Văn học đồng bằng sông Cửu Long - Hững hờ liên kết

Văn học nghệ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tuy đã gặt hái được thành tựu nhưng chưa thực sự bật dậy xứng tầm của một vùng đất đa văn hóa, nhiều biến động. Liên kết chặt chẽ hơn, sâu hơn sẽ giúp nơi đây hòa nhanh vào dòng chảy văn học cả nước.
Văn học đồng bằng sông Cửu Long - Hững hờ liên kết

Văn học nghệ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tuy đã gặt hái được thành tựu nhưng chưa thực sự bật dậy xứng tầm của một vùng đất đa văn hóa, nhiều biến động. Liên kết chặt chẽ hơn, sâu hơn sẽ giúp nơi đây hòa nhanh vào dòng chảy văn học cả nước.

        Lục bình trôi lãng đãng

“Đời sống văn học trẻ đang trầm lắng, một sự im lặng đầy nghi ngại. Tuy rằng đầu sách vẫn được xuất bản ì xèo và hoành tráng, nhưng từ dạo Cánh đồng bất tận đến nay chưa thấy một “vụ nổ” nào xảy ra, chưa có tác phẩm nào có tiếng nói thống thiết cất lên từ đáy xã hội, nói thay cho nỗi niềm xã hội” - nhận xét thẳng thắn đó của nhà thơ Miên Di phần nào khái quát chung sự phát triển của văn học khu vực ĐBSCL. Mặc dù đã có sự bắt tay cùng tổ chức những giải thưởng VHNT các tỉnh ĐBSCL với kết quả đáng khích lệ nhưng như nhà văn Khai Phong, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Cần Thơ đánh giá mối “liên kết chưa sâu, vẫn còn hững hờ”.

Từ năm 2007, ĐBSCL đã có trang web văn học riêng cho mình (vannghesongcuulong.org.vn), điều mà các vùng khác chưa có. Nhưng nội dung vẫn “trầm trầm”, ai gửi thì đăng, chưa thực sự tạo lực hút cho người viết trong khu vực. Có chuyên mục (Văn học dân gian, Văn hóa miệt vườn…) không được cập nhật, bài viết có từ 3 - 4 năm trước. Tạp chí Bông Sen “vang bóng một thời”, là sân chơi cho văn sĩ cả nước, là nguồn tư liệu quý cho giới nghiên cứu, sưu khảo văn hóa Nam bộ đã thực sự “chết” từ mấy năm rồi. Áp lực thời bùng nổ, vùn vụt thông tin đa chiều như hiện nay, văn học không thể dập dềnh “theo con nước”, “Lục bình trôi lãng đãng/Sông Hậu hay sông Tiền?” (Trần Ngọc Hưởng) như nỗi u hoài mở cõi ngày xưa nữa. Xã hội càng biến chuyển, những người làm công tác văn học với chức năng dự cảm, dự báo xã hội càng phải hòa nhịp nhanh hơn, đúng tầm hơn.

Các đại biểu tại hội thảo “Văn học - Nghệ thuật Đồng Tháp - Nhận diện và Phát triển”.

Các đại biểu tại hội thảo “Văn học - Nghệ thuật Đồng Tháp - Nhận diện và Phát triển”.

Quỹ hỗ trợ đầu tư sáng tạo VHNT (cấp Trung ương) thì không được đụng đến, ngân sách địa phương lại quá khiêm tốn khiến suốt thời gian dài các phân hội văn học của 13 tỉnh thành chủ yếu hoạt động riêng lẻ, tổ chức tập huấn và trại sáng tác thưa thớt. Tạp chí Văn nghệ Sóc Trăng ra 3 tháng/số, mỗi số trên 30 triệu đồng (in, nhuận bút…), cả năm “ngốn” trên 120 triệu đồng nhưng ngân sách tỉnh chỉ chi nhỉnh hơn 100 triệu đồng/năm bao gồm lương, hoạt động phí… “Rồi còn đi thực tế, tổ chức Ngày Thơ Việt Nam… Không có quỹ đầu tư sáng tác - khoảng trên 500 triệu đồng cho tất cả các chuyên ngành - chắc chết quá”, Chủ tịch Hội VHNT Sóc Trăng Văn Ngọc Nhuần tâm sự. Vì quá eo hẹp kinh phí nên ngay các cuộc thi văn học (ký, truyện ngắn, thơ…) mang tính vùng, mỗi Hội VHNT chỉ “quyên góp” 3.000.000 đồng bao gồm cả giải thưởng, in tác phẩm đoạt giải… Cả trăm triệu đồng cho một giải thưởng VHNT (giải đặc biệt) của TPHCM năm rồi khiến dân đồng bằng tròn mắt ngơ ngác. Văn nghệ sĩ bạn đến giao lưu, đi thực tế đôi khi khiến Hội địa phương “xanh mặt”, lặn lội tìm nhau chia lửa.

Môi trường trao đổi văn chương vẫn kém tưng bừng bởi đến nay, không ít nhà văn đồng bằng còn chập chững khi tiếp cận internet và đời sống văn học trên mạng. Ít giao lưu, thiếu cơ chế để các phân hội văn học liên kết nên Ban công tác nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL gần như không thể nắm bắt được hết hoạt động nói gì đến tìm hiểu tâm trạng, kích thích không khí sáng tác, bồi dưỡng tài năng trẻ… Những cuộc hội nghị hội thảo như “Bàn tròn văn xuôi ĐBSCL”, các chuyên đề VHNT… trở thành của hiếm, gây xôn xao trong đời sống văn học đồng bằng.

Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho phát triển. Văn hóa ĐBSCL (cơ sở hạ tầng, trình độ văn hóa…) được đánh giá là “vùng trũng” của cả nước. Vậy văn học được nhận diện ra sao? Văn học sôi động từ nhà văn nhiệt huyết. Số lượng các nhà văn đồng bằng được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam “thưa thớt lắm”, như nhiều người than thở. Chỉ cần nhìn vào đợt kết nạp gần đây nhất (cuối năm 2012) cũng thấy rõ: 25 tác giả được xét kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam thì cả đồng bằng duy nhất có nhà văn Võ Diệu Thanh ở An Giang!

        Thương hiệu văn học đồng bằng

Những năm gần đây, trước sự biến động xã hội sâu sắc, vùng đất ngồn ngộn đề tài (phân hóa giàu nghèo; chén cơm đồng bằng vẫn hụt hẫng; đô thị hóa, nông dân mất đất, bản sắc nhạt phai…) vẫn chưa có tác phẩm đỉnh cao, tác phẩm lớn, tạo dấu ấn, đụng chạm “tầng sâu thời đại” là câu hỏi lớn cho người viết của đồng bằng. Văn chương vùng châu thổ mang sắc thái, âm hưởng riêng, có “Những nhà văn “vang bóng một thời” như: Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Nguyễn Chánh Sắt, Sơn Nam… đã hoàn thành sứ mạng của mình và để lại nhiều tác phẩm sống mãi trong lòng người đọc” (Nhạc sĩ Phạm Khiêm - Chủ tịch Hội VHNT Đồng Tháp) nay vẫn mòn mỏi đợi chờ lớp kế thừa…

Chỉ khi có liên kết đi vào chiều sâu thì sáng tác đồng bằng mới có sinh khí, mới tạo nên nhiều tác phẩm có chất lượng. Nên chăng Ban công tác nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL định kỳ phối hợp với các Hội VHNT trong vùng tìm ra, phát giải cho tác phẩm hay, tiêu biểu nhất (TPHCM có giải VHNT 5 năm/lần)? Thông qua đó, Hội Nhà văn Việt Nam đầu tư thích đáng qua việc xuất bản, in song ngữ Việt - Anh, Việt - Khmer… để các tác giả vươn ra ngoài khu vực?

Sự có mặt của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Vĩnh Tân trong suốt buổi hội thảo “Văn học - Nghệ thuật Đồng Tháp - Nhận diện và Phát triển” (4-2013) là sự kiện hiếm làm anh em văn nghệ xuýt xoa. Đồng Tháp còn “chịu chơi” bỏ ra 17 tỷ đồng để Quy hoạch phát triển VHNT dài hạn (2010 - 2015) khiến Phú Thọ phải bay vào nghiên cứu, triển khai làm Đề cương văn hóa. Vì sao “Hiện tượng Đồng Tháp” không là phong trào khi văn hóa là động lực phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết TW5, rồi Nghị quyết 23 về giữ gìn bản sắc, phát triển VHNT trong tình hình mới đã được triển khai? Ông Lê Quang Trang, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, gợi ý: Vai trò của các hội VHNT như một mối liên kết ngang giữa những người sáng tác trong và ngoài hội nhưng đồng thời cũng phải tạo được liên kết dọc từ các tổ chức, trong đó cao nhất phải kể đến những chủ trương và quyết sách ở cấp Tỉnh ủy, UBND mới có đủ “sức nặng” cho công việc này.

Tạo sân chơi mới, tìm mái nhà chung vẫn là khao khát của người viết đồng bằng. Giữa thời buổi “kim tiền” lên ngôi tìm đâu ra những doanh nghiệp “máu lửa” với văn học để xã hội hóa? Sự ủng hộ về cơ chế, chính sách, tổ chức của Hội Nhà văn Việt Nam; sự mạnh dạn “nối mạng” giữa các phân hội văn học theo nguyên tắc “lấy thế mạnh bù thế yếu”... cũng là tiền đề để hy vọng một mô hình liên kết mới cho giới sáng tác giúp ĐBSCL bắt kịp dòng chảy văn học cả nước.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục