Trân trọng chữ tâm

Trân trọng chữ tâm

1. Tôi quen anh ấy đã hơn 20 năm, từ khi anh mới là phó trưởng phòng một ngành. Anh giỏi chữ nghĩa lẫn chuyên môn nghiệp vụ, lại rất khéo trong quan hệ xã hội. Nhờ vậy mà con đường hoạn lộ của anh rất hanh thông, chẳng mấy chốc anh lên trưởng phòng rồi phó giám đốc. Dần dà, để ý mới thấy, đằng sau những cuộc đấu đá nội bộ, đơn thư nặc danh tính bằng ký lô, cuối cùng anh luôn là người đắc lợi. Thời ấy, ai có xe hơi riêng đi làm là hiếm, riêng anh, không những có xe nhà mà anh còn là tay lái lụa, sành chuyện xe cộ. Từ chiếc Camry XL mua lại, anh vọt một phát lên Camry hàng nhập ngoại hẳn hoi. Nhà đất thì khỏi bàn, ngoài nhà mặt tiền để ở, anh còn có thêm mấy lô đất ở đường Phan Xích Long, đường Cao Thắng nối dài và xa lộ Hà Nội (TPHCM).

Không lâu sau, có dịp gặp lại, anh cho hay đã ra Hà Nội ngồi ghế cao ở một tổng nọ. Vợ con đi theo, anh tậu một căn nhà ở chung cư cao cấp, sắm thêm chiếc Venza để đi làm và bắt đầu tập tành xách gậy đi chơi golf với “mấy ông anh”. Dần dà anh trở thành tay chơi golf có hạng trong giới, không chỉ đánh ở các sân trong nước mà cuối tuần rảnh rỗi còn xách gậy bay ra nước ngoài để chơi. Còn 2 năm nữa nghỉ hưu, nhưng anh đã nhanh tay lo tận hưởng cuộc sống an nhàn: đặt mua một căn biệt thự ở Phú Mỹ Hưng (quận 7, TPHCM), hỏi trường quốc tế cho con học, tậu thêm chiếc BMW. Ngày cuối năm, gặp nhau khi anh về TPHCM, nghe anh khoe: “Mới đi một vòng để thu tô - tiền cổ tức từ mấy công ty anh từng ban ơn mưa móc trước đây, chừng 4 - 5 tỷ đồng/năm. Phải vậy mới sống nổi, chứ trông vào tiền lương hưu sau này chắc không đủ… ăn xôi”.
Thấy anh có cuộc sống phong lưu, tôi mời anh tham gia một chương trình xã hội từ thiện của Báo SGGP, vừa thiết thực giúp đời, vừa để âm đức cho con cháu. Anh cười hề hề, rồi từ chối ngay: “Chú mày rảnh thiệt! Anh lo thân chưa xong, hơi sức, tiền của đâu mà làm mấy việc đó!”.

Cô Châu Thị Lợi (ở quận 10, TPHCM), tháng nào cũng đến Phòng Tiếp bạn đọc Báo SGGP gửi tiền ủng hộ người nghèo

2. Buổi sáng một ngày cuối năm. Khi ngoài đường xe cộ nườm nượp, mọi người tất bật lo sắm tết, cô N.T.T.V., một cán bộ hưu trí ở quận 5, lê từng bước nặng nhọc vào phòng tiếp bạn đọc Báo SGGP. Cô là bạn đọc thân thiết của báo, cứ vài ba tuần cô lại đến gửi tiền giúp đỡ cho những cảnh đời bất hạnh, đang gặp tình cảnh khó khăn được đăng trên trang Nhịp cầu nhân ái. Sở dĩ tôi phải viết tắt tên cô và không thể đăng ảnh cô vì với tinh thần “thi ân bất cầu báo đáp”, cô không muốn đăng tên và hình ảnh của mình lên báo. Cô tâm tình: “Tôi năm nay đã 87 tuổi, bệnh hoạn liên miên, số tiền tôi gửi để giúp người nghèo khó chẳng được nhiều, do tôi để dành, cộng với tiền lương hưu gom góp lại. Nhiều người đang sống khó khăn quá, còn mình tuổi này ăn uống bao nhiêu, nên tôi mang đến giúp đỡ bà con. Điều tôi lo lắng là mình bệnh nhiều, không biết “đi” lúc nào, không chừng ngay ngày mai thì sao, do vậy hễ có được ít tiền tôi lại lo mang đến báo gửi ủng hộ cho sớm”. Nghe cô nói, ai cũng xúc động ứa nước mắt. Tôi động viên cô: “Ráng lên nghe cô, tụi cháu mong cô luôn sống vui sống khỏe”.

Một bạn đọc thân thiết khác cũng cứ cách 2 tuần hoặc một tháng lại mang tiền đến ủng hộ các hoạt động xã hội từ thiện của Báo SGGP. Anh là bộ đội phục viên, hiện làm bảo vệ tại đơn vị nọ. Anh em tiếp nhận đều biết không bao giờ anh muốn ghi tên mình vào phiếu thu tiền, mà chỉ cần ghi là “Ba của cháu T.P.” (anh giải thích đó là viết tắt tên con anh). Bộ đồ anh mặc trên người cũng tềnh toàng như chiếc xe anh đi. Không nhiều, mỗi lần anh góp chỉ 100.000 - 200.000 đồng là “tiền của cháu tiết kiệm quà sáng”. Anh có vẻ kiệm lời, chỉ cho rằng việc làm của mình là “chút chia sẻ với bà con nghèo vậy mà”.

Còn một bạn đọc khác cũng có tấm lòng nhân ái như vậy, đó là một người đàn ông bị tật ở chân, đi xe lăn, nhà ở quận 3. Cứ mỗi tháng, ông lại đến Trung tâm Truyền thông và Quảng cáo Báo SGGP (số 450 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM) nhờ các chị em ở đây chuyển giùm ông tiền ủng hộ người nghèo đến Ban Chương trình Xã hội của báo. Anh bảo vệ trung tâm cho biết: “Ông ấy đã góp tiền ủng hộ không biết bao nhiêu năm nay rồi, nhiều anh em phóng viên đề nghị ông kể chuyện để viết bài về ông, ông đều từ chối, trong phiếu thu ông cũng không để tên mình”. 

Tôi đem câu chuyện về những tấm lòng thành của cô T.V., “Ba cháu T.P”, người đàn ông đi xe lăn... tận tụy giúp người nghèo khó, kể lại với nhiều bạn bè. Có người bộc bạch: “Thật đáng trân trọng, thấy mình sao nhỏ bé quá, dẫu rằng thu nhập hàng tháng hơn họ nhiều lần, thậm chí có của ăn của để hơn, mà có bao giờ mình dành ít tiền giúp người nghèo khó”. Có người tâm sự: “Tự kiểm mới thấy mình chỉ làm từ thiện bất đắc dĩ. Khi cơ quan vận động trích một ngày lương để ủng hộ đồng bào bị thiên tai, còn than vãn, không vui. Ngẫm nghĩ, mới thấm lời răn: “Làm ra đồng tiền, đừng để mất chữ tâm!”

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục