Tăng kết nối vùng, kiểm soát chặt an toàn vệ sinh thực phẩm

Chiều 26-12, tại TPHCM, Sở Công thương TPHCM phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức hội thảo “Liên kết vùng để cung ứng thực phẩm an toàn”. 

Tại đây, nhiều đại biểu phản ánh các yếu kém liên quan đến việc vận hành cơ chế liên kết vùng, giám sát chặt an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại nguồn.

Theo PGS-TS Trần Tiến Khai, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, xu hướng sử dụng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch ngày càng lớn. Dự báo đến năm 2020, người dân TP tiêu thụ mỗi năm khoảng 825.000 tấn rau, 900 triệu trứng gia cầm, 330.000 tấn thịt, 450.000 tấn thủy hải sản, 1.900 tấn rau quả mỗi năm. Hiện TPHCM chỉ đáp ứng được khoảng 10%-15%, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành khác trong cả nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài… Trong khi đó, hiện nay các cơ quan chuyên trách vẫn quản lý theo cơ chế hành chính (địa bàn), chưa có cơ chế quản lý vùng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận thực phẩm an toàn cho người dân. Cơ chế kiểm soát ATVSTP vẫn còn hạn chế, chưa hình thành cơ chế vận hành liên kết vùng; các hộ dân, cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP còn ít.

Nhấn mạnh về vấn đề liên kết vùng, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho rằng hoạt động liên kết cung ứng hàng hóa giữa các địa phương vẫn còn diễn ra một cách ngẫu nhiên, thiếu chặt chẽ. Hiện tại, thị phần bán lẻ chiếm khoảng 75% (bao gồm các chợ truyền thống, chợ vỉa hè…); số còn lại là kênh bán lẻ hiện đại, chiếm khoảng 25%. Thống kê cho thấy, khoảng 80% hàng nông sản, thực phẩm tập trung về TP thông qua 3 chợ đầu mối lớn (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức), khoảng 15% đi vào hệ thống phân phối hiện đại, 5% đi thẳng về các chợ lẻ. Để giải quyết bài toán ATVSTP của TP, cần kiểm soát tốt ATVSTP tại 3 chợ đầu mối, bởi từ đây hàng phân phối đi đến khoảng 400 chợ lẻ, chợ truyền thống, các siêu thị, cửa hàng...

Ông Nguyễn Ngọc Hòa đánh giá, các chợ đầu mối phân phối hiện đại trong và ngoài nước đều có văn phòng thu mua tại TPHCM, việc kết nối, tiêu thụ cực kỳ thuận lợi. Tuy vậy, vẫn cần lưu ý các vấn đề như: hàng nông sản thực phẩm chưa được chuẩn hóa về bao bì, thương hiệu, đóng gói sản phẩm mà chủ yếu được bán xá, bán đổ đống; thị trường tự diễn biến, thiếu sự gắn kết, bán theo thói quen; sự yếu kém về hệ thống logistics (có khi để hàng trong bao xốp, trong cần xé… làm mất giá trị sản phẩm); có quá nhiều tầng nấc trung gian; phương thức giao dịch theo kiểu giản đơn bằng tiền mặt là chính, thỏa thuận giá cả theo từng chuyến, nên hay có tình trạng “bẻ kèo”; kiểm soát ATVSTP còn quá nhiều khó khăn kiểu “thả gà ra để đuổi” vì chưa làm ngay từ gốc, khác với các nước trên thế giới kiểm soát rất chặt ATVSTP tại nguồn… Do vậy, cần đưa liên kết vùng đi vào thực chất, đi vào chiều sâu; hình thành các chuẩn mực cho hàng hóa như VietGAP, GlobalGAP thông qua liên kết vùng để “lên đời” sản phẩm, giải quyết dứt điểm vòng luẩn quẩn “giải cứu” hàng hóa, người mua - người bán khó gặp nhau…

Tin cùng chuyên mục