Giúp trẻ hình thành kỹ năng làm chủ bản thân

Vụ Nguyễn Phạm Quốc Bình mới 16 tuổi, học sinh lớp 9, giết nữ sinh cùng trường rồi bỏ xác vào thùng xốp để phi tang, xảy ra ở quận Gò Vấp (TPHCM), đã làm chấn động dư luận trong những ngày qua.
Giúp trẻ hình thành kỹ năng làm chủ bản thân

Vụ Nguyễn Phạm Quốc Bình mới 16 tuổi, học sinh lớp 9, giết nữ sinh cùng trường rồi bỏ xác vào thùng xốp để phi tang, xảy ra ở quận Gò Vấp (TPHCM), đã làm chấn động dư luận trong những ngày qua.

Giúp trẻ hình thành kỹ năng làm chủ bản thân ảnh 1

Nhiều người hiếu kỳ bao quanh chung cư, nơi xảy ra vụ án

Bình không phải là học sinh hư, không phải là một nghịch tử trong gia đình, không phải là thành phần bất mãn, đua đòi theo băng nhóm quậy phá. Chính do không được thỏa mãn nhu cầu, bốc đồng, xốc nổi mà dẫn đến bộc lộ xung năng (theo điều tra ban đầu thì mục đích chỉ nhằm chiếm đoạt chiếc điện thoại và 500.000 đồng của bạn). Đó là căn nguyên tâm lý và cũng là nguyên nhân dẫn đến hành vi của Bình.

Ở tuổi vị thành niên, có những em có tâm lý xốc nổi, chơi trội, ngông cuồng, liều lĩnh, bất chấp… Những biểu hiện thường thấy là thử tài uống rượu để chứng tỏ ai hơn ai; thích đua xe khi được chúng bạn rủ rê; sẵn sàng đánh nhau để thể hiện cái tôi nổi trội. Thích cái gì thì phải được thỏa mãn và cũng không quan tâm đến điều đó có giá trị hay không, vi phạm hay không vi phạm. Các em này cũng sẵn sàng thực hiện một hành vi mà mình cảm thấy thích thú như là sự thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Đặc biệt, khi không được đáp ứng, các em này thường tích tụ cảm xúc mà không được bộc lộ, và một khi có điều kiện rồi thì các em dễ thực hiện qua hành vi của mình.

Vì thế, vai trò giáo dục của người lớn rất quan trọng. Trong gia đình, cha mẹ nên kiểm soát và định hướng cho con những hành động phù hợp. Không nên để con tùy tiện hành động; khi phát hiện những biểu hiện khác thường, cha mẹ nên chủ động quan tâm tìm hiểu, chia sẻ, tư vấn, định hướng để giúp con có những quyết định sáng suốt.

Về phía nhà trường, việc quan tâm đặc biệt đến lứa tuổi này là trách nhiệm hàng đầu của thầy cô giáo. Trong đó quan hệ tình bạn là quan hệ chủ yếu nhất. Nên thường xuyên phân tích, hướng dẫn, giúp đỡ các em trong quan hệ giao tiếp, nhất là quan hệ với bạn bè trong nhóm, trong lớp học. Đặc biệt, thầy cô cũng cần chú ý giúp hình thành cho các em những kỹ năng làm chủ bản thân (làm chủ nhận thức, làm chủ cảm xúc và tình cảm, làm chủ hành vi của mình). Bên cạnh đó, nhà trường cũng nên tạo điều kiện để các em được trao đổi, được tư vấn, chia sẻ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp với những người có chuyên môn về tâm sinh lý học trò và đội ngũ nhà tham vấn chuyên biệt. Một khi những khó khăn, những bức xúc được giải tỏa thì các em sẽ cảm thấy mãn nguyện và có hành xử tích cực. Ngược lại, khi các em bộc lộ xung năng thì khó mà lường hết hậu quả

 Th.S NGUYỄN VĂN CÔNG
Giảng viên Tâm lý Đại học Nguyễn Huệ

Tin cùng chuyên mục