Khó xử lý hàng rong địa bàn giáp ranh

Nạn buôn bán chiếm dụng lòng lề đường tại TPHCM lâu nay vẫn khó xử lý. Một trong những nguyên nhân chủ yếu cản trở việc dẹp hàng rong là không thể nào xử phạt trên địa bàn khác, do người bán hàng rong chỉ cần đẩy xe chạy qua, chạy lại trên những con đường giáp ranh là không thể xử lý.
Khó xử lý hàng rong địa bàn giáp ranh

Nạn buôn bán chiếm dụng lòng lề đường tại TPHCM lâu nay vẫn khó xử lý. Một trong những nguyên nhân chủ yếu cản trở việc dẹp hàng rong là không thể nào xử phạt trên địa bàn khác, do người bán hàng rong chỉ cần đẩy xe chạy qua, chạy lại trên những con đường giáp ranh là không thể xử lý.

Hàng rong buôn bán đối diện công viên Lê Thị Riêng (trên địa bàn phường 11, quận 3) gây ùn tắc giao thông.

Hàng rong buôn bán đối diện công viên Lê Thị Riêng (trên địa bàn phường 11, quận 3) gây ùn tắc giao thông.

Không xử lý nổi

Buôn bán hàng rong đã trở thành vấn nạn khó dẹp được, dù rất nhiều cơ quan chức năng ra quân, địa phương dán băng rôn tuyên truyền, nhưng vẫn chỉ là bắt cóc, bỏ đĩa. Những người bán hàng rong thường chọn nơi đông người dễ buôn bán, gây ùn tắc giao thông, mất mỹ quan. Để không phải bị bắt xử lý, những người bán hàng rong chạy qua địa bàn khác khi thấy lực lượng chức năng đến, ngay sau đó lại quay trở lại vị trí cũ buôn bán, như trên đường Thành Thái, Cách Mạng Tháng Tám (quận 10 và Tân Bình), Nguyễn Cư Trinh (giáp ranh quận 1 và 5), An Dương Vương (giáp ranh hai phường), Phạm Ngọc Thạch (giáp ranh quận 3 và 1).

Lâu nay đường Cách Mạng Tháng Tám (giáp ranh các quận 3, 10, Tân Bình) trở thành tuyến đường chuyên bán hàng rong dưới lòng lề đường, từ thức ăn, quần áo, túi xách… Đoạn đường trước công viên Lê Thị Riêng dài chưa đến 50m nhưng có gần 30 chiếc xe bán hàng rong đậu dưới lòng đường, buôn bán gây ùn tắc giao thông. Khi bị rượt đuổi dẹp hàng rong, những người bán hàng rong chạy qua chạy lại. Từ khi phường 15 quận 10 có lực lượng chức năng đứng chốt, không còn cảnh buôn bán hàng rong phía trước công viên, người bán hàng rong đã chuyển sang đứng dưới lòng đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 11 quận 3).

Suốt 2 tuần quan sát trước công viên Lê Thị Riêng, chúng tôi chỉ thấy bóng dáng lực lượng phường 15 quận 10 đứng chốt từ sáng cho đến khuya. Những người bán hàng rong chỉ đẩy xe qua phía công viên Lê Thị Riêng buôn bán vào thời gian nghỉ trưa và sáng sớm, còn đến khi lực lượng chức năng xuất hiện, những người bán hàng rong đẩy qua bên phía quận 3. Từ 7 đến 9 giờ và 16 đến 20 giờ là giờ cao điểm ùn tắc giao thông, nhưng các xe hàng rong vẫn đậu chiếm hết 1/3 làn đường từ đầu ngã ba Trường Sơn (địa bàn quận 3) kéo dài cho đến giáp ranh địa phận quận Tân Bình, nhiều phương tiện giao thông phải xếp thành hàng dài, khi xe lớn di chuyển qua, đã làm con đường không còn chỗ trống cho xe máy đi qua, gây ùn tắc trầm trọng.

Chị Nguyễn Thị Bình (có tiệm kinh doanh trước công viên) bức xúc: “Ngày nào cũng thấy cảnh hàng rong chạy qua, chạy lại. Mấy tháng nay, công an đứng bên kia công viên, nên những người bán hàng rong chạy qua đứng choán hết con đường, gây cản trở việc kinh doanh. Cứ để vậy hoài, chắc phải sớm sang tiệm. Chẳng lẽ, cứ để hàng rong chạy qua chạy lại, không có biện pháp xử lý”.

Trung tá Đoàn Văn Khánh, Phó Công an phường 15 quận 10, cho biết: “Gần 3 tháng nay, đơn vị luôn cử 1 cán bộ đi xe chuyên dụng phối hợp cùng với phường ra đứng chốt trước công viên để đuổi hàng rong, nhưng vẫn chưa thấy hiệu quả. Bởi vì hàng rong vẫn đứng đối diện công viên buôn bán, mà bên đó thuộc địa bàn khác thì không được quyền bắt, xử phạt. Các phường thuộc địa bàn quận Tân Bình, quận 10, quận 3 đã ký kết liên tịch, nhưng các phường chỉ tuần tra, chứ chưa đứng chốt, khiến việc thực hiện vẫn rất khó”.

Tạo lập nơi buôn bán ổn định

Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND phường 11 quận 3, cho biết: “Phường 11 quận 3 và phường 15 quận 10 có ký liên tịch gần 2 tháng nay, nhưng vẫn chưa thực hiện được, do lực lượng còn mỏng. Do địa bàn đang phát sinh thêm tuyến đường Hoàng Sa, là tuyến đường kiểu mẫu lại xuất hiện tình trạng buôn bán hàng rong, nên phải để lực lượng đứng chốt thường xuyên, còn trên tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám chỉ đi tuần, nên không xử lý được. Trước đó, phường đã phạt gần 40 triệu đồng và tịch thu nhiều xe đẩy trước công viên. Hiện đường Hoàng Sa cơ bản đã xử lý xong và phường chuyển sang phương án đứng chốt trên đường Cách Mạng Tháng Tám, hy vọng dẹp được nạn hàng rong để không làm ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị. Ngoài ra, phần lớn người buôn bán là người dân nhập cư, khó lòng dẹp được và phường cũng đang tính phương án rà soát lại người bán, nếu ai ở địa bàn này thì phường sẽ cố gắng sắp xếp cho một chỗ để buôn bán ổn định”.

Ông Ngô Phương Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường 15 quận 10, cho biết: “Mỗi ngày 3 ca, phường đứng chốt liên tục và thường xuyên phối hợp với lực lượng trật tự đô thị của quận đi tuần vào mỗi giờ nghỉ. Phường cũng có nhiều đường giáp ranh với các quận, phường khác, nhưng cũng cố gắng cử người đứng chốt để xử lý. Xử lý được nạn hàng rong là chuyện rất khó, nên phường đang có dự thảo kế hoạch phù hợp để giúp người dân buôn bán có chỗ ổn định, như cho mướn phần đất trong công viên buôn bán và rào chắn lại phần đất phía trước là chỗ bãi giữ xe, không cho hàng rong vào, hoặc xây dựng chợ đêm trước công viên”.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục