Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải:

Phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn

Hôm qua, 18-10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Thủ tướng Phan Văn Khải đã trình bày báo cáo của Chính phủ với tiêu đề “Thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển kinh tế – xã hội nhanh hơn, bền vững hơn”. Đánh giá cao thành tựu trong năm 2005 và 5 năm 2001-2005, nhưng Thủ tướng cũng lưu ý vẫn còn những mặt yếu kém đang kìm hãm bước tiến của đất nước. Chính vì thế, Thủ tướng nhấn mạnh: “Năm 2006 và 5 năm 2006-2010 phải phát triển kinh tế – xã hội nhanh hơn và bền vững hơn”.
Phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn

Hôm qua, 18-10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Thủ tướng Phan Văn Khải đã trình bày báo cáo của Chính phủ với tiêu đề “Thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển kinh tế – xã hội nhanh hơn, bền vững hơn”. Đánh giá cao thành tựu trong năm 2005 và 5 năm 2001-2005, nhưng Thủ tướng cũng lưu ý vẫn còn những mặt yếu kém đang kìm hãm bước tiến của đất nước. Chính vì thế, Thủ tướng nhấn mạnh: “Năm 2006 và 5 năm 2006-2010 phải phát triển kinh tế – xã hội nhanh hơn và bền vững hơn”.

  • Kinh tế tăng trưởng liên tục

Điều đáng chú ý trong báo cáo lần này của Thủ tướng trước Quốc hội là Chính phủ đã nhìn nhận một cách thẳng thắn vào những mặt tồn tại của tình hình kinh tế-xã hội cả nước. Theo đánh giá của Chính phủ, dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2005 có khả năng đạt xấp xỉ 8,5%; riêng chỉ số giá tiêu dùng không thực hiện được mức kiềm chế dưới 6,5%, song không gây biến động lớn về kinh tế.

Phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn ảnh 1

Thủ tướng Phan Văn Khải báo cáo trước Quốc hội.

Trong bức tranh toàn cảnh về phát triển kinh tế-xã hội năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng điểm đáng chú ý là kinh tế tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước và thuộc loại tốc độ cao hàng đầu ở châu Á và thế giới. “Tuy nhiên, chúng ta còn thua kém nhiều nước về trình độ phát triển kinh tế, công nghệ, sức cạnh tranh, năng suất lao động thấp và tăng chậm, hiệu quả đầu tư kém” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh kinh tế, các lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng đều có bước phát triển. Nổi bật là thành tựu xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, phổ cập giáo dục, chăm sóc sức khỏe, chống dịch bệnh. Công tác quản lý nhà nước tiếp tục có sự đổi mới, có tiến bộ về tính công khai, minh bạch, nhưng Thủ tướng Phan Văn Khải đánh giá, việc làm trong sạch bộ máy và thực hiện dân chủ chưa đáp ứng yêu cầu của dân, nhất là “tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí đang rất phổ biến và nghiêm trọng chưa bị đẩy lùi khiến lòng dân không yên”.

  • Kiên quyết chống “đục khoét” vốn đầu tư nhà nước

Từ cách đặt vấn đề như trên, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nêu lên một số vấn đề lớn cần nỗ lực đổi mới nhằm tạo chuyển biến mạnh về chất lượng tăng trưởng kinh tế. Về ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện chính sách tài chính – tiền tệ thận trọng, linh hoạt và kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng không vượt nhịp độ tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng đề nghị Quốc hội đề ra nhiệm vụ kiềm chế lạm phát phù hợp với tình hình đang biến động, không quy định một mức nhất định như những năm trước. Chính phủ sẽ điều hòa kinh tế vĩ mô về thị trường và giá cả thông qua điều tiết quan hệ cung-cầu hàng hóa thiết yếu, kiểm soát giá những mặt hàng độc quyền.

Trong kế hoạch năm 2006 và kế hoạch 5 năm 2006-2010, dự kiến tiếp tục huy động vốn đầu tư phát triển ở mức cao. Vì vậy, theo Thủ tướng Phan Văn Khải, “vấn đề then chốt là phải nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm suất đầu tư cho một đơn vị tăng trưởng” (Hệ số ICOR - suất đầu tư trên một đơn vị tăng trưởng - của Việt Nam thời gian qua tăng nhanh, từ 3,4 năm 1995 đã tăng lên 5 trong 5 năm qua, nghĩa là để có 1 đồng GDP tăng thêm, cần có thêm 5 đồng vốn đầu tư - PV). Thực hiện mục tiêu này, bên cạnh việc khuyến khích hơn nữa sự phát triển kinh tế dân doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Chính phủ chủ trương tập trung chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước.

Thủ tướng chỉ rõ: “Phải chấm dứt tình trạng đầu tư ồ ạt, phân tán, không đồng bộ, gây lãng phí lớn. Đồng thời kiên quyết thực hiện các biện pháp chống đục khoét vốn đầu tư nhà nước”. Chính phủ xác định, năm 2006 phải tạo được chuyển biến rõ rệt trong việc ngăn chặn tệ đục khoét vốn đầu tư nhà nước.

  • Tăng học phí và xóa bỏ các khoản thu ngoài học phí

Ngoài kinh tế, vấn đề nổi bật trong báo cáo của Thủ tướng là tạo chuyển biến mạnh mẽ về giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ. Năm 2006, ngân sách nhà nước dành 19% tổng số chi cho giáo dục-đào tạo, tăng 33% so với năm trước. Đề cập đến nhiệm vụ đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục-đào tạo, Thủ tướng cho rằng các trường công lập phải xác định đầy đủ chi phí dịch vụ giáo dục-đào tạo, bao gồm cả tiền thuê đất, khấu hao tài sản cố định và chi phí thường xuyên, trong đó có lương của giáo viên. “Tăng học phí các trường công lập ngoài diện phổ cập giáo dục để huy động sự đóng góp công khai, minh bạch từ các gia đình có khả năng chi trả, tăng nguồn thu cho nhà trường để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập” – Thủ tướng nói.

Đi liền với việc tăng học phí, sẽ xóa bỏ mọi khoản đóng góp thêm ngoài học phí, chấm dứt việc dạy thêm, học thêm trái nguyên tắc sư phạm. Theo tính toán, trong tổng số 22 triệu người đi học hiện nay, có khoảng 4 triệu người chịu tác động của việc tăng học phí.

Thủ tướng Phan Văn Khải cũng cho biết, sắp tới sẽ sửa đổi chế độ viện phí khám, chữa bệnh ở bệnh viện công lập, trước hết là các bệnh viện tuyến trên. Đồng thời, thực hiện đề án nâng cấp bệnh viện huyện và bệnh viện đa khoa khu vực, giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

  • Thông tin cho dân phải là nghĩa vụ

Đề cập tới vấn đề mở rộng dân chủ và xây dựng nhà nước pháp quyền, Thủ tướng Phan Văn Khải nói: “Thực tiễn cho thấy, nơi nào thực hiện tốt, minh bạch, công khai và dân chủ thì nơi đó cơ quan nhà nước phục vụ dân tốt hơn, tệ tham nhũng và lãng phí cũng được hạn chế”. Vì vậy, Chính phủ chủ trương tăng cường mối quan hệ của bộ máy nhà nước với công chúng, trước hết là quan hệ với báo chí. Trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, các cơ quan nhà nước phải tôn trọng quyền được thông tin của dân, bảo đảm cho báo chí tiếp xúc được với các hoạt động của mình. “Thực hiện điều này không thể tùy thích, mà phải coi là một nghĩa vụ thể hiện tính chất nhà nước của dân, do dân, vì dân” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng, dư luận xã hội rất không đồng tình khi các hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức do báo chí và công dân giúp phát hiện không được xử lý đúng mức, điển hình là các vụ chiếm dụng đất đai xảy ra tại nhiều nơi. Ngay tại các cơ quan có chức năng quan trọng thực thi pháp luật, đấu tranh chống tham nhũng cũng xảy ra không ít vi phạm như sách nhiễu nhân dân, nhận hối lộ...

Từ năm 2006 trở đi, báo cáo hàng năm của Chính phủ trình Quốc hội sẽ có phần đánh giá chính thức về tình hình công tác chống tham nhũng, lãng phí của các bộ và địa phương. Ngành nào, địa phương nào chấp hành luật không nghiêm túc, tệ nhũng nhiễu và lãng phí không giảm thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm trước HĐND.

Minh Giang

Kết quả năm 2005: GDP tăng xấp xỉ 8,5%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 640 USD. Chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 8%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 210.000 tỷ đồng (dự toán đề ra là 183.000 tỷ đồng); tổng chi ngân sách nhà nước đạt trên 258.000 tỷ đồng (dự toán là 229.800 tỷ đồng); bội chi ngân sách nhà nước là 4,86% GDP (dự toán 5%). Tạo việc làm mới cho 1,6 triệu người (kế hoạch là 1,6 triệu); giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn cũ) xuống còn 7% (kế hoạch là dưới 7%).
Chỉ tiêu năm 2006: GDP tăng 8% so với năm 2005, GDP bình quân đầu người khoảng 720 USD. Thu ngân sách nhà nước bằng khoảng 24,1% GDP, tăng 11% so với ước thực hiện năm 2005; tổng chi ngân sách nhà nước tăng 12,2% so với ước thực hiện năm 2005; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 5% GDP. Tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động. Giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2005 (theo chuẩn mới).

Tin cùng chuyên mục