Có đến nỗi bó tay với chợ tự phát?

Từ năm 2014, UBND TPHCM đã ra Chỉ thị 26/2014CT-UBND chỉ đạo các quận - huyện, phường - xã dồn sức giải tỏa chợ tự phát trên địa bàn. Thế nhưng, đến nay số lượng chợ tự phát đã giải tỏa được chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Có đến nỗi bó tay với chợ tự phát?

Từ năm 2014, UBND TPHCM đã ra Chỉ thị 26/2014CT-UBND chỉ đạo các quận - huyện, phường - xã dồn sức giải tỏa chợ tự phát trên địa bàn. Thế nhưng, đến nay số lượng chợ tự phát đã giải tỏa được chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Buôn bán trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh) chiếm hết cả vỉa hè và tràn xuống lòng đường


Mỗi nơi một lý do

Mặc dù chợ tự phát gây mất trật tự lòng lề đường, mất mỹ quan và vệ sinh đô thị, gây bức xúc cho cư dân sinh sống tại khu vực, nhưng không dễ giải tỏa được chợ tự phát. Thực tế cho thấy có nhiều phường chưa cố gắng làm tròn trách nhiệm, thậm chí có nơi còn thu hoa chi, thu phí, hợp thức hóa việc buôn bán chiếm dụng lòng đường. Trước đây, vào giữa đợt cao điểm giải tỏa chợ tự phát, chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND phường 11 (quận 3), về chợ tự phát trong hẻm 430 Cách Mạng Tháng Tám, ông Cường cho biết phường cũng nỗ lực giải tỏa nhưng không hiệu quả. Ông Cường cũng kể ra đủ thứ khó khăn, cản trở, như lực lượng không thể tập trung một chỗ, chưa có biện pháp chuyển đổi nghề nghiệp cho tiểu thương ổn định cuộc sống… Nhưng mới đây, chúng tôi liên hệ để hỏi vì sao ở chợ tự phát đó chưa thấy có chuyển biến, ông Cường cho rằng chợ trên con hẻm này không ảnh hưởng gì đến giao thông nên không đáng nói! Sao lại không đáng, khi chợ tự phát này dài hàng trăm mét, chiếm trọn con hẻm, không chỉ gây cản trở giao thông mà còn kéo theo rất nhiều hệ lụy về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, đến văn minh đô thị. Phải chăng do sự thờ ơ như vậy nên chợ tự phát ở hẻm 430 vẫn tồn tại?

Ở chợ tự phát Cây Quéo trên đường Hoàng Hoa Thám (địa bàn phường 5 và phường 6, quận Bình Thạnh), mỗi sáng có hàng trăm quầy sạp buôn bán, chiếm hết cả vỉa hè và tràn xuống lòng đường từ giao lộ Nguyễn Văn Đậu đến giao lộ Nguyễn Thượng Hiền, gây mất trật tự giao thông và mỹ quan đô thị đến mức trầm trọng. Nhưng khi chúng tôi liên hệ để hỏi về giải pháp chấn chỉnh của UBND phường thì bà Nguyễn Thị Thùy Trâm, Chủ tịch UBND phường 5 (quận Bình Thạnh), cho rằng đó không phải chợ, chợ được dẹp từ 2 - 3 năm trước rồi, đây chỉ là các cá thể kinh doanh, lấn chiếm lề đường và tràn xuống lòng đường mà thôi! Cách dùng từ kiểu “đánh tráo khái niệm” của bà Trâm khiến chúng tôi rất băn khoăn, không biết hàng trăm cá thể tập trung kinh doanh tự phát chiếm dụng lòng lề đường khác với chợ tự phát như thế nào, chỉ biết rằng khi chứng kiến hoạt động mua bán ở tuyến đường này thì thấy vô cùng lộn xộn, xe đẩy tràn ra lòng đường đến tận vạch sơn tim đường.

Bài học từ một phường

Trong khi đó, phường Cầu Ông Lãnh (quận 1) đã giải tỏa được chợ tự phát Cầu Ông Lãnh. Đây là sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo và cán bộ phường, kiên quyết làm và biết cách làm. Dẹp chợ tự phát song song với việc đào tạo nghề và chuyển đổi nghề nghiệp cho tiểu thương, thế nên chợ dẹp xong, nhiều tiểu thương cũ đã tìm được việc làm ổn định hơn. Từ việc giải tỏa hiệu quả chợ tự phát Cầu Ông Lãnh, phường Cầu Ông Lãnh tiếp tục chấn chỉnh các chợ tự phát và các điểm kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường. Ông Trần Công Hậu, Chủ tịch UBND phường Cầu Ông Lãnh, chia sẻ kinh nghiệm: “Với mỗi cụm dân cư, cần có cách làm khác nhau. Chợ Cầu Ông Lãnh nằm ngay mặt đường Võ Văn Kiệt, không thể để tồn tại vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và mỹ quan đô thị, nên phải dẹp, còn ở những địa bàn khác thì xử lý bằng cách khác. Quận 1 đang thực hiện quy hoạch khu bán hàng rong theo giờ quy định, hình thức đó phù hợp với các phường ở trung tâm TPHCM có nhiều cơ quan làm việc, nơi tập trung dân văn phòng ngày làm 8 tiếng, họ ăn có giờ giấc thì mới tập trung như vậy được. Còn địa bàn phường Cầu Ông Lãnh nằm bìa ngoài của quận 1, chủ yếu buôn bán cho dân địa phương, không có giờ giấc ổn định. Nhận thấy như vậy nên phường đã lập phương án xin ý kiến của quận 1 về quy hoạch các khu kinh doanh tự phát sao cho trật tự hơn, ổn định hơn theo cách của phường. Theo đó, giai đoạn 1, phường thực hiện quy hoạch kinh doanh ở tuyến đường Phan Văn Thành và Nguyễn Công Trứ, nơi các quán ăn thường đặt bàn ghế tràn xuống lòng đường. Phường quy định ranh giới lề đường họ được buôn bán tùy theo độ rộng của vỉa hè, từ đó tính toán số lượng bàn ghế được phép đặt, cho họ làm cam kết, nếu vượt qua ranh giới đó sẽ bị phạt hoặc bị cấm buôn bán. Phường yêu cầu trạm y tế kiểm tra sức khỏe miễn phí cho các hộ kinh doanh và còn vận động họ trang bị ô dù, bàn ghế đồng bộ để tạo mỹ quan. Hộ kinh doanh nào chấp hành đúng quy định của phường thì sẽ được cấp giấy chứng nhận, dán ngay ở nơi kinh doanh”.

Chị Tám Lành, bán cà phê trên đường Nguyễn Công Trứ, vui mừng cho biết: “Các cán bộ phường quy hoạch vậy được lắm. Chúng tôi yên tâm buôn bán, chứ vừa bán vừa trông chừng để chạy hoài cũng mệt. Địa phương tạo điều kiện thì chúng tôi cũng bảo nhau giữ trật tự, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị”. Được biết, giai đoạn 2, phường sẽ thực hiện quy hoạch tiếp ở đường Cô Bắc, Cô Giang và các tuyến đường khác.

PHƯƠNG UYÊN

Tin cùng chuyên mục