Ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội

Ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội

Hôm qua (26-6), với 84,58% số phiếu đồng thuận, ông Nguyễn Phú Trọng – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Quốc hội.

Ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội ảnh 1

Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An (trái) chúc mừng Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhận trọng trách mới.

Trước đó, theo ông Bùi Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kết quả tổng hợp tại các đoàn, đã có 57 đoàn đồng ý nhất trí với việc giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng để bầu cho chức Chủ tịch Quốc hội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến của một số đoàn cho rằng không nên giới thiệu một người mà nhiều người để lựa chọn; có ý kiến băn khoăn ông Nguyễn Phú Trọng là người viết lý luận rất tốt nhưng chưa điều hành (?); hoạt động tại Quốc hội của ông Nguyễn Phú Trọng còn mờ nhạt; kiến thức đào tạo của ông Nguyễn Phú Trọng không phù hợp để đảm nhận cương vị Chủ tịch Quốc hội; hồ sơ về ông Nguyễn Phú Trọng còn sơ sài;…

Trong báo cáo giải trình về các vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được cho biết, khi thảo luận tại các đoàn nhưng không có đại biểu nào ứng cử, giới thiệu thêm; về hồ sơ giới thiệu Chủ tịch Quốc hội như thông lệ thường chỉ gửi tới đại biểu 2 tài liệu là tóm tắt sơ yếu lý lịch, bản kê khai tài sản theo mẫu, hồ sơ đầy đủ đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị và sẽ phát cho đại biểu có yêu cầu;…

Trước những ý kiến của các đại biểu Quốc hội, theo quy định của pháp luật và dù chưa có tiền lệ nhưng ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã có những phát biểu trước Quốc hội ngay trước khi Quốc hội bỏ phiếu bầu. Trong phần phát biểu, ông Nguyễn Phú Trọng cho biết, nếu được bầu sẽ cố gắng hết sức vì đây là lĩnh vực mới, góp phần cùng các vị đại biểu và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên cả lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Ông cũng thừa nhận, do từ trước đến nay chủ yếu làm công tác lý luận, công tác Đảng chung nên về công tác pháp luật cụ thể, hoạt động của Quốc hội chưa có dịp được làm nhiều và còn thiếu hiểu biết, chưa có nhiều kinh nghiệm.

Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN PHÚ TRỌNG sinh ngày: 14-4-1944; quê quán: Xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.
- Vào Đảng ngày: 19-12-1967 (chính thức: 19-12-1968)
- Trình độ học vấn: Đại học Ngữ văn. GS. Tiến sĩ (chính trị học).
- Lý luận chính trị: Cao cấp
- Chức vụ hiện nay: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương.

Trong số 477 phiếu phát, thu về và hợp lệ trong bầu cử, ông Nguyễn Phú Trọng nhận được 417 ý kiến đồng ý (tương đương 84,58%); có 60 ý kiến không đồng ý (chiếm 12,17%). Như vậy, ông Nguyễn Phú Trọng đã chính thức trở thành Chủ tịch Quốc hội.

Phát biểu sau khi nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thừa nhận sẽ gặp không ít khó khăn do còn nhiều hạn chế cả về kiến thức và kinh nghiệm và mong muốn nhận được sự giúp đỡ tích cực của các vị đại biểu Quốc hội, sự phối hợp của các cơ quan và ủng hộ của cử tri, nhân dân cả nước.

Vị tân Chủ tịch Quốc hội cũng cam hết sẽ cố gắng hết sức, khắc phục khó khăn, kế tục xứng đáng nhiệm vụ của các đồng chí đi trước, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội để Quốc hội ngày càng xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới.

Ngay trong phiên điều hành Quốc hội sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành ủy TPHCM ứng cử chức vụ Chủ tịch nước. Dự kiến, kết quả bầu cử sẽ được công bố vào ngày hôm nay (27-6).

Theo chương trình, hôm nay, Quốc hội cũng sẽ nghe Chủ tịch nước mới giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ. Kết quả bầu Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ có kết quả trong ngày. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ mới trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị về việc miễn nhiệm một số thành viên Chính phủ.

Các ông Trần Đức Lương, Phan Văn Khải và Nguyễn Văn An chính thức thôi giữ chức vụ

Trước đó, trong phần làm việc buổi sáng hôm qua (26-6), Quốc hội đã nghe kết quả bỏ phiếu miễn nhiệm các chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ được tiến hành vào chiều 24-6. Cụ thể, đã có 461 đại biểu (chiếm 93,5%) trong tổng số 466 đại biểu bỏ phiếu đồng ý cho ông Trần Đức Lương thôi giữ chức Chủ tịch nước; 457 đại biểu (chiếm 92,69%) trong tổng số 466 đại biểu bỏ phiếu đồng ý cho ông Phan Văn Khải thôi giữ chức Thủ tướng Chính phủ. Còn đối với ông Nguyễn Văn An, có 346 (chiếm 70,18%) trong tổng số 466 đại biểu đồng ý cho ông thôi giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội và 120 đại biểu không đồng ý cho ông thôi chức vụ Chủ tịch Quốc hội.

Sau đó, Quốc hội đã tổ chức thông qua 3 nghị quyết về miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước của ông Trần Đức Lương, chức vụ Thủ tướng của ông Phan Văn Khải và chức vụ Chủ tịch Quốc hội của ông Nguyễn Văn An. Kết quả, cả 3 ông đều có tỷ lệ tán thành quá bán. Ngay sau khi được Quốc hội thông qua nghị quyết miễn nhiệm, cả ba ông Trần Đức Lương, Phan Văn Khải và Nguyễn Văn An đều có phát biểu trước Quốc hội và cử tri cả nước.

BẢO – VĂN – MY

Tin cùng chuyên mục