Quốc hội thảo luận dự án Luật Điện ảnh và Luật Công nghệ thông tin

Quy định chặt chẽ nhưng không hạn chế sức sáng tạo nghệ thuật

Ngày  23-5, Quốc hội đã cho ý kiến vào 2 dự án Luật Điện ảnh và Luật Công nghệ thông tin. Nhiều vấn đề quản lý nhà nước mang tính nhạy cảm trong các dự luật đã được Quốc hội thảo luận sôi nổi.
Quy định chặt chẽ nhưng không hạn chế sức sáng tạo nghệ thuật

Ngày  23-5, Quốc hội đã cho ý kiến vào 2 dự án Luật Điện ảnh và Luật Công nghệ thông tin. Nhiều vấn đề quản lý nhà nước mang tính nhạy cảm trong các dự luật đã được Quốc hội thảo luận sôi nổi.

  • Không nên cấm cảnh khỏa thân, bạo lực... trong phim
Quy định chặt chẽ nhưng không hạn chế sức sáng tạo nghệ thuật ảnh 1
Đại biểu Trần Thành Long (TPHCM) phát biểu tại hội trường. Ảnh: M.Đ.

 “Có những cảnh phim khỏa thân lại rất nghệ thuật, trong khi mặc rất kín đáo thì lại trở nên thô tục”- đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) thẳng thắn phát biểu như vậy khi tranh luận về những điều cấm được quy định trong dự thảo Luật Điện ảnh chiều qua.

Đó cũng là nội dung được rất nhiều đại biểu thảo luận một cách sôi nổi và tỏ ra không đồng tình với cách soạn thảo như dự thảo luật được trình Quốc hội. Trước đó, nghiêng về góc độ của những người làm điện ảnh và nghệ thuật, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Minh (Sơn La) cho rằng, việc dự thảo luật quy định cấm đóng cảnh khỏa thân là chưa chặt chẽ. Bởi vì, nếu nhà làm phim cho thực hiện cảnh khỏa thân nhưng không nhằm vào mục đích dâm ô, dung tục mà phục vụ mục đích, ý đồ nghệ thuật, đặc biệt là đòi hỏi của “sự thật” trong cuộc sống thì sao?

Đại biểu này dẫn ra một số dẫn chứng như khi làm phim về cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng bị tù đày và bị giặc Pháp tra tấn dã man, hoặc phim về một người mẹ bị giặc hành hạ... thì không thể không có những cảnh như vậy được. Bởi nếu thiếu, tính hấp dẫn và độ trung thực của phim sẽ mất.
 
Đồng tình với các đại biểu tranh luận trước đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thỉnh (Bến Tre) cũng cho rằng nếu cấm như dự thảo luật thì thực sự đã “trói chân, trói tay” các nhà làm phim. Đại biểu này lập luận, chẳng hạn như các phim về chiến tranh ở Việt Nam, một cuộc chiến tranh mà giặc Pháp, Mỹ cực kỳ dã man, chém giết dân ta. Nếu làm đúng như quy định của dự thảo thì không thể có được những thước phim quay hiệu quả, làm đau xót và rung động lòng người.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Minh và Trần Khánh Chương (Hà Nội) đều cho rằng, luật phải đưa ra quy định hợp lý để nhà làm phim không lạm dụng những cảnh cấm, nhưng đồng thời cũng không hạn chế sức sáng tạo của họ.  

  • Cho nước ngoài sản xuất phim ở Việt Nam hay không? 

Cũng liên quan tới vấn đề làm sao để quản lý được nội dung, tư tưởng cũng như chất lượng của phim Việt Nam, phim nói về Việt Nam, nhiều đại biểu đều cho rằng dự thảo luật còn quy định chưa chặt chẽ. Đại biểu Đặng Thị Phượng (Tây Ninh) ủng hộ quy định cấm người, tổ chức nước ngoài được thành lập công ty sản xuất phim ở Việt Nam.

Lý do, người nước ngoài và kể cả Việt kiều xa Tổ quốc nhiều năm thường lạ với phong tục và bản sắc của Việt Nam. Nếu cho phép họ thành lập doanh nghiệp sản xuất phim ở Việt Nam thì khó quản lý hoặc không đảm bảo an toàn về nội dung, tư tưởng của phim. Theo đại biểu này, các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp... đều “khép chặt” như vậy. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Minh cũng ủng hộ ý kiến này.
 
Tuy nhiên, đại biểu Dương Thu Hương (Hà Nam) lại không hoàn toàn đồng tình với quan điểm trên. Đại biểu cho rằng, việc dự thảo không cho phép người nước ngoài và Việt kiều được thành lập doanh nghiệp sản xuất phim ở Việt Nam là để hạn chế những hành vi làm phim xấu và phản động về Việt Nam. Nhưng quy định quá thắt chặt với người nước ngoài như vậy sẽ mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mà Quốc hội vừa thông qua. Bởi theo chủ trương của nhà nước là khuyến khích và thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn ở Việt Nam.

Mặt khác, theo đại biểu, việc cấm này sẽ không khả thi. Bởi theo Luật Doanh nghiệp, phía doanh nghiệp trong nước có quyền bán cổ phần cho người nước ngoài. Như vậy, luật chỉ ngăn chặn được sự tham gia của người nước ngoài sản xuất phim ở giai đoạn ban đầu, còn sau đó thì không thể ngăn chặn được. Điều đáng quan tâm mà dự thảo chưa đề cập là những phim được làm ở Việt Nam, về Việt Nam nhưng không phát hành ở Việt Nam mà ở nước ngoài thì quản lý ra sao?

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thanh Huyền (Thanh Hóa) đề nghị dự thảo luật cũng phải bổ sung thêm những quy định về trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép và duyệt phim. Nếu cấp, duyệt sai thì phải có chế tài xử lý một cách cụ thể cá nhân và cơ quan có trách nhiệm. 

  •  Nên cho tự do thiết lập website 

Điểm đáng chú ý khi Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Công nghệ thông tin là việc thiết lập và kiểm tra các trang thông tin điện tử (website). Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân có quyền thiết lập website và chịu trách nhiệm nội dung; khi sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” khi thiết lập website thì không cần thông báo với Bộ Bưu chính – Viễn thông; ngược lại nếu không sử dụng tên miền “.vn” thì phải thông báo các nội dung như: tên tổ chức; số, ngày cấp, nơi cấp chứng minh nhân dân; địa chỉ trụ sở; số fax;…
 
Đại biểu Mai Anh (Khánh Hòa) cho rằng, quy định về việc mở website có tên miền “.vn” mà không phải đăng ký, thông báo thể hiện sự thông thoáng trong quá trình xây dựng luật; song nếu chỉ quy định như vậy là chưa đủ, bởi khi không phải thông báo với Bộ Bưu chính – Viễn thông nhưng có thể lại vẫn phải xin phép, đăng ký hoặc thông báo với bộ khác như Bộ Văn hóa – Thông tin chẳng hạn.

Vì vậy nếu không cần đăng ký thì chỉ cần quy định họ chịu trách nhiệm nội dung thông tin là đủ bởi vì chúng ta quản lý nội dung là cái quan trọng. Về quy định, tổ chức cá nhân không đăng ký tên miền “.vn” tức là sử dụng tên miền ở trên thế giới. Nếu chúng ta lại yêu cầu họ phải thông báo về các thông tin như trên thì không khả thi, bởi vấn đề mấu chốt là quản lý nội dung chứ không phải về hình thức  

PHÚC - MINH - MY

 Mức độ “mát mẻ” trên phim sẽ được thẩm định trước khi phát hành

 Dự án Luật Điện ảnh quy định những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh, trong đó có những cảnh “mát mẻ” trên phim. Vấn đề này gây ra tranh luận trong một số đại biểu Quốc hội. Phóng viên SGGP đã trao đổi thêm với đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ VH-TT (cơ quan soạn thảo luật).
 
- Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, trong phần thảo luận về dự án Luật Điện ảnh, nhiều đại biểu đã xoay quanh một số điều cấm, cụ thể như cảnh khỏa thân, quy định như dự thảo luật là không hợp lý đồng thời lại quá chi tiết?
 
- Bộ trưởng PHẠM QUANG NGHỊ: Đó là những quy định mang tính chung nhất. Nếu đi vào cụ thể, sẽ có các hội đồng thẩm định và xét duyệt phim, bao gồm những người am hiểu về điện ảnh. Họ sẽ đại diện cho công chúng thẩm định những cảnh như thế nào thì được và mức độ như thế nào thì không được. Ở Mỹ, quy định về những điều cấm trong Luật Điện ảnh của họ còn cụ thể hơn chúng ta rất nhiều, chứ không chỉ dừng ở mức như 3 điểm bổ sung trong dự thảo Luật Điện ảnh của chúng ta.
 
- Như vậy, quan điểm của Bộ trưởng là không đồng tình với việc nhà làm phim thực hiện những cảnh quay như vậy?

 - Theo tôi, khi cần thể hiện những cảnh đó, chỉ nên thể hiện xa, mờ, thoáng qua. Khi chuẩn bị dự thảo này, chúng tôi còn chủ trương phải quy định cấm một cách cụ thể hơn về những việc như không được chiếu cận cảnh, mô tả trực tiếp những bộ phận gợi cảm của con người. Quy định như vậy thì các đại biểu lại cho rằng quá cụ thể. Trong khi, như tôi đã nói, trong luật của Mỹ lại quy định rất chi tiết về những điều bị cấm trong điện ảnh.

 - Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Tin cùng chuyên mục