“Đời rất đẹp”

Tọa lạc trong một con hẻm yên tĩnh trên đường Hòa Hưng, quận 10, TPHCM, 4 năm nay, ngôi nhà số 91/6N với giàn hoa giấy đỏ rực được cắt tỉa duyên dáng phía trước đã quen thuộc với nhiều bạn trẻ khuyết tật cần việc làm. Đây là trung tâm giới thiệu việc làm của Chương trình Khuyết tật và phát triển (DRD hoạt động dưới sự hỗ trợ của Quỹ Fourd Foundation, trực thuộc khoa Xã hội học Trường ĐH Mở TPHCM), thường được các bạn gọi vui là trung tâm giới thiệu việc làm “Đời rất đẹp”.
“Đời rất đẹp”

Tọa lạc trong một con hẻm yên tĩnh trên đường Hòa Hưng, quận 10, TPHCM, 4 năm nay, ngôi nhà số 91/6N với giàn hoa giấy đỏ rực được cắt tỉa duyên dáng phía trước đã quen thuộc với nhiều bạn trẻ khuyết tật cần việc làm. Đây là trung tâm giới thiệu việc làm của Chương trình Khuyết tật và phát triển (DRD hoạt động dưới sự hỗ trợ của Quỹ Fourd Foundation, trực thuộc khoa Xã hội học Trường ĐH Mở TPHCM), thường được các bạn gọi vui là trung tâm giới thiệu việc làm “Đời rất đẹp”.

Tìm chứ không xin việc

Một bạn trẻ ngồi xe lăn rụt rè đến gõ cửa phòng của nhóm tư vấn tìm việc. Bạn đến với hai bàn tay không: Không có hồ sơ xin việc, không có cả lòng tin rằng mình có thể tìm được một việc làm phù hợp. Bạn chỉ có một mong muốn: Được đi làm. Trường hợp này, với các nhân viên của Chương trình Khuyết tật và phát triển (DRD), đã là một chuyện đáng mừng. Chị Huỳnh Ngọc Bích, phụ trách điều phối việc làm của trung tâm nói: Phần nhiều các bạn khuyết tật đều có cảm giác tự ti, thu mình, ngại hòa nhập. Chỉ cần các bạn có mong ước, chúng tôi sẽ tìm mọi cách để giúp các bạn thực hiện được mong ước đó.

Bạn trẻ khuyết tật được tư vấn việc làm tại Trung tâm DRD. Ảnh: MAI HƯƠNG

Bạn trẻ khuyết tật được tư vấn việc làm tại Trung tâm DRD. Ảnh: MAI HƯƠNG

Bước đầu tiên, để giúp một người khuyết tật đủ tự tin ứng tuyển, cạnh tranh công bằng với những ứng viên bình thường, là thay đổi suy nghĩ từ chính bản thân người khuyết tật. Để làm được điều này, điều phối viên của trung tâm sẽ dành thời gian để lắng nghe các ứng viên bày tỏ suy nghĩ của mình và giúp họ tham gia những buổi tập huấn kỹ năng tìm việc. Mục tiêu của trung tâm là giúp các bạn xác định được quan điểm: “Tôi đi tìm việc, chứ không phải đi xin việc. Tôi muốn ứng tuyển vào những công việc phù hợp và có khả năng làm lợi cho công ty chứ không phải là một gánh nặng”.

Đến với trung tâm, những băn khoăn, thắc mắc chung quanh quá trình tìm việc cũng được các điều phối viên phân tích, tư vấn, chia sẻ. Nhiều bạn trẻ khuyết tật ưu tư: “Có nên đề cập đến việc mình là người khuyết tật trong hồ sơ xin việc hay không?”. Trong trường hợp này, điều phối viên sẽ phân tích rõ 2 hướng: Có hoặc không. Nếu đủ tự tin, họ hoàn toàn có thể thể hiện ngay trong hồ sơ về đặc điểm riêng của mình và bày tỏ mình thực sự mong muốn và sẽ làm tốt công việc đó như thế nào. Bạn hoàn toàn có thể biến điểm yếu thành lợi thế để khiến hồ sơ của bạn đặc biệt so với các hồ sơ khác và trong nhiều trường hợp, bạn sẽ là người chiến thắng. “Khi đã trang bị đầy đủ, chúng tôi mới giới thiệu các bạn với doanh nghiệp” - chị Huỳnh Ngọc Bích cho biết.

Bạn đồng hành

Bắt đầu hoạt động giới thiệu việc làm từ năm 2007, cho đến nay, hàng năm, nhóm việc làm thuộc Chương trình Khuyết tật và Phát triển đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng trăm người khuyết tật. Chương trình đã kết nối với trên 50 công ty với nhiều ngành nghề đa dạng như: biên phiên dịch, thư viện, ngân hàng, bưu chính viễn thông, thư ký hành chính, dệt may, bảo hiểm, du lịch, nhà nghỉ, tài chính kế toán, nông nghiệp, thực phẩm, công nghệ thông tin, việc làm ở các tổ chức phi chính phủ…

Người khuyết tật có thể tìm kiếm thông tin việc làm và đăng ký tìm việc tại trang web: www.drdvn.com. Với những ứng viên chưa có bằng cấp hoặc tay nghề, trung tâm sẽ giới thiệu nơi học nghề hoặc giới thiệu đến những công ty, đơn vị có chương trình đào tạo.

“Mỗi khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, họ gọi cho chúng tôi. Bước kế tiếp, chúng tôi sẽ đến khảo sát tại doanh nghiệp, làm việc với ban giám đốc và tổ chức buổi nói chuyện với những đồng nghiệp sẽ làm việc với người khuyết tật. Những buổi nói chuyện này có ý nghĩa quan trọng giúp những đồng nghiệp bình thường hiểu, chia sẻ và hỗ trợ tốt cho người khuyết tật trong quá trình làm việc”, chị Bích chia sẻ. Khi đi khảo sát tại doanh nghiệp, điều phối viên trung tâm có thể đề nghị ban giám đốc cho thiết kế ghế ngồi cũng như những dụng cụ hỗ trợ làm việc phù hợp với đặc điểm người khuyết tật. Điển hình như tại Công ty May Việt Hưng, ban giám đốc đồng ý để bộ phận kỹ thuật thiết kế bàn may thấp hơn cho những công nhân khuyết tật.

Ngày 13-3 tới đây, trung tâm sẽ ra mắt Câu lạc bộ tìm việc để hỗ trợ thiết thực hơn cho người khuyết tật. Đến với trung tâm, người khuyết tật sẽ được tư vấn chọn nghề, được hướng dẫn viết sơ yếu lý lịch, kỹ năng trả lời phỏng vấn và giải đáp các vướng mắc, khó khăn trong quá trình tìm việc cũng như sau khi đã có việc làm. Một tiết lộ nhỏ cho các bạn trẻ khuyết tật: Điểm đặc biệt của DRD là tất cả các thành viên từ giám đốc trung tâm cho đến các phó giám đốc, điều phối viên đều là người khuyết tật. Bằng chính những trải nghiệm và sự đồng cảm sâu sắc của mình, các thành viên DRD sẽ hỗ trợ tốt nhất cho người khuyết tật tìm được việc làm ổn định, để các bạn trẻ, dù ở hoàn cảnh nào, vẫn luôn cảm nhận rằng: Đời rất đẹp.

MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục