Tiễn biệt anh Nguyễn Thắng Vu

Tiễn biệt anh Nguyễn Thắng Vu

Sáng hôm qua, mới vừa mở mắt, tôi đã nhận được tin nhắn của Hường Lý, biên tập viên Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng báo tin anh Nguyễn Thắng Vu mất.

Tin nhắn khiến tôi sững sờ mấy phút. Anh Vu lâm bạo bệnh cả năm nay, cách đây một tháng tôi ghé nhà thăm anh thấy sức khỏe anh đã yếu lắm nên tin anh qua đời không làm tôi bất ngờ. Nhưng tôi không ngăn được cảm giác buồn bã và mất mát.

Giám đốc Nguyễn Thắng Vu và trẻ em - đối tượng trọn đời phục vụ của ông.

Giám đốc Nguyễn Thắng Vu và trẻ em - đối tượng trọn đời phục vụ của ông.

Anh Nguyễn Thắng Vu, nguyên là Giám đốc NXB Kim Đồng (1988 - 2002), được xem là “người anh cả” trong làng xuất bản thời kỳ đổi mới. Khi nhắc đến anh, nhiều người vẫn nhắc đến cú đột phá ngoạn mục với bộ truyện tranh Doremon, mở ra một thời kỳ hoàng kim không chỉ với NXB Kim Đồng mà còn với các nhà xuất bản khác. Điều đáng quý là anh đã dùng tiền lãi của bộ truyện tranh này để lập ra Quỹ học bổng Doremon, nuôi 100 bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây hàng chục trường học và thư viện lớn nhỏ cho các xã vùng sâu vùng xa. Trong lĩnh vực xuất bản, anh đã “lấy truyện tranh nuôi truyện chữ” bằng cách mạnh dạn cho ra đời các tủ sách tuy khó bán nhưng cần thiết cho bạn đọc: Tủ sách vàng, tủ sách Truyện ngắn hay thế kỷ XX, tủ sách Thơ, tủ sách Mỹ thuật...

Chỉ những người yêu quý bạn đọc của mình đến mức nào mới có thể hành xử việc kinh doanh dưới tiêu chí văn hóa như vậy. Nguyên Giám đốc NXB Trẻ Lê Hoàng, cũng là một tên tuổi lớn của ngành xuất bản, dành những lời thật trân trọng khi nói về anh Vu: “Tôi kính trọng anh Vu vì cái tâm với sách thiếu nhi. Ngành xuất bản VN thật may mắn vì có một người như anh và tôi nghĩ sẽ rất lâu nữa mới lại có được một “anh hùng xuất bản” thầm lặng mà cao cả như thế”.

Khi anh Vu nằm bệnh, anh em ở NXB Kim Đồng, các anh ở Trung ương Đoàn, cả nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Quang Lập và tôi đều mong muốn anh nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, điều hoàn toàn xứng đáng với sự đóng góp to lớn của anh cho ngành xuất bản và cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam, nhưng không ai thuyết phục anh được. “Anh hùng gì mình!”, anh mỉm cười, từ chối rất nhẹ nhàng. Đó là tính cách của anh, và một lần nữa lại thấy anh Lê Hoàng nói đúng: “Một anh hùng xuất bản thầm lặng, cao cả”!

Tôi gắn bó với anh Nguyễn Thắng Vu bằng nhiều kỷ niệm, nhưng kỷ niệm đẹp nhất và đáng nhớ nhất là lúc hai anh em cùng hợp tác làm bộ truyện thiếu nhi Kính vạn hoa. Không chỉ tôi, họa sĩ Đỗ Hoàng Tường mà ngay cả anh cũng chăm chút cho bộ truyện này đến từng chi tiết, kể cả lúc cùng nhau vất vả vượt qua những sóng gió bất ngờ.

Tôi có thể khẳng định, nếu không có một ông giám đốc năng động, táo bạo, biết động viên, truyền lửa cho tác giả, lại rất mực yêu nghề và luôn nghĩ đến các độc giả nhỏ tuổi như anh Nguyễn Thắng Vu, tôi đã không có cảm hứng để viết bộ truyện Kính vạn hoa, hoặc nếu viết cũng chưa chắc đã kéo dài đến 54 tập như hiện nay.

Gần một tháng trước ngày anh mất, tôi cùng Giám đốc NXB Trẻ Nguyễn Minh Nhựt đến thăm anh. Suốt buổi hôm đó, dù rất mệt anh cứ say sưa nói chuyện, chỉ nói về chuyện sách, chuyện xuất bản, còn động viên tôi nên tiếp tục viết tiếp bộ Kính vạn hoa cho đến con số mà ngày nào hai anh em cùng mơ ước.

Hôm nay, chỉ còn một tuần nữa NXB Kim Đồng sẽ ra mắt một nhà sách lớn ở TPHCM, nhân dịp đó sẽ tổ chức giao lưu với các em nhân kỷ niệm 15 năm ngày bộ truyện Kính vạn hoa ra đời. Tôi nghĩ nghe tin đó, chắc anh vui lắm.

Vậy mà cuối cùng anh đã không đợi được, dù chỉ vài ngày ngắn ngủi nữa thôi. Tôi viết bài này như một nén nhang đốt cho anh và để hứa với anh rằng tôi vẫn sẽ viết tiếp bộ truyện Kính vạn hoa, dù không có anh bên cạnh...

Nguyễn Nhật Ánh

Tin cùng chuyên mục