Quy định pháp luật về nhận nuôi con nuôi

Điều 3 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định: Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. 
Để đăng ký xác lập quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, bên nhận con nuôi phải tuân theo thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế, nghĩa là việc nhận con nuôi chỉ được xem xét sau khi người được nhận làm con nuôi không được cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú bác ruột nhận làm con nuôi. Điều này bảo đảm cho nguyên tắc tôn trọng quyền của trẻ em là được ưu tiên sống trong môi trường gia đình gốc. Ngoài ra, Nhà nước cũng khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi. 

Đối với người nhận con nuôi, Điều 14 Luật Nuôi con nuôi quy định phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hơn con nuôi 20 tuổi trở lên, có sức khỏe, có tư cách đạo đức tốt, có điều kiện kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi. Người đang chấp hành hình phạt tù, bị hạn chế một số quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên, người chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác, thì không được nhận con nuôi. Pháp luật cũng cấm việc ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.

Đối với trẻ em được cho làm con nuôi mà còn cha mẹ đẻ, việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được, thì phải được sự đồng ý của người còn lại. Nếu người được nhận làm con nuôi mà cha mẹ đều đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được, thì phải được sự đồng ý của người giám hộ. Đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho làm con nuôi sau khi con đã sinh ra được ít nhất 15 ngày, việc cho con làm con nuôi phải là giải pháp cuối cùng đảm bảo tốt nhất các lợi ích của trẻ. Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ quyết định việc thay đổi họ tên của con nuôi, trong đó việc thay đổi họ tên của con nuôi từ 9 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó, dân tộc của con nuôi là trẻ bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.

Tin cùng chuyên mục