Giao thông TP HCM

Vẫn còn nhiều “điểm đen” chưa được xóa

Vẫn còn nhiều “điểm đen” chưa được xóa

Những tháng đầu năm 2006, số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm 13  người, số người bị thương giảm 72 người so với cùng kỳ năm 2005. Đây là một thành tích rất đáng mừng của những người làm công tác an toàn giao thông TPHCM.

  • Hơn 80% “điểm đen” giao thông đã được xóa

Thống kê của Khu quản lý Giao thông Đô thị 1 TPHCM cho thấy, liên tục các năm 2004, 2005 và 6 tháng đầu năm 2006 đã có gần 50 “điểm đen” về an toàn giao thông trên địa bàn thành phố  được xóa, chiếm hơn 80% số “điểm đen” tai nạn giao thông (TNGT) ở thành phố. Mừng là, tính cho đến thời điểm hiện nay cả 50 điểm này chưa có dấu hiệu “tái đen” trở lại.

Vẫn còn nhiều “điểm đen” chưa được xóa ảnh 1
Cầu Chánh Hưng, một trong những điểm đen chưa được xóa

Dốc cầu Tân Thuận - nơi đã từng được gọi là “điểm rất đen” về TNGT với 2 người chết, 2 người bị thương nặng và 7 người bị thương nhẹ trong năm 2004; 2 người chết và 3 người bị thương vào quý 1 và 2 năm 2005. Tuy nhiên, từ quý 3-2005 đến nay cái tên “rất đen” ấy đã không còn nữa. Giải pháp để “hóa giải” vận hạn này là làm gờ giảm tốc tại ngay dốc cầu Tân Thuận để ngăn chặn hành vi phóng nhanh lên cầu và đặc biệt là đưa cầu Tân Thuận 2 vào hoạt động. Thêm cây cầu này, ngành chức năng đã có thể tổ chức giao thông một chiều theo hướng cầu Tân Thuận đảm nhận lưu thông cho xe từ quận 7 về trung tâm thành phố và cầu Tân Thuận 2 đảm nhận hướng giao thông ngược lại…

Khu vực Quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc là đoạn đường huyết mạnh qua TPHCM nối miền Đông Nam bộ với miền Tây Nam bộ, một thời từng là nỗi ám ảnh của các tài xế xe tải bởi cứ vào giờ tan tầm hàng ngàn công nhân của Công ty Pouyen tràn ra đường… bít hết lối đi của họ. Không chỉ có vậy, nhiều công nhân còn “vô tư” băng ngang qua đường làm cho những tài xế nhiều kinh nghiệm nhất… cũng phải khiếp sợ. Nơi đây đã lọt vào danh sách đen với 2 người chết chỉ trong quý 1/2005. Hiện nay khu vực trước Công ty Pouyen chưa phải là đã hết những nguy cơ gây TNGT bởi lẽ vẫn còn không ít người tụ tập buôn bán nhưng những nguyên nhân chủ yếu gây ra TNGT chết người đã được loại bỏ. Đã có một cầu vượt bằng sắt được xây dựng lên và công nhân có thể băng qua đường theo lối ấy thay vì tràn ra đường.

Giao lộ Điện Biên Phủ - Nam Kỳ Khởi Nghĩa nằm ngay trung tâm thành phố cũng là một “điểm đen” về TNGT với 2 người chết và 6 người bị thương nặng. Khảo sát của ngành chức năng cho thấy, người lưu thông qua đây không chịu… nhường nhịn. Họ phóng nhanh và đâm vào nhau. Một loạt vạch giảm tốc đã được kẻ. Nhờ đó, từ tháng 5-2006 tới nay, tại đây chưa xảy ra một vụ TNGT nào.

  • Điều tiết giao thông - yếu tố quan trọng nhất

Không phải ngẫu nhiên mà các nguyên nhân chính gây TNGT lại chủ yếu do chính người đi đường gây ra. Lỗi lưu thông không đúng phần đường trong 5 tháng đầu năm 2006 đã làm chết tới 110 người, bị thương 143 người; lỗi vi phạm tốc độ làm chết 86 người, bị thương 75 người; lỗi đổi hướng không đúng quy định làm chết 27 người, bị thương 38 người; lỗi tránh vượt không đúng quy định làm chết 25 người, bị thương 37 người; lỗi lưu thông vào đường cấm, đường ngược chiều làm chết 17 người, bị thương 27 người… Đã có một thời gian dài người ta nhìn vào những số liệu này để đổ lỗi cho người lưu thông. Tuy nhiên, kết quả rất đáng mừng trên đã chứng minh mọi việc không hẳn như thế.

Khi chưa có cầu Tân Thuận 2, việc giao thông “dồn” hết cho cầu Tân Thuận. Lúc ấy, dù có đi rất cẩn trọng, người đi đường cũng khó tránh được va chạm với người cùng lưu thông bởi khu vực này quá tải. Sự chia tải cho cầu Tân Thuận  của cầu Tân Thuận 2 đã giúp giải quyết vấn đề quá tải và gờ giảm tốc có tác dụng ngăn chặn hành vi phóng nhanh, vượt ẩu của những kẻ liều lĩnh… Thế là điểm đen giao thông được xóa.

Điều này có nghĩa, với công cụ điều hành được giao, ngành chức năng hoàn toàn có thể can thiệp bằng các giải pháp kỹ thuật buộc những người đi đường chấp hành luật giao thông. Tương tự, khu vực trước Công ty Pouyen, chỉ bằng một cây cầu sắt trị giá vài trăm triệu đồng, ngành chức năng đã ngăn chặn được hành vi băng ngang đường một cách rất nguy hiểm của người đi đường. Ở giao lộ Điện Biên Phủ - Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng thế. Cái giá (về vật chất) để xóa điểm đen giao thông rất rẻ, chỉ vài vạch sơn giảm tốc ngăn chặn những người phóng bạt mạng. Tất nhiên, để tìm ra tất cả các giải pháp  ấy thì giá trị chất xám rất lớn nhưng… đây lại là chức năng của những người có thẩm quyền.

Tính cho đến thời điểm hiện nay, thành phố còn 2 “điểm đen” giao thông chưa được giải quyết dứt điểm. Đó là khu vực dưới dốc cầu Chánh Hưng (Q.8) và giao lộ giữa đường Nguyễn Văn Linh với đường 9A. Phó Giám đốc Khu quản lý Giao thông Đô thị 1 - đơn vị được giao trách nhiệm chính xóa các “điểm đen” giao thông, ông Nguyễn Viết Thắng, cho biết đã tìm được hướng giải quyết là đặt gờ giảm tốc ở giao lộ Nguyễn Văn Linh - đường 9A và xây dải phân cách giữa tại dốc cầu Chánh Hưng.

Ban An toàn giao thông quận 8 đã đồng ý với giải pháp này nhưng nhân dân thì chưa bởi lẽ đặt giải phân cách giữa đồng nghĩa với việc người dân phải đi xa hơn, ông Thắng nói. Cũng theo ông Thắng, việc tổ chức lại giao thông “đụng chạm” rất nhiều và đó là nguyên nhân chính làm cho nhiều người có chức trách mệt mỏi.

Điều ông Thắng nói là thực tế. Thế nhưng, nếu người có trách nhiệm ngại “đụng chạm”, không chịu làm thì ai sẽ làm?

A.Nhiên -N.Thảo

Tin cùng chuyên mục