Vụ Vietnam Airlines phải bồi thường 5,2 triệu euro

Thể hiện rõ sự vô trách nhiệm của VNA!

Liên quan đến vụ phải bồi thường 5,2 triệu euro của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (VNA), một nguồn tin của SGGP hôm 6-6 cho biết: nếu tính đủ, tổng số tiền phải bồi thường của VNA lên tới gần 6 triệu euro. Nhưng, đây chỉ là một phi vụ... nhỏ ở VNA.
Thể hiện rõ sự vô trách nhiệm của VNA!

Liên quan đến vụ phải bồi thường 5,2 triệu euro của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (VNA), một nguồn tin của SGGP hôm 6-6 cho biết: nếu tính đủ, tổng số tiền phải bồi thường của VNA lên tới gần 6 triệu euro. Nhưng, đây chỉ là một phi vụ... nhỏ ở VNA.  

  • Có người của VNA đã tham gia tiếp tay Liberati? 
Thể hiện rõ sự vô trách nhiệm của VNA! ảnh 1

Theo nguồn tin trên, trước đây, khi lãnh đạo VNA báo cáo Thủ tướng vụ kiện nói trên, Thủ tướng đã yêu cầu phải đánh giá thật kỹ càng, tìm hiểu rõ quy định của luật pháp quốc tế để có biện pháp ứng phó thích hợp theo hướng có lợi nhất. Chính phủ cũng đã cảnh báo lãnh đạo VNA là càng để vụ việc kéo dài, nếu ta không thắng, tiền bồi thường sẽ càng lớn. Vì vậy, vào thời điểm đó, Chính phủ đã “bật đèn xanh” cho VNA giải quyết dứt điểm vụ việc kiện tụng của Liberati.

Tuy nhiên khi đó, VNA khẳng định vụ kiện này là vô lý, bất công đối với phía Việt Nam nên đã đề nghị Chính phủ cho tiếp tục theo kiện. Kết quả: nay, tổng số tiền phải bồi thường lên tới gần 6 triệu euro và VNA chấp thuận bị phong tỏa tài sản và phải “giam” ngay 5,2 triệu euro và chờ đến giữa năm 2007 trong sự vô vọng. Theo thông báo của Văn phòng luật sư Italia, phiên tòa phúc thẩm Roma (phiên tòa cuối cùng về vụ này - PV) sẽ diễn ra ngày 13-7-2007. Thông báo này cũng đã được ông Lê Thanh Dũng, Trưởng văn phòng chi nhánh tại Pháp của VNA thông báo đến Tổng Giám đốc VNA.
 
Đặc biệt, trong quá trình giải quyết vụ kiện tụng trên, một cán bộ có trách nhiệm đã đề nghị phải xem xét khả năng VNA đã “nuôi ong tay áo”, cụ thể, cán bộ của VNA đã câu kết với Maurizio Liberati hoặc nguyên giám đốc Falcomar, “đánh” vào điểm yếu của VNA để “moi” tiền của VNA. Thậm chí, trong một cuộc họp với các bộ, ngành liên quan, một lãnh đạo đã đề nghị Cơ quan an ninh vào cuộc để làm rõ có hay không mưu đồ giàn dựng vở kịch trên để lừa đảo. Vì theo ông này, “có dấu hiệu thông đồng lừa đảo của các bên nước ngoài đối với VNA”.
 
Nghi vấn trên càng tăng lên khi năm ngoái, ông Lê Xuân Thanh, Trưởng ban Vận tải Hàng không, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (trước đây làm việc tại tổng công ty) gửi công văn tới VNA khẳng định văn bản do ông ký tên gửi Falcomar năm 1992, đang được lưu trong hồ sơ vụ kiện là giả mạo. Nét chữ ký giả mạo này rất giống với nét chữ của giám đốc Falcomar thời kỳ đó là ông De Montis. Con dấu của văn bản trên cũng là giả mạo. Đáng tiếc là những dấu hiệu nghi vấn lừa đảo trên đã không được thực hiện rốt ráo. Không nhiệt tình đề nghị An ninh điều tra vào cuộc cũng là thêm một lần thể hiện sự vô trách nhiệm của VNA!  

  • Lúng túng trước vụ lắp động cơ tầm trung vào máy bay tầm xa 

Trong cuộc họp báo “không chính thức” giữa đại diện của khoảng 25 cơ quan báo chí với đại diện của VNA chiều qua 6-6, người phát ngôn của VNA Nguyễn Tấn Chấn đã tỏ ra lúng túng khi các phóng viên truy vấn về phi vụ 4 máy bay tầm xa Boeing 777 nhưng lại sử dụng động cơ tầm trung.
 Theo cáo giác, tại phi vụ này VNA đã gây ra khoản thiệt hại gấp nhiều lần vụ Liberati nói trên. Năm 1999-2000, Vietnam Airlines mua động cơ cho 4 máy bay Boeing 777- 200ER LGW.

Theo tài liệu do Vietnam Airlines cung cấp thì Boeing 777 có thể lắp được động cơ của 3 nhà sản xuất GE, PW của Mỹ và RR của Anh. Nhiều chuyên gia khuyến cáo VNA không nên mua động cơ PW (Pratt-Withney) vì trên thế giới chưa có hãng hàng không nào lắp loại động cơ này cho máy bay Boeing 777 để bay đường dài tới Mỹ và châu Âu như mục tiêu của VNA (đã được Thủ tướng phê duyệt). Thế nhưng, lãnh đạo VNA đã bỏ ngoài tai và chọn mua động cơ PW.
 
Kết quả: tất cả máy bay Boeing 777 mà VNA đã mua chỉ có thể dùng để bay tầm trung, thay thế cho máy bay loại nhỏ Boeing 767 chứ không thể sử dụng đúng chức năng là bay tầm trung và tầm xa như tổng công ty này đã báo cáo Thủ tướng. Sau đó, lãnh đạo VNA đã tìm giải pháp nâng cấp động cơ PW để làm sao Boeing 777 của họ bay được đến Mỹ. Muốn làm được vậy, VNA phải chi thêm 24 triệu USD. Chính vì mua nhầm động cơ nêu trên nên VNA sau đó đã phải đi thuê khẩn cấp 4 máy bay Boeing 777 lắp động cơ GE90 với giá gấp 10 lần giá thuê Boeing 767 để có thể bay xa với giá hàng chục triệu USD.

 Đằng sau sự nhầm lẫn với bao tốn kém, tai tiếng trên là gì? Theo một số cáo giác gửi đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chính phủ thì số tiền được xem là mất mát to lớn nói trên đã được bên trúng thầu và chào thầu chia chác nhau. Nhưng, đây là dự án lớn, phải qua quy trình đấu thầu rất chặt chẽ.

Trao đổi với PV SGGP qua điện thoại khi đang đi công tác, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam Nguyễn Tiến Sâm cho biết, vào thời kỳ đó, ông đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về những sai phạm, khuất tất trong vụ mua sắm động cơ cho 4 máy bay kể trên. Trong văn bản này, ông cũng nêu ra một số bất hợp lý trong việc chọn động cơ cho máy bay đi thuê.

 Chiều qua, 6-6, ông Nguyễn Tấn Chấn lại cho rằng, VNA chủ yếu khai thác các tuyến bay tầm trung và tầm ngắn nên việc không mua động cơ tầm xa cho 4 Boeing 777 (chủ yếu đi Mỹ) là phù hợp. “Chúng tôi đã tính bài toán kinh tế có lợi nhất, chọn loại có chi phí thấp nhất”, ông Chấn nói. Tuy nhiên, ông không giải thích nổi điều: vậy thì VNA cần gì phải mua 4 Boeing 777 (loại máy bay tầm xa) thay vì mua máy bay tầm trung với giá rẻ, lại tiết kiệm hơn nhiều.
 
Trong số báo sau, SGGP sẽ trở lại vấn đề thuê, mua máy bay cũng như bảo dưỡng, mua sắm trang thiết bị tốn kém bất thường của VNA  

NHÓM PV

Tin, bài liên quan:

Thua kiện, Vietnam Airlines phải bồi thường 5,2 triệu euro

- Cần xác định rõ trách nhiệm

- Thủ tướng đã chỉ đạo nhưng Vietnam Airlines chưa báo cáo kiểm điểm

Tin cùng chuyên mục