Về với câu hò Đồng Tháp

Cuối tháng 10-2013, đoàn nhà văn nữ tại TPHCM gồm Ngô Thị Kim Cúc, Thu Nguyệt, Kim Quyên, Khánh Chi, Nguyễn Bính Hồng Cầu, Trương Nam Chi và nhạc sĩ Trịnh Thúy Mỹ… đi thực tế về Đồng Tháp, đến Vườn quốc gia Tràm Chim huyện Tam Nông. Vùng đất sông nước đã để lại cho các nhà văn nữ nhiều cảm xúc.
Về với câu hò Đồng Tháp

Cuối tháng 10-2013, đoàn nhà văn nữ tại TPHCM gồm Ngô Thị Kim Cúc, Thu Nguyệt, Kim Quyên, Khánh Chi, Nguyễn Bính Hồng Cầu, Trương Nam Chi và nhạc sĩ Trịnh Thúy Mỹ… đi thực tế về Đồng Tháp, đến Vườn quốc gia Tràm Chim huyện Tam Nông. Vùng đất sông nước đã để lại cho các nhà văn nữ nhiều cảm xúc.

        Ngắm trăng, nghe hò

Trước khi đến với Tràm Chim, chúng tôi có một đêm ở Tam Nông, đi xuồng ba lá ra ngắm trăng giữa đồng nước mênh mông, nghe hò Đồng Tháp. Giữa sông nước mênh mang, trên chiếc thuyền mỏng manh ba lá, nghe tiếng hò Đồng Tháp mới thấy thấm thía, bởi niềm vui được nâng lên còn nỗi buồn lắng xuống. Tiếng hò vọng xa và lan tỏa muôn nơi cùng mái chèo mái đẩy. Trăng tròn trên trời cao bỗng như vụt xuống rồi lại lên cao cùng câu hò, mặt nước tráng bạc bởi ánh trăng để câu hò đưa đẩy cùng trời đất. Đó là hát sáu câu ca vọng cổ trong bài Bên đìa Bảy Ông của nhà thơ Nguyễn Chơn Thuần:

Nhớ chiếc xuồng cui buộc chặt thân sào/ Như buộc lòng tôi vào cùng xứ sở/ Như gắn lòng tôi với bao niềm thương nhớ/ Với bao người con bảy liệt sĩ anh hùng…

Đồng Tháp có hò riêng của Đồng Tháp, có những câu ca vọng cổ riêng của vùng và có những câu thơ riêng của con người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy thơ mộng nhưng cũng ác liệt cả trong chiến tranh lẫn thời bình. Văn học Đồng Tháp cũng có sức sống riêng, một ma lực mà chỉ ở đây và đến đây mới thấm đượm và cảm nhận được ý thơ riêng của con người Đồng Tháp. Trong đêm trăng giữa dòng sông nước, giọng ngâm thơ trầm bổng giữa không gian mây trời và nước, ta cảm giác ở mảnh đất này thơ luôn là bạn cùng thiên nhiên: Ta mặc con đò đêm nay trôi dạt/ Đến cuối chân trời rồi sẽ gặp nhau. (Cảm xúc bất chợt của Hữu Nhân).

Chúng ta cần chăm chút và vạch rõ hướng phát triển của văn nghệ địa phương. Chính văn nghệ bản địa gắn với dân với đất, nơi sinh ra những áng thơ, áng văn mang tâm hồn và cốt cách riêng, làm giàu cho nền văn học nước nhà.

Đoàn nhà văn nữ TPHCM cùng nhà thơ Nguyễn Chơn Thuần, Hữu Nhân.

Đoàn nhà văn nữ TPHCM cùng nhà thơ Nguyễn Chơn Thuần, Hữu Nhân.

        Sức sống mùa nước nổi

Hôm sau, chúng tôi đến Vườn quốc gia Tràm Chim Tam Nông từ sáng sớm. Chúng tôi vượt qua kênh Cà Răm bằng xuồng ba lá chông chênh, mà thú vị bởi mái chèo khoát nước đưa người sang sông.

Khi chiếc xuống máy chở chúng tôi vào giữa Tràm Chim, những chú chim non ngủ lười còn đang mắt nhắm mắt mở, cất giọng như bực mình vì tiếng xuồng máy. Bầy chim con đói ra sức gọi cha mẹ về mớm ăn. Lớp chim đi kiếm mồi đầu hôm về sớm nhưng vẫn vội vã bón cho con ăn. Một gia đình chim, nhiều gia đình chim sinh sôi nảy nở, làm nên một ban mai sinh động, diệu kỳ và đầy sức sống ở khu tràm chim như chẳng bao giờ tắt. Nơi đây, rừng tràm với bãi cỏ năng, cỏ ống, mồm mốc, mùa nước nổi mang về bao tôm, tép cho đàn cò, diệc, ngan trắng, te vàng, cốc đế, già sói. Thảm cỏ rộng mênh mông cùng bạt ngàn tràm và các loại dây leo khác, đủ mặt cho 130 loài thực vật.

Người chèo xuống đưa chúng tôi đi là Nguyễn Văn Trực, quê Nghệ An, vì mê chim nên anh từ bỏ nghề kế toán ở Bình Dương về Tam Nông làm bảo vệ Tràm Chim, lương 1,5 triệu đồng/tháng. Nói điều gì anh cũng nhất mực: “Nhà chúng cháu (chỉ đội bảo vệ) không cho ai vào bắt chim, bắn chim, chúng bé bỏng thế kia mà bắt nó thì có tội không?”. Nghỉ đêm ở Tam Nông, chúng tôi chứng kiến một cơn mưa sầm sập đổ xuống từ 1 giờ sáng đến gần ban mai mới tạnh. Vậy mà đội bảo vệ vẫn vào ngủ trong rừng để canh những kẻ bắt chim. Ở đây còn có công ty du lịch và giáo dục gìn giữ môi trường do anh Lê Hoàng Long làm giám đốc.

Buổi sáng, chúng tôi thưởng thức trà sen bên đầm sen mênh mông, bạt ngàn dọc theo những vạt rừng tràm và cảm nhận đầy đủ sự tĩnh lặng, yên ả của cuộc sống thanh bình. Lại nhớ chuyện cũ, vào ngày 19-4-1975, tôi và nhà thơ Hà Phương muốn xuống được Cai Lậy (Tiền Giang) phải đi qua cánh đồng Chó Ngáp đến Ba Thu, theo sông nước vòng qua Đồng Tháp, lên đất liền vào Long Định, rồi theo xuồng về kênh Nguyễn Văn Tiếp để đêm 29-4-1975 áp sát lộ 4. Đêm 30-4-1975 (khi Sài Gòn đã giải phóng), chúng tôi tiến về Mỹ Tho, vào nhà dinh tỉnh trưởng, tiến tới Chi khu miền Tây lúc 10 giờ 30 đêm…

Tại nơi sông nước mênh mông những ngày mùa nước nổi, đâu đâu cũng thấy đặt lưới đặt lợp, đặt lờ. Năm nay cá linh trúng mùa làm bao gia đình thoát khỏi túng thiếu. Thấy vậy, ai nấy cũng vui lây. Mùa nước nổi là mùa sinh sôi nảy nở của chim muông, cây cỏ với những người lái đò đón khách quanh năm. Những chàng trai bảo vệ ngày đêm cho Vườn quốc gia Tràm Chim yên bình bên tổ ấm, công việc ấy đơn giản, nhưng phải có tình yêu thiên nhiên mới đảm đương nổi.

TRẦN THỊ THẮNG

Tin cùng chuyên mục