Hoan hô chị Nghĩa về rừng!

Hoan hô chị Nghĩa về rừng!

Chị Nghĩa là mật danh của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ mà tổ chức Cách mạng đã đặt để giải thoát ông, khi ông bị bọn ngụy quyền Sài Gòn cầm tù ở Phú Yên. Thời gian này, ông còn có bí danh “ông Hòa Bình” là do năm 1954 ông tham gia phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhưng mọi người thường gọi ông bằng cái tên thân mật: anh Ba Thọ, ông Ba Thọ.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tham gia cách mạng năm 1947, đã cùng nhiều trí thức yêu nước có tên tuổi khác ở Sài Gòn ký tên vào bản tuyên bố chung đòi Chính phủ Pháp phải thương lượng với Chính phủ ta để chấm dứt chiến tranh xâm lược. Năm 1948, ông tham gia Mặt trận Liên Việt. Tháng 10 năm 1949, ông được bí mật kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Năm 1950, Mỹ đưa tàu chiến vào Cảng Sài Gòn giúp bọn xâm lược Pháp, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được giao nhiệm vụ triệu tập một cuộc mít tinh các giới ở Trường Tôn Thọ Tường, và ở đó đã phát triển thành một cuộc biểu tình gồm cả triệu người đòi đế quốc Mỹ phải rút tàu chiến cút khỏi Cảng Sài Gòn.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với các anh hùng Quân giải phóng miền Nam 1969.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với các anh hùng Quân giải phóng miền Nam 1969.

Tháng 6 năm 1950, Pháp đã bắt ông đưa đi quản thúc ở vùng rừng núi Lai Châu. Do sự can thiệp của các nhà trí thức lớn và Đoàn Luật sư Sài Gòn, Pháp phải trả tự do cho ông. Năm 1954, do ông tham gia phong trào bảo vệ hòa bình, tháng 11 năm ấy, Ngô Đình Diệm bắt giam ông, sau đó chúng đưa ông đi quản thúc ở Phú Yên.

Các nơi giặc cầm tù quản thúc Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, ông đều được nhân dân đùm bọc, che chở. Các tổ chức Cách mạng đã ba lần tìm cách giải thoát ông. Hai lần giải thoát bị thất bại, những người tham gia bị địch bắt bớ, cầm tù tra tấn hết sức dã man, nhưng tất cả đều kiên cường chịu đựng không khai ra chủ trương giải thoát. Nhờ giữ được bí mật nên lần giải thoát thứ ba đã thành công. Ông về căn cứ địa cách mạng và làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Đất nước được hoàn toàn giải phóng, ông ra Hà Nội giữ nhiều chức vụ quan trọng khác nhau: Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Quốc hội, quyền Chủ tịch nước. Trong khi giữ nhiều cương vị của nhà nước, ông còn làm Chủ nhiệm Báo Đại Đoàn Kết, mà tôi là phóng viên của báo này.

Trải hơn ba mươi năm ông mới được trở lại thăm những nơi giặc đã giam cầm quản thúc ông ở Lai Châu và Phú Yên. Tôi được theo ông về Phú Yên và viết lại những ngày ông bị giam giữ, quản thúc ở Phú Yên.

Sau đây là đoạn nói về diễn biến của cuộc giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lần thứ ba.

Việc tìm mọi mưu kế và phương án nào để giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lần thứ ba, Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên nát óc suy nghĩ. Các đồng chí đảng viên ở Thị ủy Tuy Hòa, ở các đơn vị bộ đội, công an, đặc công, trinh sát và các cơ sở bí mật… không quản ngại khó khăn gian khổ, dù có phải hy sinh đến tính mạng cũng cam lòng. Bởi vì họ nhận thức được rằng, việc “đón chị Nghĩa về rừng là kế hoạch của Bộ Chính trị, của Bác Hồ và nguyện vọng của nhân dân cần đến một ngọn cờ của Mặt trận để đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân miền Nam cho một mục đích sống còn, cao cả: giải phóng miền Nam, đưa lại nền độc lập, thống nhất đất nước.

Nhiệm vụ này kéo dài mấy tháng trời, người có trách nhiệm trong “kế hoạch chị Nghĩa” mất ăn, mất ngủ như thế nào thì bà giáo Sáu(1) không biết. Bà chỉ biết trước lúc ông Hòa Bình trốn lên xanh có đến chào thăm bà.

Về sau này bà kể: “Ông Ba Hòa Bình là người học cao, hiểu rộng, có đạo đức hơn người. Biết tôi có con gái tập kết ra Bắc để đứa cháu gái lại cho tôi nuôi, ông thương cháu Thảo như con, bởi vì cháu thiếu tình thương của mẹ. Mỗi lần con gái ổng ở Sài Gòn ra thăm, ổng thường dắt cháu đến đây chơi với con Thảo. Hai đứa trạc tuổi nhau, thương nhau lắm. Cảnh tôi xa con, cảnh ông cũng lưu đày biệt xứ, cũng xa vợ xa con, tôi hơn ông bốn tuổi, coi ổng như em, có chuyện gì buồn khổ cũng đem kể ổng nghe.

Ổng an ủi bà cháu tôi nhiều lắm. Tôi bán hàng xén, đắp đổi qua ngày. Ổng thường đến quán tôi, mua ly rượu thuốc, ngồi uống nhâm nhi cho có cớ che mắt bọn mật thám để nói chuyện. Ổng hỏi tôi đủ thứ chuyện nhưng việc ổng quan tâm nhiều nhất là đời sống của đồng bào. Tôi kể ổng nghe chuyện bọn lính tráng quan quyền gian ác, bức hại làm nhân dân đau khổ, chết chóc, tan cửa nát nhà ra sao. Ổng ngồi nghe chăm chú, có khi thấy ổng thở dài, rưng rưng nước mắt. Tôi nghĩ bụng, ông này mà thoát được cảnh lưu đày, ra giúp nước thì chắc dân được nhờ lắm. Mới nghĩ vậy, ai dè đến một ngày ổng trốn thiệt.

Hôm đó ổng ra thăm bà cháu tôi. Thấy nét mặt ông lo lo, buồn buồn, tôi đoán chắc ông này đang tính chuyện đại sự gì đây. Ổng hỏi thăm tin tức con Xuân tôi, hỏi chuyện học hành của bé Thảo. Nói vòng vo tam quốc một thôi một hồi, bỗng ông hỏi tôi: “Nghe nói ở đây có cái mả bà Tàu Dũ Ký to lắm phải không?”. Tôi hỏi: “Vậy ông tính đi sao?”.

Ông cười không nói chi hết, nhưng tôi vẫn nói cho ông biết chỗ mả Dũ Ký, đường đi tới đó. Tôi nghĩ thầm: “Mấy hôm rồi thấy ông cứ đạp cái xe loanh quanh trong thị xã, có khi còn đạp xa ra ngoại ô rồi đạp về. Bọn mật vụ mới đầu cũng đạp xe theo ông. Nhưng ông cứ đạp xe hoài, hôm thì buổi sáng, hôm thì chiều, có khi sắp tối còn thấy ông lòng vòng xe đạp ngoài đường. Hai thằng mật vụ thường theo dõi ổng, nó ngồi uống rượu trước quán tôi, thì thầm với nhau: “Cha này muốn chiếm giải cua-rơ đờ Lanh-đô-Sin(2) hay sao mà chiều nào, sáng nào cũng lòng vòng xe đạp”. Thằng kia chửi thề: “Đ.M khó hiểu mấy cha trí thức Việt cộng lắm.

Ổng đạp xe chống bịnh táo bón đó mà. Kệ ổng!” Thiệt cách mạng khôn hết chỗ nói, sau này tôi mới biết sở dĩ ông đạp xe miết mấy tuần là để mật thám nó quen mắt, nó không ngạc nhiên chi chuyện ổng đạp xe. Rồi đến ngày trốn, ông trốn đi khỏi Tuy Hòa bằng xe đạp. Buổi sáng trước khi lên rừng ổng ra quán tôi, xách theo một chục cam đặt lên bàn biếu tôi. Tôi hỏi thật lòng: “Ông tính đi hôm nay à?”. Ông vẫn không nói gì, vẻ mặt buồn buồn, chúc tôi và cháu Thảo mạnh khỏe. Lòng tôi cảm thấy lo và xúc động bởi vì biết rằng ổng rất tin tôi, mới đến vin cớ biếu cam để chào từ biệt tôi. Tuy ông không nói gì nhưng qua ánh mắt ổng tôi hiểu hết và tôi thương ổng. Không biết ổng có thoát được không hay lại quay về cảnh bị tù tội, tra tấn, mất mạng… Nghĩ đến đó nước mắt tôi trào ra, nhưng tôi giấu ổng.

Ổng rời quán tôi buổi sáng, thì buổi chiều tối tôi sắm một mâm xôi chè, chuối, bông vạn thọ đặt ra giữa trời mà khấn: “Lạy trời đất, Phật tổ thánh thần. Lạy các oan hồn liệt sĩ phù hộ cho ông em tôi là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, tự là ông Ba Hòa Bình, tai qua nạn khỏi, tránh được hòn tên mũi đạn, thoát tay bầy quỷ dữ, an toàn mạnh khỏe trên con đường về với cách mạng đặng cứu giúp nhân dân…”.

Đêm hôm đó tôi không chợp mắt, nằm lắng nghe xem súng nó bắn ở đâu. Nửa đêm tôi nghe xe giặc nó chạy rần rần, tụi lính la ó chộn rộn, vây ráp hò hét gì dữ lắm bên Vĩnh Đông Á, nơi ông Ba ở trọ. Sáng hôm sau nghe ca-nông nó bắn ầm ầm lên sân bay Đông Tác, dội vang trên Chóp Chài. Lòng tôi áy náy không yên, tôi vội lấy bó nhang, cái hộp quẹt, đi về hướng nghĩa địa, cái nơi đêm đêm giặc vẫn đem người đến thủ tiêu, xem giặc có bày mưu gì hãm hại ổng không. Tôi vừa tới nơi thì gặp dì Lan từ nghĩa địa xăm xở đi ra.

Dì nói: “Tui tìm hết rồi, đêm qua tụi nó không giết được ai. Trong đó không có xác nào hết. Chỗ đất mới chôn cũng không có”. Rồi dì nói nhỏ: “Cô giáo biết không? Đêm qua giải phóng về rước ông Hòa Bình lên núi rồi. Ông thoát rồi… Mô Phật…”. Dì Lan nói đến đó, miệng dì thì cười mà mắt dì khóc, làm tôi cũng khóc theo. Tôi thắp cả bó nhang bước vào nghĩa địa gặp mộ nào cũng cắm cho hết bó hương để cảm ơn các oan hồn liệt sĩ đã phò hộ ông Ba thoát khỏi tay giặc…

Lúc đó Khu ủy Khu 5 đóng ở gần Trà Bồng - anh Huỳnh Trúc(3) kể - Chúng tôi đã được báo cáo bằng một điện rằng “Chiều tối ngày 30 tháng 1 năm 1961, anh Lễ sẽ đón chị Nghĩa đúng theo kế hoạch”. Theo kế hoạch là: “Chị Nghĩa sẽ đạp xe ra mả bà Dũ Ký. Một đơn vị do anh Thanh đặc công chỉ huy sẽ đón ở chân núi Chóp Chài, vượt qua đồng Màng Màng, hướng lên Thọ Vức, Hòa Quang”. Anh Mười Lầu chỉ huy đơn vị hộ tống, bảo vệ chị Nghĩa lên chỗ chị Tài(4).

Một đồng chí trong Thường vụ Khu ủy và anh Đôn(5) ngồi đứng không yên. Anh Đôn hỏi tôi: “Cậu xem thế nào, không khéo lại trật lất như lần trước”. Tôi thưa với anh Đôn rằng không thể có sơ hở sai sót nào trong lần này. Bởi vì anh Mười Lầu, Tư Khiêm, Sáu Suyền lo chuyện này kỹ đến chân tơ kẽ tóc. Cơ sở Liên Trì lo cho chị Nghĩa từ đôi dép râu trở đi. Họ đã cho người bí mật đo chân chị Nghĩa từ trước để cắt cho chị đôi dép vừa chân. Anh Mười Lầu còn cho đặc công chuẩn bị cáng, đòn khiêng. Nếu chị Nghĩa bị giặc đuổi theo, chạy không được sẽ mời chị nằm cáng khiêng chạy… Anh Đôn có vẻ yên tâm, bởi anh biết ai cũng thương yêu chăm lo cho chị Nghĩa cỡi ngựa “về Dinh” (ngụ ý nói Trung ương Cục miền Nam).

Lúc chúng tôi đang lo lắng chờ đợi thì đồng chí cơ yếu cầm bức điện của anh Sáu Suyền chạy đến đưa cho anh Đôn. Bức điện viết ngắn gọn: “Đã đưa chị Nghĩa về căn cứ an toàn”. Tin đó lan nhanh như điện, trong khu rừng Văn phòng Khu ủy bỗng vang lên tiếng reo mừng: “Hoan hô chị Nghĩa về rừng! Hoan hô chị Nghĩa về rừng!”.

Anh Đôn rơm rớm nước mắt, bảo tôi: “Thảo ngay điện bảo chị Tài phải đưa chị Nghĩa về căn cứ sâu”. Lúc bấy giờ ba bốn anh trong Thường vụ Khu ủy ngồi đó chuyền tay nhau bức điện, mỗi người đọc một tí, tận mắt cho chắc ăn. Anh Đôn lại hỏi tôi: “Có con heo nào không để ăn mừng. Như vậy là mình đã làm tròn nhiệm vụ mà Bộ Chính trị đã giao. Hãy nhớ lấy ngày hôm nay và khen thưởng thích đáng những người có công trong việc này. Phải thưởng huân chương”. Nói đoạn, anh Đôn ngồi xuống bàn, tự tay thảo bức điện gửi cho Tỉnh ủy Phú Yên: “Bồi dưỡng chăm sóc chu đáo để chị Nghĩa có đủ sức khỏe tiếp tục vào R(6)”.

Vào đến R., mấy tháng sau khi thoát khỏi tay giặc, chấm dứt cuộc sống hơn 2.000 ngày bị lưu đày ở Phú Yên, ngày 6 tháng 3 năm 1962, ông Hòa Bình - chị Nghĩa - anh Ba Nguyễn Hữu Thọ, được bầu làm Chủ tịch Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ngày 11 tháng 3 năm 1993, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ khi trở lại thăm Phú Yên, ông đã gặp hầu hết những người còn sống đã ba lần tham gia giải thoát ông. Chủ tịch xúc động cầm tay anh Sự, chị Giác, mà nói: “Tôi mang ơn rất lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Phú Yên. Nhờ sự dũng cảm, kiên trung của các đồng chí mà tôi đã sống đến ngày nay…”.

TRẦN CÔNG TẤN

———————————-

(1) Tên thật là Phạm Thị Lành, vợ của thầy giáo Võ Oai, dạy trường tư thục trong thị xã Tuy Hòa. Có con gái là Võ Thị Xuân đi tập kết ra Bắc dạy Trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng.

(2) Giải đua xe đạp vòng quanh Đông Dương.

(3) Lúc đó anh Huỳnh Trúc là Chánh văn phòng Khu ủy 5, nguyên là Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Yên.

(4) Mật danh của anh Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên.

(5) Trung tướng Nguyễn Đôn, Bí thư Khu ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 5.

(6) Mật danh gọi Trung ương Cục miền Nam.

Tin cùng chuyên mục