ngày vừa chơi vừa làm của những em nhỏ nông thôn đã giúp các em có được những kiến thức xã hội phong phú và một tình yêu với thiên nhiên - điều mà trẻ em thành thị đang đánh mất dần trong những lớp học thêm.

Không có nhà thiếu nhi, các em nhỏ vùng nông thôn chỉ trông chờ vào các điểm sinh hoạt hè ở địa phương. Mỗi tháng 2 lần tại các điểm sinh hoạt của ấp hay tại trường, học sinh cấp 2 được cán bộ Đoàn của xã, của trường tổ chức cho chơi các trò chơi dân gian như kéo co, ô ăn quan, bắn bi… Còn các em bậc tiểu học thì chơi những trò chơi quen thuộc như đi tìm nhạc trưởng, sóng biển, chim sổ lồng… Chỉ có vậy nhưng hầu hết các em đều rất hứng thú khi tham gia, được chơi bên bạn bè.
 

Đăng Nguyên

Tin cùng chuyên mục