Thực phẩm vẫn chưa đảm bảo an toàn

HOÀNG VĂN PHƯƠNG

LTS: Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được các cơ quan chức năng liên quan quan tâm kiểm soát chặt chẽ hơn. Thế nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo, do khâu cung ứng, chế biến thực phẩm vẫn có những trường hợp cố tình vi phạm. Báo SGGP trích đăng một số ý kiến của bạn đọc cảnh báo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

HOÀNG VĂN PHƯƠNG (quận 3, TPHCM):

Xử lý nghiêm việc bơm nước,thuốc an thần vào heo

Người tiêu dùng tại TPHCM rất quan tâm và hoan nghênh việc Sở Công thương TPHCM cho vận hành việc nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo từ nơi sản xuất đến nơi giết mổ. Đây là giải pháp khoa học và chặt chẽ để bảo đảm nguồn thịt heo sạch cung ứng cho thị trường TPHCM. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng bơm nước và tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ bán ra thị trường. 

Tại các chợ đầu mối, cán bộ thú y kiểm tra và phát hiện hành vi bơm nước, tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ. Nhưng tại các chợ bán nhỏ lẻ vẫn xuất hiện nguồn thịt này. Nước bơm vào heo chắc chắn chưa qua xử lý và là nước bẩn; thuốc an thần tiêm vào heo đương nhiên gây hại cho người tiêu dùng. Do vậy, cần tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm việc bơm nước, tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ, kiên quyết đóng cửa các cơ sở vi phạm.

NGUYỄN HOÀNG DUY (quận 5, TPHCM):

Không nên ăn trái cây chưng tết

Sau Tết Nguyên đán, nhiều người hái trái của cây tắc chưng tết (còn gọi là quất, hạnh) để làm mứt, muối, gia vị hoặc để vào tủ lạnh dùng dần. Một số hàng quán tận dụng trái tắc cảnh làm nước giải khát hoặc bán cho khách hàng thay chanh. Tuy nhiên, không nên sử dụng trái tắc cảnh làm thực phẩm, bởi không nhằm cung ứng trái làm thực phẩm nên người trồng có thể cho nhiều hóa chất để giữ trái tươi lâu, đẹp lâu.

Tôi có người quen làm nhà vườn chuyên cung cấp cây cảnh, cho hay: “Hoa, quả cảnh nào cũng có sử dụng thuốc. Nhất là tắc cảnh. Để cây say trái, đậu trái to, ra hoa và quả đúng vào dịp tết, cần phải phun nhiều loại thuốc hóa học, lưu lượng thuốc trừ sâu với nồng độ đậm đặc. Tới gần ngày bán thì càng xịt nhiều thuốc hơn để giữ màu bóng láng, bảo quản quả khỏi rụng sớm... Dư lượng hóa chất độc hại theo đó đọng lại trên vỏ quả tắc, thậm chí còn thẩm thấu vào cả bên trong trái”.

ĐẶNG TRUNG THÀNH (huyện Bình Chánh, TPHCM):

Hàng quán lề đường không đảm bảo vệ sinh

Nhiều người vẫn thích ăn uống hàng quán lề đường vì tiện rẻ và nhanh. Dù đã thấy không đảm bảo vệ sinh, nhưng người ta vẫn cứ vô tư ăn uống. Trên vỉa hè luôn đầy khói xe, bụi đường, thậm chí ăn uống ngay trên miệng cống, nên mức độ mất vệ sinh rất trầm trọng. Chỉ hai xô nước mà suốt từ sáng cho tới trưa người bán rửa biết bao nhiêu là cái tô, muỗng, đũa, ly tách. Để làm sạch khô, người bán dùng chiếc khăn ngả màu cháo lòng để lau. Thường những quán lề đường có chuẩn bị cho khách một bình trà đá miễn phí, ly, ca nước nhiều người uống chung không rửa. Đó là chưa nói bình nước ấy không phải là nước đun sôi hay nước đóng chai, để đỡ tốn chi phí nên người bán hứng nước máy cho vào thùng, thậm chí trà cũng chỉ là hương liệu có mùi trà.

Trong thời buổi vệ sinh an toàn thực phẩm thiếu an toàn vì chất độc, chất cấm tràn lan trong thực phẩm, chúng ta cần có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của mình, đừng nên quá dễ dãi với thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh. Các cơ quan chức năng liên quan cũng nên chú ý kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng quán lề đường.

Tin cùng chuyên mục