Từ năm học 2006-2007, ngành GD-ĐT

Không dung túng cho tiêu cực

Sáng 31-7, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2005-2006 đối với khối GD phổ thông và đề ra các nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện trong năm học mới. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, các đồng chí nguyên là Bộ trưởng Bộ GD qua các thời kỳ, đại diện Ban Khoa giáo TƯ, các thứ trưởng cùng lãnh đạo sở GD 64 tỉnh thành cả nước tham dự và phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và với bệnh thành tích trong GD”.
Không dung túng cho tiêu cực

Sáng 31-7, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2005-2006 đối với khối GD phổ thông và đề ra các nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện trong năm học mới. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, các đồng chí nguyên là Bộ trưởng Bộ GD qua các thời kỳ, đại diện Ban Khoa giáo TƯ, các thứ trưởng cùng lãnh đạo sở GD 64 tỉnh thành cả nước tham dự và phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và với bệnh thành tích trong GD”.

  • 5 vấn đề, 4 lãng phí và 3 suy thoái

Đây là lần đầu tiên kể từ sau ngày giải phóng, một hội nghị về GD tầm cỡ như vậy được tổ chức tại TPHCM. Hội nghị lần này càng có ý nghĩa hơn khi tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân chọn chủ đề cần đột phá trong năm học tới là “2 không” – không tiêu cực trong thi cử và không chạy theo bệnh thành tích – vốn bị dư luận lên án nhiều năm qua.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, có 5 vấn đề lớn đang đặt ra trước ngành GD: Thứ nhất là vấn đề tiêu cực trong thi cử. Thứ hai là bệnh thành tích đã ăn sâu trong nhận thức mọi tầng lớp. Thứ ba là vấn đề bức xúc nhất – phương pháp dạy và học chưa gắn với thực tiễn. Thứ tư – vấn đề đời sống giáo viên “chưa ổn và chưa được đảm bảo”. Và cuối cùng là vấn đề sách giáo khoa và thiết bị dạy học.

Không dung túng cho tiêu cực ảnh 1

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân (thứ hai bên trái) trao đổi với thầy Đỗ Việt Khoa - người đã dũng cảm đứng lên tố cáo tiêu cực trong thi cử tại tỉnh Hà Tây. Ảnh: MAI HẢI

 Từ những vấn đề đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân – đã nảy sinh “4 lãng phí lớn”: Lãng phí sức lực và tuổi đời học sinh, lãng phí tiền của của phụ huynh, lãng phí công sức thầy cô. Và “tội lãng phí nhất” là lãng phí cho xã hội khi chúng ta làm mất đi những con người có thể đóng góp công sức cho đất nước.

Ông Nhân nhấn mạnh: “Thu hút đầu tư ở đâu cũng giống nhau về vốn, thiết bị, thuế… chỉ khác nhau về trình độ nguồn nhân lực và chi phí lao động. Làm vậy là có tội với đất nước, làm mất đi sức cạnh tranh”. Ông ví von cách đào tạo của chúng ta như học bắn bia: “bắn mà không trúng thì ra trận chết trước dù… mình đã có chứng chỉ”. Từ “5 vấn đề”, “4 lãng phí”, kết quả tất yếu theo ông Nhân liệt kê là dẫn đến “3 suy thoái”: suy thoái về đạo đức trong học sinh, trong thầy cô và suy thoái trong xã hội.

  • Làm rõ “2 không”, tiến tới “3 không”

Tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết Bộ GD-ĐT sẽ “làm rõ “2 không” và tổ chức đấu tranh quyết liệt từ lãnh đạo bộ đến các cấp cơ sở”. Theo ông, không phải trong bức tranh GD chỗ nào cũng là “mảng tối” khi có khá nhiều địa phương như An Giang, Cà Mau… đã tổ chức học và thi cử rất nghiêm túc, tuy tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn mặt bằng chung (nhưng là tốt nghiệp thật). Đối với 2 TP lớn – Hà Nội và TPHCM – mà về cơ bản không có tiêu cực – ông đề nghị chuyển qua nấc “3 không”: Thêm không đọc – chép trong giảng dạy ở bậc trung học.

Không dung túng cho tiêu cực ảnh 2

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trả lời phỏng vấn của các nhà báo với quyết tâm không dung túng cho tiêu cực.

Ông nói: “Hà Nội đã đồng ý với mục tiêu này. Học đã có giáo trình sẵn mà đọc lại cho trò chép thì phỏng còn ý nghĩa gì. Đến ĐH – cũng cứ đọc chép thì chẳng trách người ta gọi hệ này là cấp 4 trong đào tạo. Thật đau khổ!”. Ông đã mạnh bạo định rõ lộ trình: “2 không” là nền tảng của năm học 2006-2007, tiếp đến sẽ là “3 không” trên diện rộng mà thực chất là đổi mới phương pháp dạy và học. Giáo viên sẽ phải “dạy để tự học” nhằm khuyến khích khả năng sáng tạo của họ.

Và điều này sẽ được thực hiện trước tiên trong khối sư phạm vốn được coi là “cỗ máy cái của GD”. Ông nói rằng nhiệm vụ đó “rất khó”: Ngay ở Singapore người ta cũng không thực hiện được trong khoảng thời gian ngắn và “phải học thôi. Tất cả phải đi học và tự học. Phải biết lao động sáng tạo”.

  • Chống tiêu cực… bắt đầu từ Bộ GD-ĐT

Được đích thân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân mời dự hội nghị, thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người đầu tiên “nói không” với những bê bối GD ở Hà Tây thổ lộ: “Bộ cần có cơ chế và những biện pháp cụ thể để động viên cũng như bảo vệ người phát hiện tiêu cực. Có thế mới khuyến khích mọi người dám đứng lên tố cáo”.

Tiếp lời thầy Khoa, đại biểu Trần Xuân Bình- Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng cũng cho rằng việc chống tiêu cực và trong GD là việc không đơn giản như tại địa phương ông đã xảy ra trường hợp một học sinh ôm bộc phá tới nhà thầy giáo… để xin nâng điểm. Kết cục là cả hai thầy trò cùng chết vì thầy không đáp ứng yêu cầu của trò… Rồi ông tự hỏi: “Với những việc như thế liệu có đùa được không?”. Trước câu chuyện của ông Bình, cả hội nghị như nóng hẳn lên, nhiều người nêu kiến nghị: Muốn thực hiện được cuộc vận động này, cán bộ quản lý và giáo viên phải có được sự ủng hộ từ trên.

Thể hiện quyết tâm “nói không với tiêu cực”, đại biểu Phan Văn Bé, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắc Nông dí dỏm: “Chúng tôi đón mừng chủ trương chống tiêu cực trong GD hơn cả đón mừng tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân…”. Vì theo ông Bé, cuộc vận động này là dấu nhấn của ngành GD nhưng mang lại hiệu quả to lớn cho toàn xã hội.

Ông Bé nói: “Làm người khó hơn làm quan” và giải thích: “Một ông quan chỉ cần có cái bằng trung học bổ túc, muốn lên chức mua thêm cái bằng đại học tại chức, muốn lên nữa mua thêm “cái cao cấp chính trị”, thế là… ngủ ngon… Có thể nói, ngành GD của chúng ta tiếp tay cho cả xã hội tiêu cực”.

Vậy, ai làm cho tiêu cực ngày càng phát triển? Ông Bé thẳng thắn: “Người đầu tiên làm cho tiêu cực ngày càng phát triển chính là lãnh đạo Bộ GD-ĐT, thứ hai là giáo viên, thứ ba là phụ huynh và thứ tư chính là Đảng bộ và chính quyền các địa phương”. Theo ông Bé, Bộ GD-ĐT quá biết những tiêu cực trong GD, nhưng lãnh đạo bộ… hiền quá, không dám nói, không dám chấp nhận “cái sự thật”: Tốt nghiệp trên 80% là một kết quả không nghiêm túc!

Còn có khá nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị khác nhau, song nhìn chung tất cả đều hài lòng với quan điểm mới của Bộ GD-ĐT. Và hội nghị tuy thiếu vắng những lẵng hoa chúc mừng, thiếu những tràng pháo tay “hồi lâu” ca ngợi những con số suýt soát 100% nhưng vẫn để lại dấu ấn khó quên về lòng quyết tâm bảo trọng chữ “thành” trong GD…

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân:
Chuẩn bị tinh thần tỷ lệ tốt nghiệp thấp

Có ý kiến lo lắng là làm nghiêm túc không đều, có tỉnh nghiêm túc quá, có tỉnh không. Theo tôi, các sở phải dự báo được tỷ lệ đậu sẽ tụt khoảng bao nhiêu để từ đó chuẩn bị phòng học cho hợp lý. Có thể trong năm đầu tiên số lưu ban sẽ tăng vọt. Chúng tôi đang xem xét bỏ việc khống chế tỷ lệ lưu ban 1% như hiện nay. Thi nghiêm túc mà khống chế lưu ban dưới 1% là không có ý nghĩa. Về vấn đề triển khai có đồng bộ hay không, tôi khẳng định, tỷ lệ tốt nghiệp năm 2006-2007 sẽ tụt, nhưng mà tụt đều. Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần đó. Tỷ lệ đậu tốt nghiệp thấp trong năm 2006-2007 thể hiện chúng ta quan tâm đến chất lượng hơn.

6 giải pháp thực hiện cuộc vận động
“Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”


1 -  Làm tốt công tác tuyên truyền đến toàn thể giáo viên, học sinh, phụ huynh và các tầng lớp xã hội hiểu mục đích, yêu cầu của cuộc vận động nhằm nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, thống nhất ý chí, hành động và quyết tâm thực hiện trong cơ quan quản lý giáo dục địa phương, các nhà giáo và người học trong các nhà trường và cơ sở giáo dục khác, đồng thời tạo sự đồng thuận trong xã hội.

2 - Xây dựng mô hình tổ chức thi, kiểm tra phù hợp với từng cơ sở giáo dục để đảm bảo kết quả khách quan, chính xác. Đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá học sinh và đánh giá kết quả giáo dục. Ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin để tổ chức thực hiện, quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá và thi cử chặt chẽ, khách quan, khoa học.

3 - Xây dựng hệ thống tiêu chí thi đua và xác lập cách đánh giá kết quả thi đua mang tính khoa học, khả thi, loại trừ bệnh thành tích, phù hợp với từng cấp học và từng vùng miền.

4 - Hoàn thiện cơ sở pháp lý của công tác thanh tra giáo dục và tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt với một số địa phương, các cơ sở giáo dục mà tình trạng tiêu cực trong thi cử diễn ra liên tục nhiều năm. Xử lý nghiêm, kịp thời theo quy chế mọi hành vi, biểu hiện tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong thi đua khen thưởng.

5-Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở. Lắng nghe ý kiến phản ánh từ địa phương, giải quyết nhanh, dứt điểm, nghiêm túc các vụ việc tiêu cực đã phát hiện. Bảo vệ, biểu dương các thầy cô giáo có đóng góp tích cực vào việc chống tiêu cực, bệnh thành tích.

6-Chủ động, tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội trong và ngoài nhà trường, các cơ quan báo chí nhằm triển khai có hiệu quả cuộc vận động.

NHÓM PV KHOA GIÁO

Tin cùng chuyên mục