Quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam

Thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ

Thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ

Cùng với việc phát triển của Internet và công nghệ thông tin (CNTT), lĩnh vực quảng cáo trên các trang thông tin điện tử đang trở nên hết sức sôi động ở Việt Nam trong thời gian qua...

  • Thị trường lớn, nhưng còn mới mẻ

Ước tính mỗi ngày có hàng ngàn website ra đời và 15 tỷ lượt người truy cập Internet.

Theo các công ty nghiên cứu thị trường, doanh thu quảng cáo trên Internet toàn thế giới đã tăng trưởng khoảng 25% trong năm 2005, và sẽ tăng với tốc độ này trong vài năm tới.

Google và Yahoo là những trang thông tin có đông người truy cập nhất nên họ được hưởng lợi lớn nhất từ việc quảng cáo trực tuyến (QCTT). Google vừa thông báo đạt lợi nhuận ròng 369 triệu USD trong quý 1-2006 với mức doanh thu 1,3 tỷ USD, tăng 93% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận quý 1-2006 của Yahoo cũng tăng gấp đôi - đạt 205 triệu USD, với doanh thu 1,2 tỷ USD!

Thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ ảnh 1
Xem quảng cáo trên báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử.

Tại Việt Nam, QCTT hiện nay vẫn được xem là khá mới mẻ. Lý do: số người sử dụng Internet ở Việt Nam hiện tính trên đầu người còn thấp (trung bình 100 người mới có 15,53 người sử dụng Internet); mặt khác, cả người quảng cáo lẫn người mua quảng cáo còn chưa quan tâm nhiều tới QCTT.

Hiện nay, các hình thức QCTT đang phát triển khá nhanh, chủ yếu vẫn là thông qua đặt banner, logo trên các trang tin có lượng truy cập lớn.

Bên cạnh đó, xuất hiện hình thức quảng cáo gửi thư trực tiếp vào e-mail cho khách hàng.

Ưu điểm của hình thức này là nhanh, rẻ tiền. Tuy nhiên, doanh thu ở lĩnh vực này đã tăng trưởng đáng kể trong những năm qua, dự kiến năm 2006 sẽ lên tới 64 tỉ đồng, tăng 34 tỉ đồng so với năm 2005.

  • Khi các doanh nghiệp bắt tay với nhau

Bài toán lớn đối với các website thông tin trực tuyến hiện nay là làm sao thu hút được nhiều người mua quảng cáo cũng như tạo độ hấp dẫn đối với người truy cập để “đôi bên cùng có lợi”.

Từ trước đến nay, các báo điện tử đa phần ra sau và song song với hệ thống báo giấy, phong cách giống hệt báo giấy từ thiết kế đến chuyên mục bài vở cũng như cách tiếp cận quảng cáo.

Hầu như báo nào khi chào mời doanh nghiệp cũng có nội dung tương tự: Số lượng người truy cập, bảng báo giá, các thông tin khuyến mại… Nói cách khác đây là một cách làm “tự cung tự cấp”, khó mong có sự thay đổi hay đột phá theo chiều hướng tích cực.

Mới đây, Báo điện tử Vietnamnet, tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam hiện nay nhượng quyền cho Công ty cổ phần Dịch vụ Quảng cáo trực tuyến (CPDVQCTT) làm đại lý độc quyền khai thác quảng cáo khiến nhiều người ngạc nhiên vì với lợi thế hiện nay, Vietnamnet dễ thu lợi nhuận từ quảng cáo.

Trả lời về điều này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch, Tổng biên tập Vietnamnet - cho biết: Đây là chiến lược lâu dài của chúng tôi nhằm chuyển mảng quảng cáo cho một công ty chuyên nghiệp khai thác. Công ty CPDVQCTT có lợi thế là một công ty chuyên về QCTT ở Việt Nam.

Điều này cũng giảm thiểu nhân sự và chi phí đáng kể cho bộ máy của Vietnamnet, nâng cao tính hiệu quả của tờ báo… Theo nhiều người, đây là quyết định khá mạo hiểm đối với Công ty CPDVQCTT, khi doanh thu QCTT hiện nay còn rất khiêm nhường.

Tuy nhiên, nhiều người còn chưa biết rằng CPDVQCTT sở hữu các website hiện có số người truy cập rất lớn hiện nay như: 24H.com.vn, xem.com.vn,…

Ông Phan Minh Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CPDVQCTT, cho biết: Nhìn sang các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… sẽ thấy xu hướng phát triển QCTT là tất yếu với nguồn lợi nhuận khổng lồ. Chúng tôi kết hợp với Vietnamnet bởi đây là website hàng đầu Việt Nam với cơ sở hạ tầng truyền thông mạnh, sử dụng Internet băng thông rộng và tin tưởng rằng những ý tưởng và công nghệ mới của mình sẽ được triển khai tốt, đem lại lợi ích lớn cho khách hàng…

Theo bà Dương Thu Hương – Giám đốc đối ngoại Quỹ đầu tư IDG: Đây cũng là thời điểm thích hợp để QCTT ở Việt Nam phát triển, cùng với đòn bẩy ADSL, cước sử dụng Internet đã giảm mạnh, các tiện ích của Internet phong phú hơn và thị trường máy tính liên tục tăng trưởng.

Một đất nước có hơn 80 triệu dân và liên tục tăng trưởng GDP với mức bình quân 7,5%/năm, là những con số đầy tiềm năng về kinh doanh.

Với tốc độ phát triển CNTT  nhanh như hiện nay, thì QCTT ở Việt Nam là thị trường mà các doanh nghiệp càng không thể bỏ qua. Một thị trường còn non trẻ, nhưng rất nhiều tiềm năng…

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục