Điều chỉnh lệch giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc đường

Cảnh giao thông ùn ứ ở các đô thị lớn nước ta, đặc biệt là TPHCM và TP Hà Nội, đã diễn ra dai dẳng và ngày càng trở nên gay gắt hơn khi số lượng ô tô, xe máy tham gia lưu thông ngày càng tăng cao, hệ thống đường giao thông đã bị quá tải trầm trọng.

Nhiều giải pháp đã và đang được triển khai để giảm ùn tắc, như xây cầu vượt; phát triển giao thông công cộng; mở thêm đường và phân luồng giao thông; di dời các nhà máy, bệnh viện, trường đại học ra ngoại thành... Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc đường vẫn diễn ra chưa có điểm dừng. Vì vậy, TPHCM và TP Hà Nội cần tổ chức điều phối lưu lượng xe cộ tham gia giao thông khoa học, nhịp nhàng, bằng cách yêu cầu các cơ quan, nhà máy, trường học có lượng người tham gia giao thông lớn cùng ngồi lại chọn phương án điều tiết phù hợp, phân định chênh thời gian vào ca, vào học, tan tầm, tan trường… thật hợp lý nhằm giảm tắc đường.

Theo đó, các TP lớn nên có giải pháp rải đều nhiều điểm giờ cao điểm giao thông trong ngày và sắp xếp các đối tượng nào tham gia giao thông nhiều vào giờ cao điểm nào. Trong đó, cần chú ý có một bộ phận khá lớn cán bộ, công chức cũng tham gia đưa rước con là học sinh mẫu giáo, học sinh tiểu học. Do vậy, với các trường mầm non và trường tiểu học đa số học sinh phải được đưa rước, thì xếp giờ vào học trước một chút so với giờ vào làm việc công sở và giờ tan học sau một chút so với giờ vào làm việc công sở, để cha mẹ tiện đưa đón luôn thể. Các trường trung học thì phần lớn học sinh đã tự đi học, nên xếp giờ vào học và giờ tan học lệch so với giờ công sở để giãn lưu lượng xe cá nhân cùng lưu thông một lượt. Các trường đại học, cao đẳng có lượng sinh viên lớn cũng bố trí giờ vào học phù hợp, tránh trùng với giờ cao điểm, cũng nên có chênh lệch giờ vào học giữa các trường trong cùng một khu vực. Các công ty, xí nghiệp cũng vậy, nên bố trí giờ vào ca và tan ca chênh với giờ làm việc công sở và cũng nên có chênh lệch giờ vào ca, tan ca giữa các công ty, xí nghiệp trong cùng một khu vực, tránh tình trạng cùng tan ca một lượt, công nhân ra đường cùng một thời điểm dễ dẫn đến tắc đường, kẹt xe. Riêng loại công việc phải trực tiếp tiếp xúc với dân, hoặc phải phối hợp, làm có tính tập thể hay phải hội họp, thì phải chấp hành giờ hành chính thống nhất.

Để điều tiết phù hợp, phân định chênh thời gian vào ca, vào học, tan tầm, tan trường… thật hợp lý đòi hỏi phải có sự nghiên cứu cẩn trọng, có sự điều phối của chính quyền TP, làm sao hạn chế thấp nhất việc gây ra phiền toái trong công việc và cuộc sống của người dân.

NGUYỄN VĂN THƯỚC
(Liên hiệp Hội Khoa học - Kỹ thuật Cà Mau)

Tin cùng chuyên mục