Về vườn góp xuân

Những ngày cuối năm, khi nhiều người đang ngược xuôi lo chuyện sắm tết, thì lại có rất nhiều chuyến xe thiện nguyện lặng lẽ rời khỏi thành phố, đến những vùng sâu, vùng xa, chia sẻ quà xuân với mọi nhà.
Về vườn góp xuân

Những ngày cuối năm, khi nhiều người đang ngược xuôi lo chuyện sắm tết, thì lại có rất nhiều chuyến xe thiện nguyện lặng lẽ rời khỏi thành phố, đến những vùng sâu, vùng xa, chia sẻ quà xuân với mọi nhà.

Ấm áp yêu thương

Vào một ngày giáp tết, tôi theo chân một đoàn thiện nguyện xuôi về miền Tây. Chuyến đi có 60 thành viên nhưng phân nửa là các bạn trẻ, trong số đó có một số bạn từng du học ở nước ngoài, có bạn đang theo học tiến sĩ, một nhóm luật sư, truyền thông, nghệ sĩ nhiếp ảnh… Công việc cuối năm chộn rộn, nhưng họ vẫn tranh thủ dành những ngày cuối tuần hiếm hoi để về với đồng bào ở vùng xa. Từ TPHCM sau hơn 3 tiếng đồng hồ chúng tôi mới về đến Bình Đại, một xã khó khăn nhất của tỉnh Bến Tre.

Giáp tết, bọn trẻ đã được nghỉ học nhưng bữa nay sân trường tiểu học Thừa Đức xôn xao. Đã phối hợp từ trước nên đón chúng tôi có cả dàn lãnh đạo trẻ của xã. Hai bên hội ý chớp nhoáng rồi bắt tay ngay vào công việc. 60 thành viên của đoàn đã được phân công mỗi người một việc. Một nhóm gồm 10 bạn trẻ được phân công chuyển quà tết cho bà con nghèo  ở ấp Thừa Lợi - một đảo nhỏ tách biệt, phải mất một giờ đi ghe. Những thành viên còn lại chia nhau công việc theo nhóm: tổ chức cho các má các dì gói bánh tét, dựng gian hàng quần áo, giày dép, bánh kẹo, nước ngọt miễn phí cho các em, tổ chức các trò chơi dân gian và chuẩn bị hơn 300 phần quà tặng.

Sau 30 phút, sân trường tiểu học như một ngày hội xuân. Đông vui nhất là ở nhóm gói bánh tét, các má các dì ở 5 ấp tụ hội về đây mỗi người một việc lo chuyện bánh trái, ai cũng mặc những chiếc áo bà ba mới với nụ cười tươi rói. Cánh đàn ông thì lo dựng lán bằng lá dừa, dựng cây chuối trang trí. Má Nguyễn Thị Hết (72 tuổi) ở xã Thừa Trung, từng là cựu chiến binh tham gia con tàu không số, bữa  nay ra coi sóc, động viên chị em ấp mình gói bánh. Ở ấp Thừa Tiên, có hai cụ cao tuổi nhất cùng gói chung một đòn bánh. Cụ Nguyễn Thị Thử, năm nay 75 tuổi, cho biết, nhiều năm nay, con cháu mải chuyện làm ăn nên ít người gói bánh tét, bữa nay có ngày hội gói bánh, cụ vui lắm và đi hướng dẫn cho các em, các cháu. Gói bánh làm nhớ lại truyền thống tết xưa. Ở ấp Thừa Long, cả ba mẹ con chị Lê Thị Thảo cùng gói bánh. Cậu con trai học Đại học xây dựng Vĩnh Long, được nghỉ tết ra phụ mẹ cột dây, còn cô con gái 19 tuổi thì đang học gói bánh. Chị Thảo cười tươi, lâu lắm rồi mới có một ngày tết vui thiệt là vui.

Vui nhất là đám nhỏ. Hàng trăm em thiếu nhi của xã tụ hội về đây, được các anh chị tặng quà, phục vụ bánh kẹo, nước ngọt miễn phí. Để em nào cũng có bộ đồ mới đón tết vừa ý, các anh chị kiên nhẫn giúp từng em thử quần áo, giày dép. Xôm tụ nhất là khu trò chơi dân gian. Giữa sân trường trưa nắng nhưng các em hào hứng xếp thành hàng dài để được chơi các trò: gánh bưởi qua cầu khỉ, ném vòng, đập bóng … Anh Trần Quốc Bình công tác ở Bộ đội biên phòng của tỉnh, vừa tham gia hỗ trợ chương trình vừa đưa hai con nhỏ tới chơi, cho biết: “Các cháu nhỏ ở vùng quê nghèo hiếm khi được vui chơi thỏa thích như thế này. Lâu lâu ở đây cũng tổ chức hội chợ, có trò chơi nhưng bán vé kinh doanh, mỗi lần các cháu chơi tốn cả trăm ngàn đồng...”. Các em hào hứng chơi, các anh chị, cô chú cũng không nề hà phục vụ các em, mồ hôi ướt đẫm lưng nhưng trên môi ai cũng nở nụ cười rạng rỡ.

Bà con xã Thừa Đức hào hứng với hội thi gói bánh tét. Ảnh: MAI HOA

Trải nghiệm và sẻ chia

Từng hoạt động thiện nguyện có hiệu quả suốt 5 năm qua, nhưng nhóm thiện nguyện này không hề có một cái tên bởi các bạn đều muốn hoạt động thiện nguyện từ tâm và thầm lặng. Khởi đầu từ một nhóm du khảo trải nghiệm trẻ, rồi thêm một nhóm luật sư, các bạn trí thức trẻ… nhóm hoạt động theo hình thức tự lan tỏa. Đều đặn, một năm hai lần vào dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán, nhóm lên kế hoạch chia sẻ với trẻ em nghèo ở các vùng xa, khó khăn. Không chỉ tặng các em nhỏ và bà con nghèo những món quà vật chất mà mong muốn mọi người được hưởng thụ những nét đẹp văn hóa, nét đẹp tinh thần của những ngày tết truyền thống Việt Nam, nên trước mỗi chuyến đi, các bạn xây dựng ý tưởng và chuẩn bị rất kỹ các chương trình vui tết trung thu, tết cổ truyền đặc sắc để mỗi người, đặc biệt là để các em nhỏ được vui tết và nhớ mãi những khoảnh khắc, những ký ức đẹp về những ngày tết của quê hương. Nhóm còn có sự kết nối và phối hợp cùng các UBND, đảng ủy ở địa phương để đem lại những chương trình thiết thực cho bà con nghèo. Hơn 10 chương trình đã được nhóm thực hiện thành công ở các vùng sâu, vùng xa như: Đông Giang (Quảng Nam - Đà Nẵng), Bình Phước…

Thành viên của nhóm thiện nguyện từ già tới trẻ đều rất năng động và sáng tạo, họ đến với các chuyến thiện nguyện không chỉ đóng góp vật chất mà còn tham gia, chia sẻ với cộng đồng bằng chính trái tim mình. Mỗi chuyến đi là lao động thực sự, các bạn từng vác hàng tấn quà vượt qua sình lầy, leo dốc… Lớp người trước truyền lửa cho lớp người sau. Từ một vài người ban đầu, đến nay mỗi chuyến đi của đoàn luôn có sự tham gia của hàng chục thành viên. Một nghệ sĩ nhiếp ảnh từng tham gia nhiều chuyến đi, lần này đưa theo cô con gái từng du học ở nước ngoài tham gia. Cô gái trẻ hòa nhập rất nhanh vào các hoạt động của đoàn. Một cậu con cưng của một gia đình khá giả, thường bị mẹ than phiền là ngại giao tiếp, sống khép kín, nhưng trong chuyến đi này người ta thấy cậu luôn có mặt ở mọi hoạt động: chơi với các em nhỏ, hỗ trợ nấu bánh, phát quà… và nụ cười đã làm bừng sáng trên gương mặt chàng trai trẻ. Ở nơi này, các bạn không phải là cho đi mà đang nhận được những trải nghiệm thực sự hữu ích từ những chia sẻ với cộng đồng.

… 8 giờ tối, cuộc thi gói bánh tét của các má, các dì đã kết thúc, ngọn lửa từ 30 chiếc nồi nấu bánh được nhen lên. Ngọn lửa bập bùng, lung linh như sắc pháo hoa của đêm giao thừa. Bài ca “Nối vòng tay lớn” vang lên. Tất cả mọi người cùng nắm tay nhau hát quanh bếp lửa. Vòng tay cứ nối dài, nối mãi…

VIỆT HÀ

Tin cùng chuyên mục