Lắp barie chắn vỉa hè - nên hay không?

 Gần đây, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM tiến hành lắp barie chắn ngang trên vỉa hè một số tuyến đường ở phường Bến Nghé (quận 1) nhằm ngăn cản xe máy chạy lên vỉa hè. Giải pháp này đang làm dấy lên 2 luồng dư luận trái chiều.
Lắp barie chắn vỉa hè - nên hay không?

 Gần đây, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM tiến hành lắp barie chắn ngang trên vỉa hè một số tuyến đường ở phường Bến Nghé (quận 1) nhằm ngăn cản xe máy chạy lên vỉa hè. Giải pháp này đang làm dấy lên 2 luồng dư luận trái chiều.

Rào chỗ này, “lủi” chỗ khác

Chiều 15-2, UBND quận 1 cùng với lực lượng quản lý trật tự đô thị, cảnh sát giao thông đã tiến hành lập biên bản xử phạt 108 trường hợp chạy xe máy lên vỉa hè, với mức phạt 350.000 đồng/trường hợp. Cùng với việc chấn chỉnh nạn buôn bán chiếm dụng lòng lề đường, động thái này cho thấy nỗ lực của quận 1 trong việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ và được dư luận đồng tình.

Nhiều người đi xe máy vẫn cố tình chạy xe luồn lách qua barie

Cũng với mục đích giành lại vỉa hè cho người đi bộ, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đã cho lắp các thanh barie chắn vỉa hè. Anh Trần Minh Trung, hướng dẫn viên du lịch, nhận xét: “Du khách nước ngoài khi đi dạo qua đây cười chê việc lắp barie chắn vỉa hè là không ổn, cho rằng việc lắp chướng ngại vật trên lối đi chứng tỏ năng lực quản lý đô thị và quản lý giao thông quá kém. Tuy nhiên, theo tôi thì dù là cách “chẳng đặng đừng” nhưng cũng có ích là các du khách đi bộ không phải sợ hãi né tránh khi thấy xe máy chạy lên vỉa hè, cũng đỡ lo bị cướp phóng xe lên vỉa hè cướp giật túi xách, điện thoại di động”. Tuy cũng có nhiều ý kiến đồng tình như anh Trung, nhưng đa số ý kiến cho rằng việc chắn barie trên vỉa hè với mục đích giành lại vỉa hè cho người đi bộ nhưng thực ra lại gây mất an toàn cho khách bộ hành. Tuy các thanh barie được lắp lệch nhau kiểu zích zắc nhưng vẫn gây mất an toàn, nếu người đi bộ thiếu chú ý hay đang vừa đi vừa ngắm phố, hoặc trẻ em chạy nhảy bất cẩn. Barie chắn vỉa hè cũng gây cản trở khó khăn cho người khuyết tật đi xe lăn và gây nguy hiểm cho những người khiếm thị. Trong khi đó, những người chạy xe máy trên vỉa hè vẫn cố luồn lách chạy xe qua các kẽ hở.

Ông Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đồng tình với việc lắp barie chắn vỉa hè và cho rằng nên lắp thành rào cao hơn để người đi bộ thấy rõ, không bị vấp ngã. Song ông cũng nhận xét đây là giải pháp tình thế, qua đó phản ánh được thực trạng thiếu văn minh đô thị là do ý thức người dân và năng lực quản lý đều kém.

Vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Chuyên gia giao thông Phạm Sanh lưu ý: “Việc lắp barie chắn vỉa hè dễ gây tai nạn cho người đi bộ. Lỡ người tàn tật, người khiếm thị vấp té bị thương hay chết thì ai chịu trách nhiệm bồi thường? Trong thiết kế và tiêu chuẩn vỉa hè chưa hề có việc làm rào chắn ngang vỉa hè. Để xe máy không thể chạy lên vỉa hè, thì chắn dọc theo con đường, nâng gờ vỉa hè cao lên và phạt nặng hành vi đi xe máy lên vỉa hè. Đồng thời, chính quyền địa phương cần phải lập lại trật tự lòng lề đường chứ không thể “bắt cóc bỏ đĩa” rồi vẫn như cũ”. 

Ông Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, góp ý: “Thực ra vì ùn tắc giao thông nên người đi xe máy mới phải leo lên vỉa hè, do vậy vấn đề ưu tiên là phải giải quyết sao đường không cho ùn tắc. Nếu chưa giải quyết được ùn tắc thì đành chấp nhận nới rộng đường, thu hẹp vỉa hè lại chỉ để dành đủ cho người đi bộ. Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, vì đường phố văn minh, thân thiện thì thiết kế vỉa hè phải thuận tiện, an toàn cho người đi bộ, người khuyết tật đi xe lăn và người mù”.

Dù việc lắp barie chắn vỉa hè có cả ý kiến chê lẫn khen, nhưng chỉ cần đối chiếu Luật Giao thông đường bộ sẽ thấy đây là giải pháp không ổn, vì phạm luật. Điều 8 quy định nghiêm cấm đặt chướng ngại vật trái phép trên đường bộ, hành lang an toàn đường bộ, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Điều 36 quy định: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông; không được xây, đặt bục, bệ trái phép. Điều 43 quy định: Trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ, không được làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ. Điều 44 quy định: Đường đô thị xây dựng phải có hè phố và tổ chức giao thông cho người đi bộ, người khuyết tật đi lại an toàn, thuận tiện.

Chính UBND quận 1 cũng không đồng tình và  đã có văn bản gửi Sở GTVT TPHCM về việc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 lắp barie chắn vỉa hè trên địa bàn quận 1 gây khó khăn cho người đi bộ, người khuyết tật, người khiếm thị. UBND quận 1 được biết UBND TP chưa có ý kiến chấp thuận việc này, do vậy quận kiến nghị Sở GTVT xem lại vì thiếu tính pháp lý, thiếu hợp lý, và có hướng xử lý phù hợp hơn nhằm tránh việc gây xáo trộn thói quen đi bộ trên vỉa hè của người dân.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục