Hiểm nguy lưu cữu

Tại hội nghị giao ban trực tuyến về an toàn hồ đập vừa diễn ra, Bộ Xây dựng cho biết, cả nước có gần 7.000 công trình hồ chứa thủy điện và thủy lợi. Trong đó, không kể các dự án thủy lợi kết hợp làm nhà máy phát điện thì có trên 260 công trình đã vận hành khai thác và 211 công trình đang thi công xây dựng. Số còn lại là các công trình thủy lợi đã đưa vào vận hành hoặc đang thi công. Kết quả kiểm tra các công trình thủy điện có công suất lớn hơn 50MW, công trình thủy lợi có chiều cao đập hơn 50m được nghiệm thu trong thời gian qua là an toàn, phát huy hiệu quả. Các công trình thủy điện có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 30MW còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do một số chủ đập chưa thực hiện đầy đủ quy định về quản lý an toàn đập. Tổng cộng có 144/166 đập đã đến hoặc quá kỳ hạn kiểm tra tính toán lại dòng chảy lũ nhưng hiện chưa tới 1/3 tổng số thực hiện xong việc kiểm tra và chỉ 36 đập có phương án bảo vệ đập được phê duyệt.

Trước hết, sự khẳng định những công trình thủy điện trên 50MW cao trình đập hơn 50m được Bộ Xây dựng xem là an toàn quả chưa toàn diện nếu gắn với sự cố Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam). Người dân huyện Bắc Trà My khu vực ngay chân Thủy điện Sông Tranh 2 suốt 2 năm qua hoang mang trước tình trạng nước chảy qua thân đập đi kèm với hiện tượng động đất liên tiếp. Riêng hồ chứa thủy điện này đã hơn 730 triệu m³, “treo” trên cao trình 165m, luôn là nỗi bất an, đe dọa tinh thần người dân vùng hạ du.

Thông tin từ Bộ NN-PTNT cho biết, cả nước hiện có gần 320 hồ bị hư hỏng công trình đầu mối. Trong đó, có trên 60 hồ chứa dung tích trên 3 triệu m³ bị thấm ở đập hư hỏng thân cống, tràn xả lũ… Ngoài ra, nhiều địa phương có hàng chục hồ bị xuống cấp nặng như Hòa Bình, Hà Tĩnh, Bình Định... Riêng ở Thanh Hóa có hơn 90 hồ hư hỏng bao gồm 17 hồ ở mức “quá nguy hiểm”, không cho tích nước.

Những hồ đập thủy lợi đã hư hỏng nói trên lưu cữu nhiều năm thậm chí hàng vài chục năm qua. Bộ Tài chính thừa nhận, kinh phí duy tu, sửa chữa hồ đập hiện rất khó khăn trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay nên chỉ có thể “liệu cơm gắp mắm”, không thể dàn trải. Bộ này và Bộ Kế hoạch - Đầu tư thống nhất đề xuất Thủ tướng cho ứng trước 525 tỷ đồng của năm 2014 để hỗ trợ các tỉnh nghèo sửa chữa những công trình cấp bách. Mức kinh phí ấy nếu so với số hồ chứa cần sửa chữa có lẽ như... muối bỏ biển. Và như vậy, câu chuyện về an toàn hồ đập vẫn tiếp tục là “căn bệnh ung thư” chỉ biết chờ đợi hậu quả xảy ra bằng việc đếm thời gian từng ngày, từng tháng.

Việc đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, quản lý an toàn đập thủy điện và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là cần thiết. Tuy nhiên, cần nhìn vấn đề an toàn hồ đập ở góc độ lâu dài. Chủ tịch Hội Đập lớn Phạm Hồng Giang khẳng định, an toàn đập luôn là chủ đề quan trọng nhất trong tất cả các hội nghị về đập trên thế giới. Các đập ra đời trong các điều kiện khác nhau, do nhiều đơn vị quản lý… nhưng nhìn chung đều tiềm ẩn rủi ro, mất an toàn. Vị chủ tịch hội này đề xuất nên có cơ quan chuyên trách về an toàn đập và Chính phủ nên cho thành lập Ủy ban An toàn đập. Để tránh “vênh nhau” giữa các cơ quan quản lý, ủy ban này chỉ chuyên về an toàn đập, còn quản lý, khai thác… thì do các cơ quan khác. Đây là một đề xuất đáng xem xét trong bối cảnh Việt Nam có quá nhiều cơ quan nhà nước liên quan đến an toàn hồ đập, nhưng khi đi vào cụ thể thì không rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm. Hậu quả xảy ra chẳng biết quy trách nhiệm cho ai!


TRẦN KHA

Tin cùng chuyên mục