Phản hồi từ bài báo “Dối dân - tội gì?”

Phản hồi từ bài báo “Dối dân - tội gì?”
Phản hồi từ bài báo “Dối dân - tội gì?” ảnh 1

Trước những bức xúc của người dân xung quanh việc Bộ Thương mại và các cơ quan chức năng liên tục có những quyết định tăng giá xăng dầu đột ngột, ngày 15-8-2006 Báo SGGP đã có bài theo dòng thời sự: “Dối dân - tội gì?”, PV SGGP đã ghi nhận ý kiến của người trong cuộc (đại diện Bộ Thương mại) và ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam – người đứng đầu cơ quan đại diện cho quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của người dân.

  • Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Thương mại) Hoàng Thọ Xuân:
    Tăng giá bao nhiêu, lúc nào không thể nói trước

Từ chiều 14-8, phóng viên SGGP đã tìm gặp Bộ trưởng Bộ Thương mại (TM) Trương Đình Tuyển, tuy nhiên, ông đã từ chối trả lời với lý do: Bộ Thương mại chưa bao giờ tuyên bố không tăng giá xăng dầu và vì vậy ở đây, không có chuyện lừa dối người tiêu dùng. Mặt khác, chuyện điều chỉnh giá xăng dầu là chủ trương của Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Cũng trong chiều 14-8, trong cuộc trao đổi với phóng viên SGGP qua điện thoại, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ TM) Hoàng Thọ Xuân khẳng định:

“Bộ TM chỉ có thể thông báo trước được tình hình xăng dầu thế giới đang biến động như vậy thì chuyện tăng giá là khó tránh khỏi. Còn tăng giá bao nhiêu, vào lúc nào thì không thể nói trước. Nếu chúng tôi nói giá xăng dầu sẽ tăng trong tuần tới thì tình hình sẽ hết sức lộn xộn, rối loạn thị trường, các tổng đại lý, đại lý chắc chắn sẽ đầu cơ, tích trữ, không bán hàng cho người tiêu dùng. Chính sách của nhà nước rất muốn đi trước một bước, có tính chất định hướng, tiên lượng, dọn đường... để cho xã hội, người tiêu dùng, người kinh doanh biết được trong tương lai nhà nước sẽ ban hành những chính sách gì để tự thu xếp hoạt động kinh doanh cũng như ứng xử cho phù hợp.

Nhưng những mặt hàng nhạy cảm như xăng dầu mà làm theo phương thức này thì không thể tránh khỏi tình trạng đầu cơ, tích trữ, găm hàng. Vì hoạt động kinh doanh bán lẻ của ta cơ bản là không văn minh, đa số kinh doanh theo kiểu cơ hội, tìm những kẽ hở của chính sách để trục lợi. Chừng nào, tất cả mọi người đều có ý thức chấp hành nghiêm túc pháp luật thì mọi chính sách, chủ trương sẽ được công khai, trừ những trường hợp cực kỳ nhạy cảm như quyết định đổi tiền”.

  • Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, PHẠM THẾ DUYỆT:
    Đã đề nghị phải hết sức thận trọng

- Thưa ông, với tư cách là đại diện quyền lợi chính đáng và nguyện vọng của quần chúng nhân dân, MTTQ có suy nghĩ gì trước việc Chính phủ đột ngột tăng giá xăng dầu?

- Việc tăng giá xăng dầu là vấn đề hết sức nhạy cảm, vì nó tác động đến phần lớn hoạt động sản xuất kinh doanh của đất nước. Vì vậy, từ cách đây 2-3 tháng, khi thấy tình hình giá xăng dầu thế giới lên cao và nhiều khả năng Chính phủ phải điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, MTTQ Việt Nam đã có văn bản gửi Chính phủ đề nghị phải hết sức thận trọng trong vấn đề này.

- Cụ thể văn bản đề nghị như thế nào?

- MTTQ là đại diện cho quần chúng nhân dân, nhưng đồng thời cũng có trách nhiệm trong việc tham gia giúp Chính phủ điều hành đất nước, vì vậy chúng tôi khẳng định việc tăng giá xăng dầu trong nước khi giá xăng dầu trên thế giới lên cao là việc làm bất đắc dĩ. Tuy nhiên MTTQ Việt Nam đề nghị Chính phủ lưu ý 3 vấn đề.

Thứ nhất, phải quan tâm đến việc ổn định sản xuất, không để vì tăng giá mà giảm sút năng suất lao động, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển chung của đất nước và kế hoạch phát triển năm 2006.

Thứ hai, phải có biện pháp quản lý chặt chẽ việc tăng giá theo giá xăng dầu, không để ảnh hưởng đến sản xuất của ngành công nghiệp, đến đời sống của người dân, nhất là giá than, điện. Không được để xảy ra biến động phức tạp về giá cả, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống người dân.

Thứ ba, Chính phủ cần nhanh chóng nghiên cứu vấn đề tăng lương. Trước mắt, để tránh tác động của việc tăng giá xăng dầu, đề nghị Chính phủ có hình thức phụ cấp lương (trước khi tăng lương tối thiểu vào 1-10-2006 tới) để bù đắp cho người hưởng lương không bị thiệt thòi vì tăng giá.

- Sau khi nhận được văn bản này, Chính phủ có phản hồi không, thưa ông?

- Các anh ấy cũng đã tiếp thu và phản hồi lại với MTTQ, trong đó khẳng định việc tăng giá xăng dầu là việc phải làm để bù lỗ ngân sách. Thực tế, Chính phủ cũng đã phải cân nhắc rất nhiều trước khi tăng giá xăng dầu, vì vậy sau mấy tháng trời, căn cứ giá xăng dầu trên thế giới diễn biến phức tạp, tình hình trong nước khó khăn, các anh ấy mới quyết định tăng giá. Theo tôi, việc tăng giá là việc phải làm, nhưng do đây là mặt hàng nhạy cảm nên Chính phủ phải hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ giữa lợi ích của nhà nước và lợi ích của người dân, đồng thời có biện pháp để bảo đảm không có biến động giá.

- Xin cảm ơn ông!  

ANH NHI-PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục