Bảo kê cho chợ tự phát?

Mặc dù UBND TPHCM đã có Chỉ thị 26/2014CT-UBND chỉ đạo đến cuối năm 2015 phải giải tỏa xong các chợ tự phát, chiếm dụng lòng lề đường, nhưng đến nay hàng trăm chợ tự phát trên địa bàn TPHCM vẫn tồn tại với nhiều lý do. Riêng chợ tự phát phường 2 (quận 8) thì tồn tại do… phường có thu phí.
Bảo kê cho chợ tự phát?

Mặc dù UBND TPHCM đã có Chỉ thị 26/2014CT-UBND chỉ đạo đến cuối năm 2015 phải giải tỏa xong các chợ tự phát, chiếm dụng lòng lề đường, nhưng đến nay hàng trăm chợ tự phát trên địa bàn TPHCM vẫn tồn tại với nhiều lý do. Riêng chợ tự phát phường 2 (quận 8) thì tồn tại do… phường có thu phí.

Thu phí không phiếu thu

Chợ Rạch Ông (nằm trên đường Nguyễn Thị Tần, phường 2, quận 8) được xây dựng khang trang, nhưng các quầy hàng buôn bán rất ế ẩm, nhiều quầy sạp phải đóng cửa, trùm mền. Thế nhưng kế đó, hẻm 119H Nguyễn Thị Tần nối với hẻm 166 đường Dương Bá Trạc dài chừng 400m và các hẻm xương cá chung quanh lại họp chợ tự phát, buôn bán rất sầm uất, người dân gọi là chợ Đà Lạt. 6 giờ sáng có mặt tại đây, chúng tôi ghi nhận có hàng trăm quầy hàng được bày bán kín hai bên và thêm một dãy hàng ở giữa lòng đường. Ngay cả trước cửa văn phòng Ban điều hành khu phố 4 cũng được tận dụng cho buôn bán. Mặt đường của tuyến hẻm này luôn trong tình trạng ướt át, hôi tanh.

Nhiều tiểu thương cho biết họ có sạp trong chợ Rạch Ông, nhưng buôn bán ế ẩm nên phải đóng cửa ra đây ngồi. Bán ở chợ tự phát hàng ngày cũng mất đủ thứ tiền thuê mặt bằng, phí nọ thuế kia, nhưng còn bán được hàng, chứ bám sạp trong chợ thì thua. Là chợ tự phát nhưng con hẻm này không còn một chỗ trống. Thử hỏi tìm điểm để bán hàng, chúng tôi đều nhận được câu trả lời “Hết chỗ!”.

Lân la làm quen, chúng tôi được những người buôn bán ở đây mách: “Nếu muốn bán thì chỉ còn một vài chỗ trống ở dãy giữa đường thôi, ở đó không mất tiền thuê mặt bằng, chỉ đóng 300.000 đồng/tháng cho đội trật tự đô thị và mỗi ngày đóng 5.000 đồng do cán bộ thuộc phòng kinh doanh của phường đi thu. Bán ở dãy giữa đường thì nghĩa vụ cũng như những sạp khác, nhưng phải mất công chạy khi có người kiểm tra, bình thường thì cứ ngồi”.

Cán bộ phường tên Duy đi thu phí của những người buôn bán tại hẻm 119H Nguyễn Thị Tần, phường 2, quận 8

Sau nhiều ngày quan sát, chúng tôi ghi nhận, khoảng 7 giờ 40 phút mỗi sáng, một cán bộ phường tên Duy đi thu tiền của các tiểu thương, từ hàng thịt, hàng cá đến những người bán chai nước màu, gói tăm bông giữa lòng đường đều đóng 5.000 đồng/ngày mà không hề có phiếu thu. Không chỉ thu của những người buôn bán trong hẻm 119H Nguyễn Thị Tần, người này còn ra tận lòng lề đường Nguyễn Thị Tần để thu tiền của những người buôn bán ở đây.

Một tiểu thương cho biết: “Hàng ngày cán bộ đi thu tiền, ai bán gì họ nhớ hết. Hôm nay mà nghỉ thì mai vẫn phải đóng bù, chứ không có chuyện nghỉ chợ thì miễn thu phí. Còn phí cho trật tự đô thị thì nộp vào đầu tháng”. Một câu hỏi đặt ra, phải chăng phường có chủ trương cho chợ tự phát hoạt động chiếm dụng hẻm và tràn ra đường Nguyễn Thị Tần?

Chi tiền “cà phê” để được... làm lơ

Đường Nguyễn Thị Tần là con đường chính dẫn lên cầu Chữ Y, nên thường xuyên xảy ra kẹt xe, vậy mà có rất nhiều xe đẩy, hàng rong buôn bán dưới lòng đường. Cư dân ở đây than phiền tình hình buôn bán lấn chiếm lòng lề đường vẫn diễn ra tấp nập mấy năm nay mà địa phương không dẹp được, bởi “tất cả được bảo kê hết rồi!”. Một tiểu thương bán trái cây than: “Phần vỉa hè này có 3m2 mà tôi phải thuê của chủ nhà với giá 3,5 triệu đồng/tháng, tính cả tiền “bao bãi” 700.000 đồng là 4,2 triệu đồng/tháng chứ chả ít. Không buôn bán thì chẳng biết làm gì để sống, mà buôn bán giờ đủ thứ tiền phải chia chác thì mới trụ nổi”.

Thử hỏi tìm điểm bán quần áo lề đường, chúng tôi được những người bán hàng rong cho biết cần phải có “mối quan hệ” mới bán được. Theo hướng dẫn của họ, trước hết muốn bán buôn cho yên ổn thì lên công an phường gặp cán bộ tên Tr. để nhờ người này giúp. Sau khi cán bộ này đồng ý thì hàng tháng nộp cho công an 500.000 đồng và trật tự đô thị 200.000 đồng. Chị N. hướng dẫn thêm: “Đóng tiền rồi thì cũng phải canh chừng chút xíu nhé. Bình thường sẽ có người báo tin tuần tra nhưng nếu đột xuất hoặc trong đợt cao điểm thì vẫn bị thu xe, thu hàng như thường. Tuy nhiên, hàng tháng mình “sòng phẳng” thì lên phường còn được chuộc, chứ không thì bị thu luôn, đừng mơ chuộc lại được đồ”.

Theo thông tin từ những người buôn bán hàng rong, sáng ngày 19-4, chúng tôi lên trụ sở Công an phường 2, quận 8 gặp công an phụ trách trật tự tên T.V.H.Tr. Sau khi trình bày nguyện vọng muốn được hỗ trợ về “thủ tục” để buôn bán ngoài lề đường Nguyễn Thị Tần, cán bộ Tr. hỏi về điểm chúng tôi thuê, rồi chốt lại: “Mỗi tháng đưa tôi 5 xị (500.000 đồng) tiền cà phê, tôi lơ đi cho, đưa vào đầu tháng, từ ngày 1 đến 5 tây”. Chúng tôi hỏi đưa bằng cách nào thì người này hướng dẫn lên trụ sở công an gặp trực tiếp để đưa.

Phóng viên đã gặp ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND phường 2, để tìm câu trả lời về chuyện này, sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong số báo sau.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục