Tăng viện phí, có tăng chất lượng dịch vụ?

Từ ngày 1-10-2017, tất cả các bệnh viện (BV) tại TPHCM đồng loạt tăng viện phí theo Thông tư 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế. Thực tế việc tăng viện phí có đi đôi với tăng chất lượng dịch vụ hay không?
Bệnh nhân xếp hàng chờ làm thủ tục khám bệnh
Bệnh nhân xếp hàng chờ làm thủ tục khám bệnh

Người bệnh vẫn khổ 

Chị N.H.D. (ở An Biên, Kiên Giang, có con đang điều trị tại BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM) than phiền chất lượng phục vụ của BV này: “Con trai tôi bị tai nạn giao thông gãy chân, được người dân đưa vào BV Mỹ Tho (Tiền Giang) cấp cứu. Suốt 3 ngày nằm tại BV Mỹ Tho, con tôi vẫn không được mổ vì thiết bị phẫu thuật của BV bị trục trặc. Gia đình tôi xin chuyển viện cho con lên BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM để mong cháu sớm được điều trị. Thế nhưng lên đến đây, con tôi bị bố trí nằm trên băng ca ngoài hành lang, rất bí bách và chật chội. Nhập viện, được BV giới thiệu các gói mổ nhanh, nên gia đình tôi lập tức đi đóng tiền, nhưng đến chiều hôm sau con tôi mới được gọi vào phòng mổ. Điều khiến tôi bức xúc là con tôi vào nằm viện từ 12 giờ trưa hôm trước, mãi đến 15 giờ chiều hôm sau mới được vào phòng mổ. Trong suốt 27 tiếng, mặc dù cháu quằn quại trong đau đớn nhưng không có một bác sĩ, y tá nào qua lại xem xét tình trạng bệnh, cũng không cho cháu uống thuốc giảm đau. Rồi khi con tôi được gọi tên chuẩn bị làm thủ tục mổ, tôi phải loay hoay gần 2 tiếng mới đưa được con đi làm thủ tục vào phòng mổ. Lý do mất thời gian như vậy vì bảo vệ không cho người nhà tự ý đưa người bệnh trên băng ca vào thang máy mà không có hộ lý đi cùng, trong khi đó, tôi tìm không ra hộ lý để hỗ trợ mình. Con tôi không sử dụng bảo hiểm y tế (BHYT) vì gia đình lựa chọn chuyển viện trái tuyến, gia đình tôi cũng không phàn nàn gì về viện phí tăng, nhưng nếu dịch vụ như vậy thì chưa xứng với khoản tiền chúng tôi bỏ ra. Nhìn con quằn quại trong đau đớn, tôi xót lắm, không biết 5 ngày trời với cái chân gãy 2 khúc xương như vậy thì sau này chân cháu có hồi phục được không?”. 

Quả thực, hiện nay tại BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM, 2-3 người bệnh phải nằm chung một giường. Nhiều bệnh nhân gãy chân tay vẫn phải nằm lay lắt dưới sàn nhà, ngoài hành lang. Đây là BV thực hiện tăng viện phí khá sớm. Từ ngày 3-8-2017, BV đã tăng viện phí theo Thông tư 02, nhưng đến nay chất lượng dịch vụ của BV vẫn khiến người bệnh bức xúc.

Tương tự, tình trạng quá tải tại BV Ung Bướu TPHCM đã diễn ra nhiều năm nay và sau khi tăng viện phí, tình trạng này vẫn không được cải thiện. Người bệnh vẫn phải xếp hàng từ 3-4 giờ sáng để làm thủ tục khám bệnh, có một số chỉ định như siêu âm, chụp CT, người bệnh phải lấy số thứ tự rồi chờ tới 2-3 ngày sau mới đến lượt, rồi vài ngày sau nữa mới có kết quả. Trong phòng bệnh, bệnh nhân chen chúc trên giường bệnh, dưới gầm giường và ngoài hành lang. Khi được hỏi về chất lượng dịch vụ thời điểm hiện tại, người bệnh đều khẳng định vẫn vậy, chỉ có phí khám, chữa bệnh là tăng.

Là BV tuyến quận nhưng mỗi ngày BV Quận 2 cũng tiếp nhận 2.500 - 3.000 bệnh nhân khám ngoại trú. Cơ sở vật chất của BV này đều mới, y bác sĩ cũng nhiệt tình, nhưng BV đang có xu hướng quá tải, một số dịch vụ chưa đáp ứng so với lượng người bệnh, khiến bệnh nhân phải chờ rất lâu. Ngồi suốt 2 giờ vẫn chưa đến lượt siêu âm, chị Trần Thị Hiền than thở: “Mọi khâu ở BV Quận 2 đều khá ổn, nhưng đến khâu siêu âm là tôi ngán nhất, cả BV có 2 phòng siêu âm, một dành cho nam, một dành cho nữ, nhưng lượng bệnh nhân nữ rất đông vì nhu cầu siêu âm bệnh, siêu âm phụ khoa và siêu âm sản khoa. Nay phí dịch vụ siêu âm đã tăng, tôi hy vọng BV sẽ đầu tư thêm phòng siêu âm để người bệnh không mất thời gian chờ đợi quá lâu”.

Bệnh nhân bỏ khám BHYT

Thông tư 02 được áp dụng rộng rãi, người khám BHYT có lợi trong khi người không có BHYT sẽ phải chi các khoản tiền cao hơn cho việc khám và điều trị bệnh. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người có BHYT lại không sử dụng BHYT để khám bệnh. Tại BV Đại học Y Dược TPHCM, dù cầm theo BHYT nhưng khi đăng ký khám, chị Nguyễn Nha Trang (ngụ tại quận 3, TPHCM) lại không đăng ký khám BHYT. Năm nào cũng mua BHYT nhưng quan điểm của chị Trang là mua BHYT để phòng khi bệnh nặng phải nằm viện điều trị dài ngày, còn đi khám bệnh thì bỏ tiền ra khám dịch vụ ở BV tự chọn, tuy đắt hơn nhưng vừa đúng nơi đúng bệnh, vừa không phải chờ đợi lâu, nhất là bác sĩ kê toa các loại thuốc chất lượng cao hơn thuốc của BHYT. Có cùng suy nghĩ như chị Trang, anh Nguyễn Hải Đăng (ngụ tại quận 8, TPHCM) cũng cho biết, khi có nhu cầu khám bệnh, anh luôn lựa BV chuyên điều trị chứng bệnh của mình. Anh Đăng có hẳn danh sách thế mạnh của các BV và liên tục cập nhật để lựa chọn nơi khám bệnh phù hợp khi cần. Do vậy, anh nói: “Viện phí tăng thì người bệnh vẫn phải điều trị. Điều tôi mong là chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại các BV cải thiện để xứng với chi phí mà người bệnh phải bỏ ra”.

Theo Thông tư 02, giá dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực tại BV hạng đặc biệt tăng gấp đôi lên 677.100 đồng; BV hạng 1 là 632.200 đồng; BV hạng 2 là 568.900 đồng. Đối với giường bệnh hồi sức, chống độc tại BV hạng đặc biệt là 362.800 đồng/ngày; BV hạng 1 là 335.900 đồng/ngày; BV hạng 2 là 279.100 đồng/ngày; BV hạng 3 là 245.700 đồng/ngày; BV hạng 4 là 226.000 đồng/ngày.

Tin cùng chuyên mục