Hiểm họa từ bình gas sang chiết lậu

Gần đây, tại nhiều địa phương xảy ra các vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, tính mạng người dân, có nguyên nhân từ việc sử dụng các bình gas sang chiết lậu, kém chất lượng. Nhiều điểm kinh doanh, sang chiết gas trái phép vẫn hoạt động nhưng chưa bị xử phạt đích đáng.
Hiểm họa từ bình gas sang chiết lậu

Gần đây, tại nhiều địa phương xảy ra các vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, tính mạng người dân, có nguyên nhân từ việc sử dụng các bình gas sang chiết lậu, kém chất lượng. Nhiều điểm kinh doanh, sang chiết gas trái phép vẫn hoạt động nhưng chưa bị xử phạt đích đáng.

Công khai sang chiết gas lậu

Vụ sang chiết gas trái phép ra bình gas mini gây cháy nổ khu nhà trọ tại Thuận An (Bình Dương) khiến 6 người chết và 5 người khác bị thương nặng cách nay 3 năm đã khiến dư luận bàng hoàng, thế nhưng vẫn không đủ để người sử dụng bình gas mini lo sợ. Việc sang chiết gas, buôn bán và sử dụng bình gas mini vẫn diễn ra phổ biến. Khu vực vùng ven TPHCM tiếp giáp với các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai… vẫn có rất nhiều điểm sang chiết, bán gas lậu. Hàng tuồn vào TPHCM thông qua hình thức xé lẻ đơn hàng, chẻ nhỏ phân phối cho các điểm tiêu thụ. Trong đó, công nhân, người lao động đang sinh sống, làm việc tại các khu công nghiệp - khu chế xuất, và học sinh - sinh viên… là khách hàng chủ yếu tiêu thụ gas lậu. 

Cán bộ cơ quan chức năng đang hướng dẫn các dấu hiệu nhận biết bình gas thật - giả cho người mua. Ảnh: TRƯỜNG XUÂN

Rảo quanh các khu nhà trọ công nhân, sinh viên tại khu vực chợ Bà Điểm (huyện Hóc Môn), đường Tây Thạnh (quận Tân Phú), đường Bùi Văn Ba (gần Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7)…, dễ dàng nhận thấy phần lớn cư dân ở trọ sử dụng bình gas mini du lịch. Đây là loại bình chỉ được sử dụng một lần, cấm sang chiết, tái sử dụng. Các cửa hàng tạp hóa vẫn công khai bày bán, đổi bình mini đã qua sử dụng, sang chiết nhiều lần. Phí đổi dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/bình, chỉ bằng 30% so với giá mua mới (khoảng 25.000 đồng/bình). Quan sát tại một số điểm đổi bình, thấy nhiều chủ cửa hàng rao bán các loại bình gas mini mới có giá từ 10.000 - 12.000 đồng, nhưng thực chất là bình cũ được sơn lại vỏ bình. Ghé qua nhà anh Nguyễn Công Phường ở đường Tây Thạnh, hiện làm công nhân tại Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú, TPHCM), chúng tôi giật mình khi thấy trong căn nhà trọ rộng chưa đầy 15m2 nhưng có tới 4 bếp gas mini của 5 người; bếp nào cũng cũ kỹ, gỉ sét, các vỏ bình gas bong tróc. Thế nhưng không người nào mua bình mới, vì lý do đồng lương công nhân eo hẹp, cuộc sống tạm bợ.

Không chỉ bình gas mini được sang chiết trái phép mới kém chất lượng, các điểm sang chiết gas lậu cũng sang chiết bình gas loại 12kg giả mạo những thương hiệu lớn. Tại ấp 4, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức (Long An), điểm sang chiết gas của Công ty TNHH TM-DV Hà Linh, nằm tại mặt tiền quốc lộ 1A, vẫn hoạt động công khai nhiều năm qua, chủ yếu vào ban đêm, dù rằng công ty này không có giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp gas theo quy định.

Xử phạt chưa mạnh tay

Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, cho rằng hiểm họa từ gas lậu, gas kém chất lượng đã quá rõ ràng, nhưng lực lượng chức năng chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu. Trường hợp Công ty TNHH TM-DV Hà Linh là minh chứng cho sự trễ nải, thiếu kiên quyết của các ngành chức năng. Cơ sở sang chiết gas này hoạt động trái pháp luật từ năm 2011 đến nay với nhiều tên gọi khác nhau. Tính đến tháng 4-2014, công ty này đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt 4 lần vì bắt quả tang sang chiết, mài vỏ hàng ngàn bình gas mang thương hiệu Thủ Đức Gas, MT Gas, Petrolimex, Gia Đình Gas, Vinagas… Đến giữa tháng 3-2015, lại tiếp tục ghi nhận hoạt động chiết nạp gas ban đêm tại công ty này, nhưng phía cơ quan chức năng cho biết vẫn còn đang điều tra.

Trao đổi với PV Báo SGGP về việc xử lý điểm sang chiết gas Hà Linh, ông Võ Thiện Ngộ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Long An nói, hiện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Long An (PC46) đang cắt cử cán bộ, chiến sĩ trinh sát nắm tình hình. Giải thích về nguyên nhân tại sao đến giờ này vụ việc vẫn chưa được xử lý rốt ráo, ông Võ Thiện Ngộ thừa nhận rằng QLTT tỉnh gặp khó khăn vì phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, không riêng gì kiểm tra ngăn chặn gas lậu. Hơn nữa, ông mới về nhận chức vụ được khoảng… 1 năm nên nắm tình hình địa bàn chưa chặt. Ông Trần Hùng, Cục phó Cục QLTT, kiêm Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), nhận định, mặt hàng gas trôi nổi đang tấn công trực diện vào túi tiền, tính mạng người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp làm ăn chân chính. Tất cả các bình gas giả mạo, sang chiết lậu đều chất lượng kém, trọng lượng thiếu, nên đun nhanh hết, thực sự là quả bom nổ chậm bất kỳ lúc nào

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục