Làm gì để chấm dứt nạn chạy trường?

Bài 1: Nạn nhân và... “thủ phạm”

Hôm nay: Có kết luận thanh tra chạy trường ở THPT Lê Quý Đôn
Bài 1: Nạn nhân và... “thủ phạm”

“Chạy trường” từ lâu đã trở thành nỗi nhức nhối của ngành GD-ĐT, nỗi bức xúc của những thầy cô chân chính và làm xói mòn lòng tin của xã hội.

Nhưng vì sao phụ huynh học sinh (PHHS) phải vất vả, tốn tiền khi con em họ đến tuổi đi học? Những trường PHHS gửi gắm niềm tin và cố công “chạy” có thật sự là những trường tốt nhất? Làm thế nào để chấm dứt vấn nạn nhức nhối này?

  • “Chạy” bằng tiền bạc, thân thế
Bài 1: Nạn nhân và... “thủ phạm” ảnh 1
Phụ huynh học sinh nộp hồ sơ thi tuyển vào lớp 6 tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận 1) năm học 2006- 2007.

“Năm nào tôi cũng nghe râm ran chuyện chạy trường vào mỗi mùa tuyển sinh. Nhưng “bắt tận tay day tận mặt” thì chưa có.

Hành trình chạy trường kéo dài từ tháng 5 cho đến gần ngày khai giảng khiến phụ huynh bơ phờ mà nhà trường cũng mệt mỏi không kém”, ông Lê Văn Cuộc, Trưởng phòng GD-ĐT quận 11 tâm sự.

Mới đây, hội đồng xét duyệt hồ sơ ngoài tuyến đã phát hiện một hồ sơ xin học tại Trường Trần Văn Ơn có nhiều điểm khả nghi. Hội đồng đã yêu cầu phụ huynh lên làm việc trực tiếp, song có đến 3 người tự xưng là mẹ của HS. Truy đến nơi thì phụ huynh tiết lộ đã phải qua 6 người móc nối và tốn 20 triệu đồng.

 Rõ ràng, ngành GD đều nghe và thấy “chạy trường”, nhưng chưa có điều kiện truy đến cùng. Phóng viên GD các báo năm nào cũng nhận đơn thư tố cáo chạy trường, nhưng không có bằng chứng cụ thể nên đành xếp hồ sơ vào ngăn tủ.

Dư luận đồn đại trường điểm này, trường điểm kia có giá lên đến hơn chục triệu đồng một chỗ học làm nhói lòng cả những người không làm GD. Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh cũng thừa nhận có nghe dư luận nói về chạy trường có tiền bạc, nhưng khi đi thanh tra thì không có bằng chứng cụ thể.

 Đường dây chạy trường ở Trường Lê Quý Đôn gây chấn động dư luận dù đang trong quá trình điều tra. Chấn động nhưng mới chỉ là phần nổi của sự kiện.

Vì chạy trường, ngoài sức mạnh của đồng tiền còn là sức nặng từ những lá thư tay để giải quyết cho những mối quan hệ. Những lá thư tay qua trung gian với những mối quan hệ chồng chéo, đan xen đôi khi bị lợi dụng để trục lợi.

  • Nhà trường và phụ huynh đều khổ

Vì sao năm nào “chạy trường” cũng đến hẹn lại lên? Vì sao PHHS không tiếc công, tiếc của chạy trường cho con? Nhiều chuyên gia GD phân tích nguyên nhân: “Chất lượng GD và cơ sở vật chất giữa các trường không đồng đều là nguyên nhân chính phát sinh chạy trường”.

PH các quận ven đổ dồn vào các trường ở khu vực trung tâm không chỉ gây ách tắc giao thông mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe các em khi đường từ nhà đến trường quá xa.

Chưa kể, sau khi học xong tiểu học, PHHS không đồng ý sự phân tuyến của phòng GD vào trường cấp 2 lại phải chạy tiếp trường khác hoặc là chạy ngược về quận nhà.

Những giọt nước mắt trễ tràng của PHHS Trường TH Nguyễn Thái Sơn không thay đổi được tình thế khi Phòng GD quận 3 cực chẳng đã phải phân tuyến cho HS có gốc quận Bình Thạnh qua học Trường THCS Bạch Đằng. Nghĩa là PHHS phải đi một đường vòng khá xa đến tận đường Lê Văn Sỹ.

Hay trường hợp của cháu anh Văn Thanh, nhà quận 4 nhưng tìm mọi cách chạy sang quận 1, để rồi đến khi học THCS, cha mẹ phải chạy vạy năn nỉ xin cho con trở về quận 4.

Bài 1: Nạn nhân và... “thủ phạm” ảnh 2
Học sinh Trường THPT bán công Lương Thế Vinh, quận 1, thực hành môn lý trong phòng thí nghiệm.

Hai năm nay, tình hình tuyển sinh đầu cấp ở các trường có tiếng của TPHCM lại càng căng hơn trước, đặc biệt là ở tuyển sinh lớp 6 khi đầu vào các trường lấy bằng nhau, không có sự ưu tiên lấy điểm cao dành cho một số trường như trước kia.

Các trường THCS Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Colette, Hồng Bàng, Nguyễn Gia Thiều... chỉ dư vài chục chỉ tiêu, nhưng danh sách xin duyệt ngoài tuyến nhiều hơn gấp 10 lần.

 Ông Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, than: Trường tổ chức thi tuyển hẳn hoi, nhưng có đến hơn trăm hồ sơ thiếu điểm xin học. Áp lực tuyển sinh năm sau cao hơn năm trước.

Trường THCS Trần Văn Ơn ngày đầu tiên phát hồ sơ ngoài tuyến đã bán sạch hơn 1.000 hồ sơ và phải in thêm 500 hồ sơ, trong khi khả năng của trường chỉ có thể giải quyết cho 50 trường hợp.

Sự tin yêu cuồng nhiệt của PHHS làm các trường gặp rất nhiều khó khăn: phải từ bỏ giấc mơ “đạt chuẩn quốc gia”, giảm số lớp bán trú, lớp 2 buổi xuống…

Theo thống kê, quận 1, 3, 5 phải gồng mình gánh HS ngoài tuyến từ 30% – 40%. Hầu như 3 quận này không có quỹ đất để xây dựng thêm trường mới, dẫn đến sĩ số ở các trường quá tải so với chuẩn quy định (hơn 50 HS/lớp).

Giáo viên cũng không có thời gian chăm lo cho HS chu đáo. Về phía PHHS, nhiều trường hợp chủ quan chỉ nộp một bộ hồ sơ trái tuyến nên khi con em bị lọt khỏi danh sách thì “chết đứng giữa sân trường”.

Với những trường hợp này, bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, xót xa: Đường về trường đúng tuyến không rộng mở vì trên nguyên tắc, quá thời hạn nộp đơn thì trường đã tuyển bổ sung HS khác. Do vậy, nhiều bậc cha mẹ phải ngậm ngùi và chắt bóp cho con học trường tư thục.

Hôm nay: Có kết luận thanh tra chạy trường ở THPT Lê Quý Đôn
(SGGP).– Chiều 30-8, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hoài Chương cho biết: Đoàn thanh tra về việc tố cáo tiêu cực tại Trường THPT Lê Quý Đôn đã khẩn trương xác minh vụ việc, rà soát việc tuyển sinh của trường trong nhiều năm qua và cơ bản đã hoàn thành thanh tra. Đoàn sẽ kết hợp với kết luận thanh tra của Công an TP (PA 25) để làm báo cáo trình Giám đốc Sở GD-ĐT. Chiều nay 31-8, Giám đốc Sở GD-ĐT sẽ có kết luận chính thức việc phụ huynh tố cáo giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn “chạy trường”.
D.D.

HỒNG LIÊN

Tin cùng chuyên mục