Vụ lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích nhận lương “khủng”: Quản lý chặt, xử lý nghiêm

LTS: Dư luận bạn đọc hoan nghênh khi tiếp nhận thông tin các lãnh đạo chủ chốt tại 4 công ty TNHH MTV thuộc khối dịch vụ công ích TPHCM nhận lương “khủng” đã bị tạm đình chỉ công tác. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc cho rằng cần phải nghiêm túc truy xét trách nhiệm khi để xảy ra xử việc trên và kiên quyết xử lý rốt ráo việc này.
Vụ lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích nhận lương “khủng”: Quản lý chặt, xử lý nghiêm

LTS: Dư luận bạn đọc hoan nghênh khi tiếp nhận thông tin các lãnh đạo chủ chốt tại 4 công ty TNHH MTV thuộc khối dịch vụ công ích TPHCM nhận lương “khủng” đã bị tạm đình chỉ công tác. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc cho rằng cần phải nghiêm túc truy xét trách nhiệm khi để xảy ra xử việc trên và kiên quyết xử lý rốt ráo việc này.

        Trả lại niềm tin cho người lao động

Tuần qua, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị và Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh đã nhận lỗi, song họ vẫn cho rằng nguyên nhân là do không cập nhật chủ trương chính sách. Cách trả lời này không nhận được sự thông cảm của dư luận. Tính chất vụ việc không đơn giản như vậy và cách trả lời đó thể hiện thái độ vô trách nhiệm. Trong các tin bài báo chí đề cập vụ việc này, một cụm từ được lặp đi lặp lại là vụ việc đã “gây hậu quả nghiêm trọng”. Bước đầu, có thể nói, đây là một đánh giá khách quan và đúng mực. Không nghiêm trọng sao được khi hàng trăm công nhân lao động quần quật trong mùi hôi thối của bùn nước, đánh đu số mạng trên cây cao nhưng chỉ nhận được đồng lương bèo bọt, không bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và nhiều quyền lợi khác. Trong khi đó, lợi nhuận mà họ làm ra đã bị lãnh đạo các công ty này chiếm đoạt bằng kiểu “quên” xây dựng quỹ lương của ban điều hành theo quy định mà vẫn tiếp tục tính lương theo cách cũ - theo hệ số và phụ cấp chức vụ.

Công nhân Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM lao động vất vả. Ảnh: THANH HẢI

Công nhân Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM lao động vất vả. Ảnh: THANH HẢI

Động thái nhanh và quyết liệt của lãnh đạo TPHCM trong việc xử lý đã được dư luận đón nhận với niềm tin cái xấu phải bị trừng trị. Công nhân tại 4 doanh nghiệp công ích hồ hởi không kém vì số tiền “khủng” nộp vào ngân sách sẽ được dành để chăm lo cho người lao động. Có nghĩa, họ sẽ được bù đắp lại những quyền lợi trước đây đã mất, nhưng điều quan trọng hơn thế, họ đã được trả lại niềm tin và sự công bằng.

Người dân ghi nhận lãnh đạo TPHCM đã thể hiện thái độ nói là làm, kiên quyết xử lý những phần tử tiêu cực, dù người đó là đảng viên đang giữ vai trò lãnh đạo đơn vị. Mong rằng việc xử lý những lãnh đạo nhận lương “khủng” sẽ không chỉ dừng lại ở đó.

TRỌNG NHÂN
(Bình Thạnh, TPHCM)

        Xem xét trách nhiệm liên quan

Câu hỏi trước tiên là tại sao sai phạm kéo dài hơn một năm qua nhưng đến nay mới bị phát hiện? Nếu cơ quan chức năng không thanh tra, kiểm tra, có lẽ tiêu cực đã được bưng bít. Bên cạnh đó, đối với vụ việc này, các sở, ngành liên quan như Sở LĐTB-XH TPHCM, Sở Tài chính, Cục Thuế… cũng nên nghiêm túc xem xét lại trách nhiệm của mình.

Giao nộp ngân sách các khoản chi “khủng”, trái nguyên tắc là chuyện đương nhiên; nhưng không đồng nghĩa nộp phạt là sạch tội. Sự việc có lẽ không dừng ở mức sửa sai, khắc phục hậu quả; mà hậu vụ trả lương “khủng” mới là điều đáng bàn. Trách nhiệm trực tiếp cũng như gián tiếp của các sở, ngành liên quan sẽ được xem xét, xử lý thế nào? Liệu quyền lợi của người lao động có thực sự được bảo đảm, ổn định như cam kết “rà soát ký hợp đồng lại với người lao động” mà các công ty trên đã đưa ra, hay quyền lợi người lao động tiếp tục bị đẩy đưa, bóp nghẹt?

Việc lãnh đạo TPHCM chủ động phát hiện vụ sai phạm trong việc chi trả lương “khủng” thực sự tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tuy nhiên, để hạn chế tiêu cực có thể sẽ xảy ra tại những cơ quan, đơn vị khác, nên chăng nhà nước cần có chế tài đủ mạnh, triệt để, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

NGÂN HẠNH
(quận 10, TPHCM)

        Xử lý thỏa đáng

Khi trả lời các cơ quan báo chí về vấn đề này, lại có ý kiến cho rằng: “Nếu thật sự người ta được hưởng xứng đáng, hợp lý thì chúng ta ủng hộ, khuyến khích. Việc lương “khủng” hay không “khủng” chỉ là cách nhìn nhận thôi chứ so với mặt bằng thế giới thì mức thu nhập đó chưa lớn” (Báo SGGP, 30-8-2013).

Nghe qua ý kiến phát biểu trên, thật lòng tôi không hiểu người nói đang sống, làm việc và lãnh lương tại Việt Nam hay ở đâu? Ở nước ta, mức lương tối thiểu hiện chỉ có 1,15 triệu đồng/tháng, còn lương tối đa (tột khung) gấp 13 lần lương tối thiểu, cũng chỉ bằng 14,95 triệu đồng.Với thu nhập của lãnh đạo chủ chốt tại 4 công ty TNHH MTV thuộc khối dịch vụ công ích TPHCM cao một cách phi lý mà bảo rằng “so với mặt bằng thế giới thì mức thu nhập đó chưa lớn”, thật kém sức thuyết phục. Việt Nam hiện là nước ở hàng dưới của nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp (từ 1.026 USD đến 4.035 USD/người/năm), sao lại cứ muốn so sánh với thế giới, kể cả những quốc gia có thu nhập cao (từ 12.476 USD/người/năm trở lên)?

Lương của lãnh đạo các công ty công ích tại TPHCM rõ ràng là không hợp lý, không xứng đáng, cần xem xét, xử lý thỏa đáng, bởi tiền ngân sách là tiền đóng từ mồ hôi nước mắt của người dân. Riêng đối với nhận định: “Chúng ta ủng hộ, khuyến khích nếu thu nhập ấy là xứng đáng, hợp lý” chỉ thể hiện cái tầm non kém, xa rời thực tế của người phát biểu mà thôi!

BIÊN HÀ
(Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục