Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than-Khoáng sản VN Hoàng Văn Thái:

Tăng giá bán than là cần thiết

Năm 2007, tập đoàn sẽ lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng
nếu bán than dưới giá thành

Mới đây, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VNCC) đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tăng giá bán than, kể từ ngày 1-11 và điều này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành xi măng. Cũng từ thời điểm trên, 2 Tổng công ty Giấy và Hóa chất cũng phải mua than cám 3a với giá tăng lên 554.000 đồng/tấn, than cám 3b tăng lên 532.000 đồng/tấn.

Theo phân tích của VNCC, việc TKV tăng giá bán than lên 44% so với trước và tiếp tục tăng thêm 5% nữa kể từ tháng 7-2007 như thông báo sẽ làm chi phí sản xuất “đội” lên thêm 200 tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của VNCC. Vì vậy, VNCC cáo buộc việc TKV tăng giá bán đi ngược lại với tinh thần của buổi họp do Bộ Tài chính chủ trì hôm 20-10 khi mức đề xuất tăng chỉ là 20%.

Thực chất vấn đề này như thế nào? Sáng qua, 2-11, PV Báo SGGP đã trao đổi nhanh với Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TKV Hoàng Văn Thái.

* Phóng viên: Thưa ông, tại sao TKV lại tăng giá bán than đối với 3 hộ tiêu thụ than lớn (xi măng, phân bón và giấy)?

- Việc chúng tôi tăng giá là làm theo đúng tinh thần cuộc họp mới đây với Bộ Tài chính. Các hộ tiêu thụ nói trên cũng đồng ý để TKV tăng giá bán than kể từ ngày 1-11. Vấn đề tăng giá bán than đã có lộ trình. Thế nhưng từ năm 2003 đến nay, chúng tôi chưa được tăng giá bán than.

Trong khi đó, chúng tôi đã phải bán than cho các hộ sản xuất lớn với giá thấp hơn giá thành. Giá bán than nội địa hiện nay chỉ bằng 60% giá than cùng loại của Trung Quốc và chỉ bằng khoảng 40% so với giá than của thế giới. Chính vì vậy, chúng tôi liên tục phải bù lỗ. Năm 2004, bù lỗ 450 tỷ đồng, năm 2005 là 750 tỷ đồng và năm nay dự kiến sẽ phải bù lỗ tới khoảng 1.000 tỷ đồng.

* Nhưng VNCC cho rằng, thay vì tăng 20% như đã thống nhất tại cuộc họp với Bộ Tài chính, TKV lại tăng tới 44%?

- Tại cuộc họp này, trong tài liệu của một số chuyên viên Bộ Tài chính có đề xuất tăng 20%. Tuy nhiên, sau đó Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá không đồng ý với tỷ lệ tăng như thế.

Bộ Tài chính khẳng định đến năm 2007 sẽ xóa bỏ bao cấp về giá than. Giá than sẽ tăng, giảm theo đúng quy luật của thị trường. Bộ Tài chính đề nghị TKV đàm phán trực tiếp với 4 hộ tiêu thụ lớn (trong đó có ngành điện) về mức tăng giá than. Cả 3 hộ đã đồng ý (riêng ngành điện phải chờ ý kiến của Thủ tướng).

* Nghĩa là không chỉ đợt này mà trong năm 2007, TKV sẽ tiếp tục tăng giá than?

- Đúng vậy.

* Như vậy sẽ ảnh hưởng đến chi phí và giá thành của các sản phẩm quan trọng khác như xi măng, phân bón, giấy…

- Đúng là ngành xi măng đang phải lo bình ổn giá. Nhưng liệu có công bằng không khi chúng tôi cứ phải cung cấp than như thể cung cấp bánh mì cho ngành công nghiệp với giá thấp hơn giá thành. Muốn tăng giá lại phải hỏi ý kiến của họ. Thật phi lý.

* Nhưng, có quan điểm cho rằng ngành than đã được bao cấp. Mặc dù than là loại nguyên liệu cần hạn chế xuất khẩu để bảo đảm an ninh năng lượng nhưng do được giá nên TKV vẫn được xuất khẩu với số lượng lớn để bù đắp vào giá than bán trong nước.

- Nói như vậy là chưa hiểu ngành than. Nhà nước xóa bao cấp cho ngành than từ lâu rồi. Chúng tôi đã phải vật lộn, trải qua thời kỳ đặc biệt khó khăn khi giá than xuống thấp. Còn việc xuất khẩu, thực chất chúng tôi đang xuất khẩu những loại than trong nước chưa dùng đến. Đây là cách đem lại lợi ích cho Nhà nước. Còn việc tăng giá than bán cho các đơn vị nêu trên là cần thiết. Không thể để doanh nghiệp khác sống bao cấp trên lưng chúng tôi như vậy.

* Xin cảm ơn ông.

QUỐC HỢP

Tin cùng chuyên mục