Phòng khám ở xóm nghèo

Phòng khám ở xóm nghèo

Hơn 20 năm qua, Phòng khám bệnh nhân đạo của các cựu chiến binh ở hẻm 132 đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3, TPHCM) đã trở thành địa chỉ tin cậy của bệnh nhân nghèo. Phòng khám điều trị bằng phương pháp trị liệu không dùng thuốc, đã mang lại hiệu quả tích cực cho người bệnh.

Tấm lòng của những cựu chiến binh

Ông Viên Hữu Đức, 78 tuổi, Phó phòng khám, bồi hồi kể lại: “Khi xưa, phòng khám này là căn nhà bên cạnh bãi đất trống, anh em cựu chiến binh chúng tôi hay tụ tập ở đây đánh cờ tướng và uống trà. Chúng tôi công tác tại nhiều đơn vị khác nhau và có nhiều anh em phục vụ trong ngành y. Nặng lòng với cuộc sống cơ cực của người dân nghèo phải vướng vào vòng bệnh tật, chúng tôi đề xuất chính quyền địa phương tổ chức phòng khám bệnh miễn phí. Phương châm không thu tiền, vậy thì lấy kinh phí đâu để duy trì hoạt động? Sau nhiều cuộc họp, chúng tôi đi đến thống nhất là điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc!”. Thế là, các cựu chiến binh phường 10, quận 3 đã mở phòng khám với việc điều trị bệnh bằng phương pháp xoa bóp, châm cứu, cạo gió, giác hơi…

Bác sĩ Phòng khám nhân đạo quận 3 đang khám bệnh cho bệnh nhân trong hoạt động thiện nguyện ở Campuchia

Ông Nguyễn Văn Chọn (86 tuổi) - một trong 3 sáng lập viên của phòng khám, cho biết: “Phòng khám được xây dựng từ căn nhà cấp 4 có diện tích gần 50m². Nhờ uy tín và sự vận động của anh em cựu chiến binh, điểm bán vật liệu xây dựng ở đầu hẻm đã đồng ý cho mua thiếu. Thế là chúng tôi gom góp tiền để trang bị 1 giường sắt, 1 tủ gỗ, 2 cái bàn… Các trang thiết bị khác thì vận động anh em cho mượn thêm. Ai có gì thì góp cái đó”. Một chiều mưa tầm tã, người dân đưa một anh đạp xích lô bị trúng gió tím tái cả người đến phòng khám. Sau vài phút xoa bóp, day ấn huyệt, cạo gió, anh xích lô dần hồi tỉnh. Tiếng lành bắt đầu đồn xa. Nhiều lúc người bệnh đông quá, các cô chú làm không xuể. Ông Viên Hữu Đức cho biết: “Phòng khám đi vào hoạt động, chúng tôi cũng có phụ cấp. Tuy số tiền ít ỏi không đủ uống nước nhưng ai cũng vui lắm. Bởi lẽ, mình đã chăm chút chữa trị được cho dân. Uy tín tăng dần, thậm chí Bệnh viện Y học dân tộc còn cử sinh viên đến để vừa thực tập vừa hỗ trợ chúng tôi”.

Mang đến những niềm vui

Hơn 20 năm hoạt động, đến nay cơ ngơi của phòng khám đã khang trang. Nghe tin các cô chú cựu chiến binh khám bệnh miễn phí, các mạnh thường quân tìm đến tặng thêm máy châm cứu từ trường, điện châm, giường tủ… Khu nhà đã được nâng cấp thêm 1 tầng, với 15 giường bệnh và các trang thiết bị khá hiện đại để phục vụ nhu cầu mở rộng hoạt động. Nằm trên giường châm cứu bằng điện, ông Nguyễn Ngọc Long (49 tuổi, nhà ở số 372/18/13 Cách Mạng Tháng Tám) cho biết: “Tôi bị tai biến vào cuối năm ngoái, đã điều trị ở bệnh viện, bây giờ hàng ngày đến phòng khám này để châm cứu bằng điện. Các cô chú tốt lắm. Phòng khám miễn phí nhưng các cô chú ở đây vẫn hết lòng phục vụ, thái độ ân cần”.

Cảm kích với hoạt động thiện nguyện của phòng khám, nhiều mạnh thường quân đã tìm đến, hỗ trợ hết mình. Các anh xe ôm đậu xe chờ khách trước cửa phòng khám cũng sẵn lòng phục vụ bệnh nhân từ các quận - huyện khác. Anh Nguyễn Văn Long, thương binh bậc 2/4, đang hành nghề xe ôm, cho biết: “Tôi đăng ký Tổ xe ôm tự quản ở Ga Hòa Hưng, nhưng thời gian rảnh thì lại ghé về đây để hỗ trợ bệnh nhân của phòng khám”. Phòng khám miễn phí phục vụ người nghèo, đối tượng rất cụ thể, rõ ràng… nhưng không vì thế mà việc phục vụ bệnh nhân bị xem nhẹ. Bất cứ bệnh nhân nào (phần đông bị tai biến, khó di chuyển, đi lại) đều được các y bác sĩ dìu dắt, đưa ra đến tận cửa. Bệnh nhân Nguyễn Ngọc Bích kể: “Quê tôi ở Bình Định, vào đây lập nghiệp, chẳng may bị té chấn thương cột sống. Tôi điều trị ở bệnh viện gần 1 tháng, đi lại vẫn còn khó khăn lắm. Bây giờ về đây châm cứu đã thấy đỡ rất nhiều. Nếu không có phòng khám này, hẳn sức khỏe của tôi không thể hồi phục nhanh như vậy”.

Lương y Nguyễn Thị Lài - người đã gắn bó với phòng khám từ những ngày đầu tiên - cho biết: “Trước đây, tôi công tác tại Bệnh viện Quận 3 rồi Công ty Đông Nam dược quận 3. Khi về hưu, tôi về đây phục vụ bệnh nhân, mỗi tuần 3 buổi. Sau đó, thấy bệnh nhân tin tưởng đến đông thì tôi làm việc suốt tuần. Hàng ngày, tôi đạp xe từ quận 6 đến phòng khám. Cách nay 3 năm, tôi bị tai nạn giao thông, gãy tay, nứt xương bả vai. Bây giờ đi làm phải cần anh em xe ôm đưa đón, nhưng tôi cũng gắng sức chăm sóc bệnh nhân, vì nhìn ánh mắt của bệnh nhân hạnh phúc là mình cũng thấy hạnh phúc. Cuối đời tôi chỉ ước mong làm điều gì đó cho người khác vui!”. Tận tụy với công việc có thu nhập chẳng là bao, nhưng các cô chú làm việc tại phòng khám đều vui.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục