Thị trường hàng điện tử - Đủ kiểu trốn thuế

Kỳ 1: Các siêu thị điện máy trốn thuế như thế nào?

Nguyễn Thu Tuyết
Kỳ 1: Các siêu thị điện máy trốn thuế như thế nào?

Khi giao dịch bán hàng cho khách, để không phải xuất hóa đơn, nhiều siêu thị điện máy đã làm khó khiến cho người tiêu dùng cảm thấy bị thiệt thòi, phiền phức mà bỏ qua.

Không xuất hóa đơn - Chuyện thường ngày ở các siêu thị điện máy

Kỳ 1: Các siêu thị điện máy trốn thuế như thế nào? ảnh 1
Khi mua hàng điện tử, điện máy, đa số người tiêu dùng không được xuất hóa đơn VAT.

Ông Nguyễn Ngọc Vinh (ngụ tại chung cư Mỹ Phước, quận Bình Thạnh) cho biết để sắm sửa cho con trai vừa cưới vợ ra ở riêng, vừa qua, ông đã đến mua hàng ở một siêu thị điện máy trên đường Cách Mạng Tháng Tám (nơi đang tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi rầm rộ) với tổng trị giá là 3.240.000đ (gồm 1 đầu DVD, 1 lò nướng, 1 máy xay sinh tố, 1 quạt hộp), thế nhưng khi nhận hàng ông chỉ được siêu thị này cấp cho phiếu bảo hành và 1 phiếu thu tiền, tuyệt nhiên không thấy có hóa đơn VAT như quy định.

Ông hỏi thì nhân viên của siêu thị này trả lời: “Chú mua hàng có khuyến mãi thì đâu xuất hóa đơn được”. Thấy tranh luận phiền phức quá nên ông đành bỏ qua.

Tương tự trường hợp của ông Vinh, bà Trần Thị Lệ (ngụ số 1 Nguyễn Thông, quận 3) cho biết: nhân dịp World Cup 2006, thấy mặt hàng tivi khuyến mãi lớn, bà đến một siêu thị điện máy ở đường Trần Hưng Đạo để sắm 1 chiếc ti vi màn hình 21 inches. Khi thấy không có hóa đơn đỏ kèm theo, bà hỏi, thì cô nhân viên siêu thị này gọi bà lại nói nhỏ: “Cô không lấy hóa đơn thì giá mới thế này (giá niêm yết trên chiếc tivi), chứ cô mà đòi hóa đơn thì kế toán họ cộng thêm 10% bây giờ”. Nghe vậy, bà không đòi tờ hóa đơn đó nữa.

Trường hợp của chị Hồng Thủy (ở 20/10/22 Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh) cũng vậy. Khi mua bếp gas hiệu Rinnai ở một siêu thị điện máy trên đường Điện Biên Phủ, nhân viên siêu thị hẹn chị hôm sau đến lấy hóa đơn. Hôm sau chị đến thì cô này xởi lởi: “Bếp xài tốt phải không chị? Có phiếu bảo hành rồi, có vấn đề gì chị cứ đem đến đây, tụi em làm ăn uy tín mà. Còn cái hóa đơn, chị có thanh toán với cơ quan đâu, lấy làm gì…”. Biết chị vẫn có ý đòi hóa đơn, cô ta lại dịu dàng: “Chị ơi, chị cảm phiền tuần sau đến lấy hóa đơn nhé, vì kế toán của tụi em bị bệnh mấy hôm rày chưa đi làm được chị à”.

Qua khảo sát thị trường cho thấy, trên địa bàn TPHCM hiện có trên 50 trung tâm, siêu thị điện máy lớn nhỏ với doanh số bán hàng lên đến hàng ngàn tỷ đồng/năm. Thế nhưng có không ít trung tâm, siêu thị điện máy khi bán sản phẩm cho người dân đã không xuất hóa đơn, trong khi quy định đây là việc phải làm.

Khi giao dịch bán hàng cho khách, để không phải xuất hóa đơn, nhiều siêu thị đã dùng các “biện pháp” làm khó như: “Chờ 1-2 ngày sau đến lấy”, “Nếu lấy hóa đơn phải cộng thêm 10%” hoặc “Lấy hóa đơn sẽ không tặng kèm quà khuyến mãi…”… Điều này khiến cho người tiêu dùng cảm thấy bị thiệt thòi, phiền phức quá mà bỏ qua.

Hàng trốn thuế vẫn được bảo hành từ chính hãng?

Trung tuần tháng 6-2006 vừa qua, do có nhu cầu mua một chiếc điện thoại di động, chị Phạm Hiền Thu (ngụ tại 144/7c/13 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh) đã đi khảo sát giá ở một vài điểm bán hàng trên địa bàn TPHCM. Qua khảo sát, chị thấy có nhiều điều lạ lùng, bất ổn nên đã phản ánh với báo SGGP.

Theo chị Hiền Thu, khi đến siêu thị điện thoại di động ở đường 3 Tháng 2, chị thấy giá chiếc Samsung E350 mà chị muốn mua có giá 3.200.000đ. Tuy nhiên cũng chiếc điện thoại này, ở các Samsung Plaza lại có giá tới 3.450.000đ. Trả lời thắc mắc của chị, các cô nhân viên bán hàng đeo bảng hiệu FPT Mobile ở các Samsung Plaza đều cho rằng: “Giá ở đây cao hơn là vì tụi em bán hàng chính hãng, hàng mới 100%, còn ở nơi khác đôi khi họ bán trộn cả hàng cũ, hàng bên ngoài nên giá rẻ hơn”.

Quay trở lại siêu thị trên đường 3 Tháng 2, chị hỏi cô nhân viên của siêu thị này xem chiếc E350 mà chị muốn mua có bảo hành chính hãng không thì cô ấy vẫn khẳng định như đinh đóng cột: “Có chứ sao lại không? Nếu chị mua hàng tụi em xuất ngay phiếu bảo hành của FPT cho chị”. Tại sao lại có sự chênh lệch giá quá cao này của một cùng món hàng của cùng một nhà cung cấp và cùng được bán trên cùng một địa bàn như thế?

Sau khi lắng nghe thắc mắc này của chị Hiền Thu, một chuyên gia ngành thuế cho rằng sự chênh lệch giá chút ít trong trường hợp này cũng có thể xảy ra, và chấp nhận được nếu như vị trí thuê mặt bằng và các chi phí khác ở Samsung Plaza cao hơn rất nhiều so với siêu thị trên đường 3 Tháng 2.

Tuy nhiên, ở mức chênh lệch quá cao này (250.000đ) thì khả năng xảy ra hiện tượng thông đồng, thỏa hiệp, lừa gạt người tiêu dùng để hưởng lợi trong việc bán hàng ngoài luồng, trốn thuế giữa 2 doanh nghiệp là có thể xảy ra. Đây cũng chính là điều mà ngành thuế và lực lượng quản lý thị trường cần phải quan tâm, ngăn chặn để chống thất thu thuế.

Chuyên gia ngành thuế này tư vấn thêm: “Để đảm bảo chắc chắn món hàng đó thực sự là hàng của chính hãng, không phải hàng ngoài luồng, trốn thuế, trong trường hợp này, người tiêu dùng không chỉ yêu cầu xuất phiếu bảo hành chính hãng, mà nhất thiết phải yêu cầu người bán xuất hóa đơn VAT”.

Nguyễn Thu Tuyết

 

Tin cùng chuyên mục