Hoạt động bảo tàng: Khó trăm bề!

Nghèo nàn, xuống cấp

TPHCM hiện có 12 bảo tàng, là địa phương có số lượng bảo tàng nhiều nhất trong cả nước. Ngoài triển lãm lưu động phục vụ trên 600.000 người dân các tỉnh thành, người dân vùng biên giới, vùng sâu vùng xa, trong năm 2011, chỉ tính riêng 7 bảo tàng do TPHCM quản lý đã thu hút trên 2,7 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Lãnh đạo TP đã có nhiều quan tâm, thế nhưng để các giá trị của di sản văn hóa ở TPHCM phát huy và phát triển thì vẫn còn xa!

Nghèo nàn, xuống cấp

Trong các bảo tàng tại TPHCM, ngoài Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã xây mới một phần, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM đang nâng cấp mở rộng, phần đông các đơn vị còn lại cơ sở vật chất đều nghèo nàn, xuống cấp. Nặng nề nhất phải nói đến Bảo tàng TP Hồ Chí Minh. Khách đến tham quan nơi đây dễ dàng nhận thấy khối nhà chính đã xuống cấp nặng, nhiều nơi bị nứt, thấm dột. Khối nhà B của bảo tàng bị lún nứt nghiêm trọng nhất đã phải tháo dỡ, khiến hàng ngàn hiện vật không đủ kho chứa, bảo tàng đành phải tận dụng tối đa diện tích, hiện vật phải xếp tạm trong các phòng làm việc, xếp ngoài hành lang và cả ở nhà xe.

Trước đây nhiều năm, bảo tàng này đã được nâng cấp nhưng bị lùm xùm do việc thi công, thanh toàn tiền bạc đều có vấn đề… Bảo tàng Lịch sử VN-TPHCM lại đối mặt với cái khó khác: vẫn chưa được tiếp nhận phần đất hoán đổi cho Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm để mở rộng trưng bày và thực hiện khu nghiệp vụ bảo quản, tu sửa hiện vật. “Mặt bằng quá nhỏ, khách đến tham quan không có chỗ giữ xe. Có lần tài xế còn bị công an lập biên bản xử phạt, tịch thu bằng lái, thế thì còn ai dám đưa khách đến tham quan bảo tàng?”, bà Trần Thị Thúy Phượng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN-TPHCM than thở.

Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cũng rơi vào tình trạng không đủ kho chứa hiện vật, kho bị xuống cấp nặng, không đủ điều kiện bảo quản các bộ sưu tập quý, các tác phẩm mỹ thuật giá trị. Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cũng không khá hơn khi diện tích trưng bày nhỏ hẹp, phải tận dụng hầu hết các phòng trống làm kho hiện vật. Khiêm tốn nhất là Bảo tàng Tôn Đức Thắng, cả kho hiện vật gốc, tư liệu, phim ảnh nơi đây chỉ vỏn vẹn 70m²… Hầu hết các bảo tàng đều được tận dụng công năng từ các khu nhà cũ kỹ, mặt bằng lại nhỏ hẹp nên tình trạng trưng bày khô cứng, chuyên đề cũ kỹ, chưa đáp ứng họat động nghiệp vụ chuyên môn và thiếu hấp dẫn du khách.

Dự án lê thê…

Từ nhiều năm trước, TPHCM đã có chủ trương đầu tư cải tạo nâng cấp mở rộng các bảo tàng, tuy nhiên trên thực tế các dự án này cũng xếp hàng… chờ dài đằng đẵng suốt nhiều năm qua. Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM đang cải tạo, mở rộng nhưng tiến độ vẫn chậm so với dự kiến cuối tháng 9. Do nguồn vốn chậm giải ngân nên công trình dự kiến đến cuối năm nay mới xong. Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM mới xong dự án cải tạo giai đoạn 1. Giai đoạn 2 của dự án này với tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng đến nay vẫn chưa được bố trí kế hoạch vốn để trình thẩm định, phê duyệt dự án.

Tương tự, từ năm 2007, TP đã phê duyệt thiết kế cơ sở, cải tạo Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đồng thời xây mới 5.000m² làm kho hiện vật và văn phòng làm việc tổng vốn đầu tư 112 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã lập dự án hoàn tất nhưng mãi 2 năm nay vẫn chưa được bố trí kế hoạch vốn để trình thẩm định, phê duyệt. Bảo tàng Tôn Đức Thắng cũng không ngoại lệ. Sau khi UBND TP cho phép quy hoạch tổng thể, xây dựng mới công trình Bảo tàng Tôn Đức Thắng đầu năm 2009 và chỉ tiêu quy hoạch của Sở Quy hoạch kiến trúc đến nay, công trình vẫn còn trên giấy, chưa khởi động… Nâng cấp mở rộng đồng thời tiến đến hiện đại hóa hệ thống bảo tàng TPHCM, chủ trương đã có nhưng thực tế khác xa kế hoạch.

Mơ về nơi xa lắm!

Dự án trên mây, dự án trong mơ là ý kiến nhận xét của nhiều nhà khoa học và giới chuyên môn khi nói đến dự án xây dựng Bảo tàng Tổng hợp Thành phố tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Ban đầu, bảo tàng này được dự kiến rất hoành tráng với diện tích lên đến 20 ha. Con số này sau đó giảm xuống còn 10 ha. Gần đây nhất, tại buổi làm việc với HĐND TP tháng 8 vừa qua, con số cuối cùng được chốt lại là… 1,8ha, mật độ xây dựng 50%, diện tích sàn xây dựng 10.000m², cao 4 tầng, kinh phí ước tính cả ngàn tỷ đồng. Hiện đề cương trưng bày của dự án bảo tàng này đã dự thảo lần 3, tổ chức hội thảo góp ý của các nhà khoa học chuyên môn và đang trong quá trình hoàn chỉnh đề cương để làm cơ sở báo cáo UBND TP.

Trong khi thực tế hệ thống bảo tàng tại TP đang rất cần đầu tư nâng cấp để đáp ứng yêu cầu chuyên môn, phục vụ nhu cầu của công chúng, quảng bá di sản văn hóa TPHCM với bạn bè thế giới còn chưa được đầu tư đúng mức, thì việc dư luận chưa đồng tình và chẳng mấy mặn mà với “dự án trong mơ” này xem ra cũng là hợp lý?

Minh An

Tin cùng chuyên mục