Liên hoan Câu lạc bộ ca trù toàn quốc 2007: Hội tụ những ca nương, kép đàn một thuở

Liên hoan Câu lạc bộ ca trù toàn quốc 2007: Hội tụ những ca nương, kép đàn một thuở

Liên hoan Câu lạc bộ ca trù toàn quốc năm 2007 đã kết thúc tối 19-10 tại Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Hải Dương, với 15 huy chương vàng, 18 huy chương bạc được trao tặng cho các ca nương, nhạc công xuất sắc nhất.

Liên hoan Câu lạc bộ ca trù toàn quốc 2007: Hội tụ những ca nương, kép đàn một thuở ảnh 1

Hai ngày diễn ra liên hoan (18 và 19-10), với các tiết mục đặc sắc được trình bày bởi gần 200 ca nương, nhạc công tài danh đến từ 18 CLB của 13 tỉnh, thành phố cả 3 miền Bắc-Trung-Nam, đã cho thấy nghệ thuật hát ca trù đang ngày một phát triển. Xuất hiện và thu hút khán giả trong liên hoan ngoài tài đàn, hát của nghệ nhân có tuổi như Nguyễn Phú Đẹ, 85 tuổi (Hải Dương), Nguyễn Thị Kim, 86 tuổi (Thanh Hóa), Vũ Văn Hồng, 88 tuổi (Hà Nội), Thanh Vân, 80 tuổi (TP Hồ Chí Minh)… là những gương mặt còn rất trẻ như: Đoàn Thị Chinh (Hải Dương), Nguyễn Quỳnh Phương (Hà Nội), Trịnh Thị Ngát (Hải Phòng)…

Đến từ nơi xa nhất, nghệ nhân Thanh Vân (ảnh) - “thí sinh” duy nhất của TP Hồ Chí Minh vui mừng nói với chúng tôi rằng, bà như trẻ lại (dù tuổi đã 80), bởi có thể đây là cơ hội duy nhất và cuối cùng để bà được biểu diễn trước đông đảo khán giả, cũng như “đua tài” cùng chị, cùng em vốn nghệ thuật độc đáo mà suốt cuộc đời bà đam mê.

Nghệ nhân Thanh Vân vốn là đào nương nổi tiếng trước năm 1945 của đất Khâm Thiên (Hà Nội). Đến nay, dù lập nghiệp và sinh sống tại thành phố nhộn nhịp, hiện đại nhưng bà vẫn gìn giữ và phát huy vốn nghệ thuật độc đáo này bằng cách truyền dạy cho rất nhiều thế hệ yêu ca trù của TP Hồ Chí Minh. Nghệ nhân Thanh Vân bộc bạch rằng, bà rất có niềm tin vào tương lai của ca trù, bởi chính những gương mặt trẻ tham gia tại liên hoan này đã biết tiếp nối một cách bài bản nhất những tinh hoa của nghệ thuật ca trù truyền thống.

Điều ghi nhận qua thành công của Liên hoan Câu lạc bộ ca trù toàn quốc 2007 là đây không chỉ là cuộc thi “đàn, hát” của các đào kép thông qua một chương trình ca hát bắt buộc như: hát lời cổ, đủ khổ và hát bài tự chọn (lời mới hoặc lời cổ), mà còn là cơ hội cho nghệ sĩ ở các vùng, miền trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, dịp để lựa chọn, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ trẻ tiếp tục gìn giữ, bảo tồn phát huy vốn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. 

HÀ CHÂU

Tin cùng chuyên mục