Hoa kiểng dỏm xuống đường

Chỉ còn 3 tuần nữa đến Tết Nguyên đán, mặt hàng hoa kiểng bắt đầu hút khách. Lợi dụng thời cơ, những người làm và bán hoa kiểng dỏm đưa hàng ra bán lưu động ở nhiều nơi trên địa bàn TPHCM. Bằng thủ thuật, người bán “phù phép” các loại cây rẻ tiền thành cây kiểng cao cấp lừa gạt người mua.
Hoa kiểng dỏm xuống đường

Chỉ còn 3 tuần nữa đến Tết Nguyên đán, mặt hàng hoa kiểng bắt đầu hút khách. Lợi dụng thời cơ, những người làm và bán hoa kiểng dỏm đưa hàng ra bán lưu động ở nhiều nơi trên địa bàn TPHCM. Bằng thủ thuật, người bán “phù phép” các loại cây rẻ tiền thành cây kiểng cao cấp lừa gạt người mua.

        Trĩu quả nhờ dán keo

Trên các tuyến đường Thành Thái, Nguyễn Tri Phương (quận 10), Trường Chinh (quận Tân Bình và quận 12)… xuất hiện nhiều người đi xe máy chở hoa, cây kiểng bán dạo. Cây kiểng bán phổ biến nhất là cây sung, quất, mai vàng, mai chiếu thủy, lộc vừng, sơ ri, được người bán xếp dọc trên vỉa hè như chợ hoa tết.

Qua thông tin từ bạn đọc mua nhầm cây kiểng có hoa hoặc trái dán vào cành bằng keo, chúng tôi hỏi một phụ nữ bán cây sung kiểng trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình). Mặc dù giữa trưa trời nắng, vẫn có vài khách hàng đang chọn mua. Người bán giới thiệu: “Cây sung này em trồng ở Bình Dương, đem vào đây bán. Quả tươi mỡ màng, hàng thật, chứ không dán keo như người ta nói đâu”. Thấy khách hàng vẫn còn chần chừ, chị bán hàng giục: “Nhanh lên, em phải dời đi chỗ khác, vì bày bán lâu trước hàng quán là người ta ra chửi ngay. Mua nhanh giùm em, cây lớn 500.000 đồng, cây nhỏ 300.000 đồng. Bảo đảm xanh tươi từ nay đến hết tết”. Thế nhưng, do có thông tin từ những người đã mua nhầm cây sung với trái dán bằng keo dán sắt, chúng tôi quan sát kỹ, những trái sung trên cây sai trĩu, bó vào nhau tươi rói, nhưng thử đụng tay vào một vài trái có thể nhận ra sự mềm bủng, thiếu săn chắc; một số trái nằm khuất trong lá tuy vẻ ngoài còn xanh nhưng đã bị khô.

Những cây sung kiểng dày đặc trái luôn thu hút khách mua. Ảnh: NGÂN HẠNH

Những cây sung kiểng dày đặc trái luôn thu hút khách mua. Ảnh: NGÂN HẠNH

Vỉa hè gần góc đường Lý Thường Kiệt - Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình) đôi khi cũng thành bãi tập kết của hoa kiểng bán dạo. Cây tắc sum suê cao chưa đầy 50cm, nhưng nặng trĩu cỡ 600 - 700 trái vàng ươm, được người bán nói giá 2 triệu đồng. Cây nhỏ hơn, cỡ 200 trái, giá 800.000 đồng. Người bán quảng cáo: “Loại tắc này vàng ươm, trái to, được vận chuyển từ Hà Nội vào. Trái dai, bền màu, chưng được từ giờ đến hết tết. Nếu mua, em sẽ giao hàng tận nhà”. Khi chúng tôi hỏi có bảo đảm không phải là trái dán vào bằng keo dán sắt không, người bán vẫn chống chế: “Nếu trái rụng, chị cứ gọi điện cho em, sẽ hoàn tiền”. Lúc đó, có thêm vài người đàn ông cũng ghé vào lựa cây. Sau khi xem xét, họ nói thẳng: “Tui là dân miền Tây, nhìn là biết ngay tắc miền Tây, vậy mà nói tắc Hà Nội. Mấy cây này giá cao lắm cũng chỉ vài trăm ngàn đồng. Mua về vài hôm là trái rụng tả tơi, vì dán bằng keo”. Bị bể mánh, người bán lúng túng nài nỉ: “Vận chuyển đường xa vất vả. Muốn bán được phải “làm màu” (ý nói gắn thêm trái giả - PV) cho cây. Các anh mua đi, thấy được giá em bán liền. Cây lớn, loại 600 - 700 trái lấy giá 500.000 đồng; cây nhỏ loại 200 trái còn 200.000 đồng thôi”.

        Đừng ham rẻ

Chị Nguyễn Minh Thảo (ngụ tại đường Chánh Hưng, phường 4, quận 8) kể, đi ngang đường đường Ba Tháng Hai (quận 10), thấy có người bán dạo với những cây lộc vừng rất đẹp, rất nhiều dây hoa đỏ rủ xuống thướt tha, lộng lẫy, chị không tiếc tiền, mua ngay giá 700.000 đồng. Người bán chở về đến tận nhà, bê lên tận sân thượng cho chị và không quên cho số điện thoại, địa chỉ vườn ươm trồng để làm tin. Chị Thảo liền gọi kiểm tra số điện thoại, thấy có đổ chuông, tin người bán thật thà nên trả tiền và còn lì xì thêm 100.000 đồng. Thế nhưng, chỉ đến sáng hôm sau đã thấy các dây hoa đã héo rũ rồi khô nhanh, không còn hoa nào. Xem kỹ các cuống dây hoa mới hay người ta đã khéo léo khoan sâu vào cành rồi chấm keo gắn từng dây hoa lộc vừng thật dính vào. Chị Thảo gọi vào số điện thoại của người bán nhưng chỉ nghe tiếng tút liên hồi.

Được biết, một cây tắc Hà Nội trái sai trĩu (khoảng 900 - 1.000 trái) đặt trong chậu bán kính khoảng 50cm, chiều cao thân cây khoảng 45 - 60cm, giá bán dao động từ 7,5 - 8 triệu đồng/cây. Loại tắc này bảo đảm chưng được đến vài tháng, do vậy giá rất đắt. Trong khi đó, tắc miền Tây chưng không được lâu nên giá chỉ vài trăm ngàn đồng một chậu. Còn cây sung bonsai, trái nhiều, thế đẹp, gốc to, giá đến vài triệu đồng trở lên. Anh Nguyễn Văn An, chủ vựa hoa kiểng tại phường Đông Hưng Thuận (quận 12) tư vấn: “Các loại cây sung, tắc cảnh, cành lá sum sê, trái sà xuống sát đất, thường là hàng gắn, hàng dỏm. Bởi cây đã cho vào chậu thì khó có sức để ra trái nhiều và đẹp như vậy được. Để cho ra những cây kiểng có dáng đẹp, người trồng phải rất công phu. Do vậy, giá cũng không mềm chút nào. Chỉ có những cây dỏm, gắn trái, tráo thân… mới bán giá rẻ”.

Chủ vựa hoa kiểng Năm Châu (đường Thành Thái, quận 10) khuyến cáo: “Chiêu rao giá cao, bán giá thấp cũng hấp dẫn người mua. Bên cạnh đó, chỉ cần một chút kỹ xảo như gắn trái, ghép thân cây kiểu “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, tưới phân diêm tạo rêu… là kiểng xấu hóa đẹp, trông bắt mắt vô cùng. Có khi người trong nghề cũng bị lừa như thường”.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục