Đau phận cá tra

Hơn 2 năm nay, hàng loạt hộ nuôi cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL lâm vào cảnh khốn đốn bởi giá cá rớt xuống tận đáy. Hiện cá tra loại 1 trọng lượng từ 0,8 - 0,9kg/con được các nhà máy chế biến thu mua với giá 21.000 đồng/kg; cá tra loại 2 chỉ khoảng 19.000 đồng/kg nhưng rất khó bán; trong khi chi phí giá thành nuôi cá tra là 23.000 đồng/kg.

Điều trớ trêu là chẳng những giá cá rớt tệ hại mà việc tiêu thụ cá tra cũng đang trục trặc, mặc dù người nuôi chấp nhận bán lỗ và bán thiếu từ 1 - 2 tháng mới lấy tiền. Vì đâu cá tra được mệnh danh là sản phẩm đặc thù của vùng ĐBSCL, được Chính phủ xác định là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước, lại rơi vào tình cảnh bi đát như vậy.

Thị trường quốc tế cũng thừa nhận cá tra là thế mạnh - là hàng độc quyền của Việt Nam. Về nguyên tắc, hàng độc quyền phải bán giá cao và người bán có quyền quyết định giá. Song thực tế lại diễn ra trái ngược, khi sản phẩm cá tra liên tục bị đối tác nước ngoài ép và người  bán lại chấp nhận bán với giá rẻ mạt. Chính vì vậy nên các doanh nghiệp trong nước đè giá mua cá nguyên liệu xuống, khiến người nông dân thua thiệt trăm bề. Giải thích nghịch lý này, Bộ Công thương nhìn nhận, cá tra Việt Nam ngày càng mất vị thế, mất tính cạnh tranh trên thế giới bởi các doanh nghiệp cạnh tranh nội bộ, bán phá giá, bán hàng kém chất lượng…

Các địa phương vùng ĐBSCL như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ… nhìn nhận sự tăng giảm giá cá tra có tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của địa phương; đặc biệt liên quan đến đời sống hàng trăm ngàn lao động nông thôn. Chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp và người nuôi cá tỏ ra bức xúc khi thân phận cá tra cứ mãi lận đận. Vấn đề sâu xa của ngành này là các doanh nghiệp “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, mạnh ai nấy làm, không tin nhau; người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu mâu thuẫn về quyền lợi, không liên kết được với nhau; cộng với chiến lược tiếp thị, quảng bá hình ảnh cá tra ra thế giới hạn chế… Tất cả như cái vòng luẩn quẩn làm cho thân phận cá tra cứ mãi bọt bèo.

Tái cấu trúc, vực dậy ngành xuất khẩu tỷ đô đã được các bộ ngành trung ương, VASEP, UBND các tỉnh, thành ĐBSCL đưa ra bàn thảo nhiều lần. Tuy nhiên, sau đó mọi chuyện giẫm chân tại chỗ và hậu quả là hàng loạt hộ nuôi cá cứ thua lỗ, dẫn đến nợ chất chồng. “Bỏ thì thương, vương thì nợ” đang là nỗi lòng của người dân dọc sông Tiền, sông Hậu đã trót vướng vào nghề cá.

Theo các doanh nghiệp, nếu ngành chức năng siết chặt quản lý về vùng nuôi, diện tích, sản lượng, thời gian thu hoạch, chế biến, xuất khẩu… Tất cả đều có những tiêu chuẩn hay quy định hẳn hoi; đưa nghề cá hoạt động nề nếp thì mọi chuyện sẽ chuyển biến tích cực. Cần quy định các doanh nghiệp phải có nhà máy công nghệ hiện đại, sản phẩm đạt tiêu chuẩn mới cho xuất khẩu và tuân thủ giá xuất theo quy định; người nuôi phải có tay nghề, vốn, nằm trong vùng quy hoạch và có gắn kết với nhà máy mới được nuôi. Đây là những điều cần làm ngay mới mong vực dậy nghề nuôi cá ở ĐBSCL.

Để vực dậy cá tra, đã đến lúc không thể nói suông, hô hào khẩu hiệu… mà cần vào cuộc mạnh mẽ kèm theo những biện pháp cụ thể. Chúng ta có đủ các ngành liên quan như nông nghiệp, công thương, VASEP, Hiệp hội Cá tra Việt Nam, UBND các cấp… vấn đề là có đồng tâm hiệp lực để làm tới nơi tới chốn? Ai chẳng đau lòng khi chứng kiến cảnh doanh nghiệp xuất khẩu và người nuôi cá cứ mãi “cắn qua - cắn lại”, trong khi đối tác nước ngoài thì “ngồi không” hưởng lợi.

Huỳnh Phước Lợi

Tin cùng chuyên mục