Quốc hội thông qua 6 dự án luật

Đưa đình công thành hoạt động có tổ chức

Hôm qua (21-11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua 6 dự án: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Bình đẳng giới; Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác; Luật Thể dục Thể thao và Luật Dạy nghề. Đáng quan tâm nhất trong số này là những quy định mới về đình công được đề cập trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động. Lãnh đạo đình công vẫn phải là công đoàn
Đưa đình công thành hoạt động có tổ chức

Hôm qua (21-11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua 6 dự án: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Bình đẳng giới; Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác; Luật Thể dục Thể thao và Luật Dạy nghề. Đáng quan tâm nhất trong số này là những quy định mới về đình công được đề cập trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động.

Lãnh đạo đình công vẫn phải là công đoàn

Đưa đình công thành hoạt động có tổ chức ảnh 1
Quốc hội thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động. Ảnh: M.Đ.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động chủ yếu là sửa đổi, bổ sung về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động, trong đó có hoạt động đình công.

Trước đó, trong phiên thảo luận nhiều đại biểu cho rằng, dự án luật này cần bổ sung quy định những nơi có công đoàn cơ sở, nhưng công đoàn cơ sở không phát huy được vai trò của mình thì người lao động vẫn có quyền cử đại diện để tổ chức, lãnh đạo đình công.

Lý do được các ĐBQH đưa ra là những cán bộ công đoàn cơ sở ăn lương của doanh nghiệp, nên khó có thể bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Trong phần tiếp thu, UBTVQH cho rằng, công đoàn là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi người lao động. Đây vừa là trách nhiệm và cũng là quyền của tổ chức công đoàn, do đó trong trường hợp công đoàn cơ sở không phát huy được trách nhiệm của mình, thì tổ chức công đoàn cấp trên có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ ban chấp hành công đoàn cơ sở trong việc giải quyết tranh chấp lao động theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với những doanh nghiệp chưa có ban chấp hành công đoàn cơ sở thì việc tổ chức và lãnh đạo đình công phải do đại diện được tập thể lao động cử, và việc cử này đã được thông báo với công đoàn cấp huyện hoặc tương đương.

Đình công bất hợp pháp: Gây thiệt hại sẽ phải bồi thường

Một vấn đề nữa được nhiều ĐBQH quan tâm là quyền lợi của các bên trong quá trình đình công. Có ý kiến cho rằng cần phải bỏ quy định về việc người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lãnh đạo đình công và người tham gia đình công bất hợp pháp bồi thường thiệt hại vật chất, vì người lao động có nguy cơ sẽ rơi vào tình trạng luôn phải bồi thường thiệt hại. Song, khi tiến hành thông qua dự án luật này, đa số đại biểu đồng tình với UBTVQH là trong trường hợp đình công là bất hợp pháp, gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì tổ chức, cá nhân tham gia đình công có lỗi phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Một số ý kiến đề nghị quy định trong trường hợp tòa án tuyên cuộc đình công là hợp pháp thì người lao động tham gia đình công được trả lương và các quyền lợi khác trừ trường hợp người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên, theo UBTVQH thì đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện của tập thể lao động nên trước khi tham gia đình công người lao động phải có sự cân nhắc kỹ về quyền và lợi ích của mình. Nếu quy định người lao động tham gia đình công được trả lương và các quyền lợi khác khi tòa tuyên đình công là hợp pháp thì dễ dẫn đến tình trạng đình công tràn lan và điều này cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tiền ký quỹ của người đi lao động nước ngoài được tính lãi

Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thông qua với 8 chương, 80 điều và có hiệu lực từ 1-7-2007. Nội dung được nhiều người lao động quan tâm là quy định về tiền ký quỹ.

Người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ về ký quỹ để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và nộp tiền vào tài khoản riêng được doanh nghiệp mở tại ngân hàng thương mại.

Số tiền ký quỹ của người lao động được hoàn trả cả gốc và lãi cho người lao động khi thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong trường hợp người lao động vi phạm hợp đồng thì số tiền ký quỹ được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do người lao động gây ra cho doanh nghiệp.

Cũng theo luật này, để đảm bảo chi phí cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với một số thị trường hoặc hợp đồng cung ứng lao động cụ thể, nếu tiền môi giới cao mà thu nhập của người lao động ở nước ngoài thấp thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ chỉ đạo để doanh nghiệp phải chịu một phần tiền môi giới nhằm giảm bớt đóng góp cho người lao động.

 Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội

(SGGP). – Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội danh sách những người sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10. Theo đó, dự kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng 6 vị bộ trưởng, gồm: Bộ trưởng TN-MT Mai Ái Trực, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng GT-VT Hồ Nghĩa Dũng, cùng Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Hiện sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội. Danh sách chính thức sẽ được “gút” lại trước khi diễn ra phiên chất vấn 1 ngày, sau khi đã có ý kiến của đại biểu Quốc hội, sự thống nhất giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Chính phủ.

Theo chương trình, tại kỳ họp này, Quốc hội dành 3 ngày cho nội dung chất vấn và trả lời chất vấn là ngày 24, 25 và 27-11. Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời chất vấn của Quốc hội vào ngày 27-11.

H.Y.

HÀ MY – HÀM YÊN

Tin cùng chuyên mục