Sách cũ - cuộc chơi mới

Thị trường sách cũ đã có lúc tưởng chừng như trở thành một phần của lịch sử khi các nhà sách cũ lần lượt đóng cửa, thanh lý sách. 
Thế nhưng, sách cũ đã quay trở lại và như một quy luật tất yếu, kinh doanh sách cũ đã không còn như trước mà phải chấp nhận thay đổi, đáp ứng những nhu cầu mới, ngày càng cao của bạn đọc.
Cú chuyển mình 
Đầu năm 2015, việc một cửa hàng bán sách cũ trên đường Nguyễn Văn Bi kêu cứu độc giả để thanh lý kho sách cũ lên đến cả chục ngàn cuốn, gây xôn xao dư luận. Vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là lý do kinh tế, một người kinh doanh sách cũ có hơn 30 năm trong nghề đã đành phải giải nghệ, kho sách đứng trước nguy cơ phải bán giấy vụn. Sự kiện này khi đó được xem là cái mốc báo hiệu sự kết thúc của thị trường sách cũ - một thị trường từng được xem là nét văn hóa độc đáo của TPHCM.
Thực ra, cái kết đó đã được báo trước, trải qua một giai đoạn phát triển từ trước giải phóng, cực thịnh vào những năm từ 1990 - 2000, thị trường sách cũ bắt đầu suy thoái. Cùng với việc thay đổi mạnh mẽ của ngành xuất bản, xuất hiện ngày càng nhiều các siêu thị sách có quy mô cực lớn. Lượng khách hàng chính yếu của sách cũ là giới sinh viên, học sinh, những người có nhu cầu tìm mua sách giá rẻ dần rời xa thị trường sách cũ.
Giới sưu tầm sách cũ, hiếm, nay trở nên chuyên nghiệp hơn, đòi hỏi môi trường kinh doanh sách cũ cao cấp hơn. Chính vì thế, các phố sách cũ một thời như Trần Nhân Tông, Trần Huy Liệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ (nhìn sang công viên Lê Văn Tám)… nơi thì đóng cửa, nơi hoạt động cầm chừng. 
Thế nhưng, việc các cửa hàng sách cũ đóng cửa không đồng nghĩa nhu cầu sách cũ đã hết. Anh Huỳnh Minh Nghĩa, một người kinh doanh sách cũ cho biết, khi đó để giải quyết kho sách cũ của cửa hàng, anh đã đưa thông tin sách lên mạng rao bán.
Thật bất ngờ, sách rao đến đâu, bán hết đến đó; anh chợt phát hiện ra không phải là bạn đọc đã từ bỏ sách cũ mà họ chỉ thay đổi phương thức tìm mua sách cũ. Cuộc sống hiện đại khiến ngày càng ít người đủ kiên nhẫn và thời gian để lân la cả ngày ở các hiệu sách cũ để tìm bằng được cuốn sách ưa thích. Người ta muốn tìm sách cũ nhưng theo cách tiện lợi hơn, nhanh chóng hơn.
Sách cũ - cuộc chơi mới ảnh 1 Độc giả mua sách cũ trên Đường sách TPHCM
Giới kinh doanh sách cũ bắt đầu thay đổi, họ chủ động phân loại sách cho từng nhu cầu khác nhau. Đó có thể là những bộ sách thiếu nhi Liên Xô sống mãi trong kỷ niệm ấu thơ một thời của NXB Cầu Vồng, đó cũng có thể là những tác phẩm văn học với các dịch giả lẫy lừng ngày trước, kiểu như cuộc truy tìm bản dịch cuốn Bố Già của dịch giả Ngọc Thứ Lang cách nay 30-40 năm, gây xôn xao năm 2016… thậm chí, để đáp ứng nhu cầu của giới sưu tầm sách chuyên nghiệp, đã xuất hiện những nhà kinh doanh sách cũ chuyên buôn bán các “bản độc” như sách xuất bản lần đầu, sách có thủ bút tác giả…
Thậm chí, sách cũ không còn đơn thuần là “cái kho”, nơi bạn đọc phải bới tìm; sách cũ giờ hãnh diện tham gia hội sách, thậm chí có hàng loạt chợ phiên, hội sách dành riêng cho sách cũ từ Nam đến Bắc thành công vang dội.
Một hình ảnh tiêu biểu nhất về sự hồi sinh của sách cũ chính là Đường sách TPHCM. Ở một đầu đường sách là vài “sạp” sách cũ nơi sách được bán theo kiểu truyền thống, bày trên những xe đẩy cơ động, dưới các mái che dù. Ở chính giữa đường sách, một trong những gian đẹp nhất là Quán sách mùa thu. Sách cũ ở đây có từ quý hiếm đến gần quý hiếm, từ các ấn bản thời kỳ 1945 - 1950 đến những cuốn sách thời bao cấp. Tất cả đều được phân loại, sắp xếp chuyên nghiệp và kỹ lưỡng.
Những rào cản cho sách cũ
Thị trường sách cũ, dù chỉ là một phần nhỏ của toàn bộ thị trường sách trong nước, nhưng nó góp phần vào sự đa dạng trong hưởng thụ văn hóa đọc. Thế nhưng, một thực tế không thể phủ nhận là dù đang chuyển mình, có lượng bạn đọc lớn, nhưng bản thân sách cũ lại đang đứng trước những thử thách mới, đe dọa sự phát triển.
Đầu tiên là vấn đề quản lý, một trong những nguồn sách cũ quan trọng nhất là sách in trước 1975 ở hai miền Nam - Bắc. Nếu dòng sách miền Bắc dễ chấp nhận thì dòng sách miền Nam do các yếu tố chính trị, nhiều tác phẩm đến nay đã không còn phù hợp với đời sống xã hội. Ở các đơn vị kinh doanh sách cũ chuyên nghiệp, do có nhiều hiểu biết, kinh nghiệm nên người kinh doanh sách có thể loại bỏ những ấn phẩm này, nhưng ở một số nhà kinh doanh sách khác, việc này không đơn giản.
Ngay ở Đường sách TPHCM, theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, thành viên Công ty Đường sách TPHCM thì bên cạnh làm việc với các đơn vị, cá nhân kinh doanh sách cũ, đường sách còn chủ động thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhằm tránh tình trạng xuất hiện những tác phẩm không phù hợp. Tuy nhiên, các biện pháp trên đều mang tính cá nhân, nhỏ lẻ, trong bối cảnh kinh doanh sách cũ đang có sự biến đổi mạnh, mang hướng chuyên nghiệp, đòi hỏi việc quản lý cũng cần cụ thể và phù hợp với tình hình thực tế hơn.
Một vấn đề quan trọng nữa là giá sách, sách cũ là loại sách có giá phức tạp nhất. Hai cuốn sách cũ vốn cùng xuất bản một lúc, hoàn toàn có thể có giá bán khác hẳn nhau tùy theo tình trạng bảo quản, chất lượng còn lại và cuối cùng là quan điểm của người bán.
Với mô hình nhà sách kiểu cũ, điều này có thể không quan trọng nhưng với các hình thức mới hiện nay, việc giá sách theo kiểu tùy hứng ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh chung. Tuy nhiên, việc xây dựng giá sách cũ (không phải sách quý hiếm) lại đòi hỏi sự đồng thuận của những người kinh doanh sách cũ, một điều đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.

Tin cùng chuyên mục