Tin ai?

Dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ đã được triển khai từ vài năm qua và trị giá đã thực hiện được hơn 17.960 tỷ đồng nhưng những tranh cãi về tính hiệu quả kinh tế và tác động xã hội với 2 dự án này vẫn chưa chấm dứt. Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cho rằng, trước mắt dự án sẽ bị lỗ nhưng về lâu dài sẽ mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Giới chuyên gia trong ngành lại cho rằng, giá alumin thấp hơn giá thành và do khủng hoảng kinh tế, giá khoáng sản đi xuống đã hơn 4 năm qua, chưa biết đến khi nào chấm dứt, cho nên hiệu quả kinh tế mơ hồ. Quan điểm trái ngược giữa nhiều chuyên gia với chủ đầu tư, cơ quan quản lý đã kéo dài từ khi các dự án này chưa được triển khai, đến nay vẫn tiếp tục và dường như chưa có hồi kết.

Một dự án khác cũng ảnh hưởng lớn đến xã hội là dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Chủ đầu tư cho rằng, họ đã cân nhắc về những ảnh hưởng của dự án đến môi trường chứ không chỉ hướng đến mục tiêu kinh tế và việc thực hiện 2 dự án thủy điện trên hoàn toàn không gây nhiều ảnh hưởng đến khu vực lân cận và vùng hạ du. Trong khi Đồng Nai, địa phương có phản ứng quyết liệt về dự án này, cho rằng, việc quy hoạch xây dựng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội, môi trường cũng như đời sống của người dân vùng hạ du.

Cùng một dự án, nhưng bên nói đúng, phía nói sai, trong khi những thông tin trên đều được phát ngôn bởi các nhà quản lý, nhà khoa học. Vậy người dân biết tin ai?

Những quan điểm trái ngược nhau về việc triển khai, dự định triển khai các dự án nêu trên dường như có một mẫu số chung dẫn đến bất cập trong thực thi, đó là: sự thiếu rõ ràng, minh bạch đối với người dân. Chính việc thiếu thông tin từ bên cung cấp đã dẫn đến những phản ứng hoàn toàn trái ngược từ giới chuyên gia, người dân. Chẳng hạn như với 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, dù chủ đầu tư cho rằng hiệu quả nhưng giới báo chí vẫn không thể biết giá thành sản xuất alumin là bao nhiêu, đang bán thử nghiệm ở mức nào… để đo lường tính hiệu quả của dự án. Có thể đó là những bí mật kinh doanh của doanh nghiệp nhưng với một dự án mà công luận luôn nghi ngờ về tính hiệu quả, việc công khai thông tin ở mức độ nào đó cũng cần được tính đến. Ngay đến một lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cũng thừa nhận cả 2 dự án đều có rủi ro lớn.

Các ví dụ nêu trên cho thấy, đến những nơi được coi là có nhiều thông tin như cơ quan quản lý, giới truyền thông còn phải “bó tay” thì cũng không có gì khó hiểu tại sao người dân, đối tượng chịu tác động chính, có những phản ứng trái ngược. Tiếc rằng, thực trạng đó lại đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương, công trình, dự án. Một kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, UBMTTQ Việt Nam và UNDP về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện đất đai gia tăng là người dân ít được biết đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương.

Nhiều ý kiến cho rằng, để tạo được sự đồng thuận mỗi khi triển khai một dự án, cần phải công khai thông tin và phải có địa chỉ để quy trách nhiệm một cách cụ thể. Điều này hoàn toàn đúng và cho thấy nhu cầu rất lớn của người dân trong cải thiện cơ chế cung cấp thông tin để có thể tham gia vào quá trình đóng góp ý kiến xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch. Qua đó tạo niềm tin của người dân đồng thời giảm thiểu được sức ép phải xử lý các tranh cãi.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục