Biến cam kết thành hiện thực

Biến cam kết thành hiện thực

Hội nghị giữa kỳ của Nhóm các nhà tài trợ cho VN đã kết thúc sau hai ngày diễn ra căng thẳng (9 và 10-6). Chuyện bất thường nhưng không bất ngờ là hội nghị đã dành đến một nửa thời gian chỉ để xoáy vào vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng tại VN. 

Biến cam kết thành hiện thực ảnh 1
VN Airlines, một trong những vụ việc có dấu hiệu  tham nhũng nghiêm trọng tại Việt Nam

Điều đó là dễ hiểu bởi tham nhũng ở VN đang gia tăng nghiêm trọng. Giữa lúc VN chuẩn bị gia nhập WTO, các dòng tài trợ nước ngoài đang “rót” mạnh vào VN để giúp chúng ta giảm nghèo và phát triển, cũng là lúc hàng loạt vụ tham nhũng “động trời” nổ ra. Ngân hàng Thế giới (WB) ngay lập tức cử nhân viên sang điều tra và tuyên bố sẽ buộc VN phải hoàn trả tiền tài trợ nếu phát hiện vốn ODA bị tham nhũng. Các nhà tài trợ khác cũng có những tuyên bố tương tự và đòi hỏi VN nếu không muốn nỗ lực thoát nghèo bị “gãy gánh giữa đường” thì phải cho họ thấy cam kết và quyết tâm chống tham nhũng của Chính phủ VN thể hiện trên thực tế.
 
Chính phủ VN đã cam kết, và cam kết mạnh mẽ qua phát biểu của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tại hội nghị: “Chống tham nhũng là yêu cầu, là mệnh lệnh cấp bách của VN hiện nay. Sẽ không có bất kỳ một vùng cấm nào trong việc đấu tranh chống tham nhũng!”. Điều đó đã thể hiện quyết tâm chính trị chưa từng có của VN trước đại nạn tham nhũng. Và trên thực tế, VN đang thể hiện quyết tâm đó bằng việc tích cực điều tra và công khai trước công luận các vụ án tham nhũng nghiêm trọng như PMU18, VN Airlines…
 
Tuy vậy, để biến quyết tâm thành hiện thực như mong muốn không phải dễ dàng, bởi chúng ta cũng đang đối diện với một thực tế, như đánh giá của các chuyên gia: VN chưa có một chương trình tổng thể và một lộ trình cụ thể để chống tham nhũng. Nói cách khác, VN đang chống tham nhũng theo kiểu “chạy theo vụ việc”. Luật Phòng chống tham nhũng, sau nhiều năm xây dựng, đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-6-2006.

Nhưng trên thực tế, luật này vẫn chưa thể đi vào thực tế bởi 10 văn bản hướng dẫn thi hành chưa được ban hành. Điển hình là đề án kiểm soát thu nhập của cán bộ, qui chế hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, nghị định về kê khai tài sản, nghị định về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra tham nhũng… - những công cụ được coi là “cơ bản” để khống chế tham nhũng - vẫn còn đang dự thảo! Mà, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên không chỉ đơn thuần do yếu tố “thời gian”.

 Một lần nữa, câu hỏi “Chống tham nhũng – phải bắt đầu từ đâu?” lại được đặt ra. Như nhiều chuyên gia kinh tế trong nước cũng như quốc tế nhận định: “Khuyết tật” đã bộc lộ đầy đủ qua những vụ tham nhũng điển hình như PMU18, VN Airlines... Khuyết tật đó chính là lỗ hổng trong cơ chế, chính sách và bất cập trong cung cách quản lý, điều hành kinh tế - xã hội của cơ quan ban ngành các cấp”. Vấn đề là chúng ta phải nhìn thẳng vào khuyết tật để biết bắt đầu khắc phục từ đâu và khắc phục như thế nào một cách có hệ thống. Và không thể khác, đó là con đường duy nhất để xây lại lòng tin và là con đường ngắn nhất để đi đến thành công  

PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục