Aliénor Anisensel đi tìm ca trù phương Nam

Aliénor Anisensel đi tìm ca trù phương Nam

Lần thứ hai trở lại TPHCM tiếp tục cuộc hành trình đi tìm ca trù Việt Nam: từ chiếc nôi làng Lỗ Khê, Hà Nội đến các “nhánh” ca trù phương Nam, cô gái Paris thanh mảnh Aliénor Anisensel đang cố gắng thu thập tư liệu cuối cùng, chuẩn bị cho luận án tiến sĩ của cô sắp được bảo vệ.

Aliénor Anisensel đi tìm ca trù phương Nam ảnh 1

Aliénor Anisensel (áo trắng) đang gõ phách hát ca trù tại phòng lưu niệm nhà nhiếp ảnh Phạm Văn Mùi tại TPHCM.

Nói tiếng Việt rành mạch hơn lần đầu tiên, Aliénor Anisensel thật tự tin trong buổi biểu diễn ca trù cùng nhóm CLB Ca trù và hát thơ Lạc Việt tại gian phòng lưu niệm nhà nhiếp ảnh Phạm Văn Mùi.

Khách đến thưởng thức ca trù lần này ngoài bạn bè cố cựu thân thiết của đôi vợ chồng chủ nhà, TS Nguyễn Nhã - dược sĩ Phạm Vân Loan, còn có GS-TS Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân, nhạc sĩ Phạm Duy, Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, NSƯT Hoàng Hải… Đặc biệt, cụ Đỗ Văn Xoang năm nay 86 tuổi và cụ Phạm Công Huyền, 95 tuổi vẫn nhiệt tình tìm lại không gian của “chút hương xưa”.

Aliénor cho biết hơn một năm qua, cô tiếp tục “tầm sư học đạo” và tập luyện cách đánh đàn, đánh trống, tập hát các làn điệu ca trù ở một số giáo phường miền Bắc. “Nhưng, em đàn cũng chưa hay đâu”- Aliénor khiêm tốn tâm sự, cô chỉ mong được hát “trình làng” bài ca trù Lỗ Khê Gửi thư con sinh ra và đánh trống cho nghệ sĩ Bích Ngọc hát bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết.

“Nghe Aliénor hát và đánh trống chưa phải thuần thục, nhưng theo tôi, điều xúc động và thật hay chính là tấm lòng và nghị lực kỳ lạ của cô gái Pháp ấy đối với âm nhạc cổ của Việt Nam” - chị Kim Liên, một khán giả bày tỏ nhận xét tại buổi ca trù. Nghệ sĩ Diễm Phúc (học trò của nghệ nhân hát cửa đình Hồng Thái) và nghệ sĩ Thục An hôm nay khá nồng nhiệt biểu diễn tiếp nối các bài hát nói xưa và hát nói nay của Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Nhã qua tiếng đàn đáy quen thuộc của Nhị Hùng và tiếng trống của Tô Long.

Khác với những buổi biểu diễn ca trù trước đây, không phải ai cũng lặng đi trong không khí thính phòng của ca trù. Không khí có vẻ sôi động khi có hai ý kiến mô tả cách thức diễn xướng: “đào nương phải ngồi trên phản hay ngồi dưới chiếu để biểu diễn…”. Tâm đắc với phần đánh trống, cụ Đỗ Văn Xoang nhắc lại kỷ niệm từ thời thơ ấu, lúc gia đình còn ở làng Cổ Lễ (Nam Định), ông đã học đánh trống và nghe hát ca trù ngay trong những buổi lễ giỗ của gia đình.

Khi ca trù lưu chuyển vào phương Nam vào những năm 40, 50, chắc chắn đã có phần thay đổi đôi chút! Đó cũng là thời kỳ ở Sài Gòn, nói đến ca trù, người ta sẽ hình dung đến các cô đào Như Tuyết, Kim Dung, Huệ Đăng, Bích Câu hay “bốn chàng tài tử” đàn hay: Hai Xe, Ba Pháo, Tư Mã, Năm Chốt. Cụ Đỗ Văn Xoang nhắc lại cách đánh trống “xưng danh” khi đến quán cô đào và điểm trống “bình luận hay, dở” thật chính xác của người thưởng thức sành điệu.

Riêng cụ Phạm Công Huyền nhắc thuở tài tử đã qua. Thuở ấy, cụ còn khá trẻ nhưng đã thả thuyền trôi trên sông Đà để nghe tiếng hát, tiếng đàn, tiếng phách… Ca trù là một phần tâm hồn của dân tộc. Chính vì vậy mà đi đến chân trời nào, cụ cũng nhớ quay quắt để chỉ mong ngày trở lại sống ở quê nhà, được nghe lại những làn điệu ca trù…

Ca trù có được thế hệ trẻ ngày nay tiếp nhận? Nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng đó là điều thật khó dù ông đã thử vận dụng trong sáng tác của mình. GS-TS Trần Văn Khê lạc quan hơn khi kể lại những hiệu quả đáng mừng từ những chuyến đi “truyền đạo âm nhạc” của ông ở Hawaii, Bình Dương, An Giang… Kết quả luôn làm ông bất ngờ khi được nghe khán giả bày tỏ lòng cảm ơn vị giáo sư âm nhạc đã làm sống dậy trong tâm thức sâu xa của họ về các giai điệu, làn điệu tuyệt vời của âm nhạc truyền thống dân tộc. Hiệu quả đó là lòng biết trân trọng âm nhạc dân tộc và vận dụng nó vào thực tế cuộc sống đương đại.

Theo GS-TS Trần Văn Khê, điều ấy càng có một ý nghĩa cảm kích rất lớn của mọi người tại căn phòng nhỏ về hình ảnh một “cô đầm trẻ” đang nghiên cứu và hát ca trù Việt Nam. Và, một lần nữa, bày tỏ sự cảm kích này, nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân đã viết bài hát nói tặng Aliénor (do nghệ sĩ Bích Ngọc trình bày): “Mừng cô tiến sĩ tương lai; Ca trù: Hỏi có đề tài nào hơn? Lời ca, nhịp phách cung đờn, Quyện vào thơ đó tâm hồn Việt Nam…”.

Yên Ngọc

Tin cùng chuyên mục