Đối thoại đầu tuần: Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định

Chăm lo đời sống công nhân, lao động và quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp đang được các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội quan tâm, nhất là trong thời điểm Tết Quý Tỵ đang đến rất gần. Sau loạt bài “Cùng nhau vượt khó”, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp (DN) TPHCM, về vấn đề này.

Chăm lo đời sống công nhân, lao động và quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp đang được các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội quan tâm, nhất là trong thời điểm Tết Quý Tỵ đang đến rất gần. Sau loạt bài “Cùng nhau vượt khó”, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp (DN) TPHCM, về vấn đề này.

° Phóng viên: Năm 2012, số vụ tranh chấp lao động có nhiều người tham gia giảm hẳn so với năm 2011, không trở thành “điểm nóng” như những năm trước đây nhưng lại tiềm ẩn nhiều yếu tố mà đồng chí đánh giá là còn “bất ổn và nhiều thách thức”, vì sao có nhận định này?

° Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà: Năm 2012, số vụ tranh chấp lao động tập thể trên địa bàn TPHCM có giảm đáng kể (105 vụ so với 201 vụ năm 2011). Theo tôi có 2 nguyên nhân chính: Một là: Tác động khó khăn về kinh tế đã ảnh hưởng đến quan hệ cung cầu lao động; hai là: Sự tập trung thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp theo Chỉ thị 22 của Ban Bí thư, Thông tri 17 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch 7804 của UBND TPHCM về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN trên địa bàn TP.

Nhưng phải nhận thấy là quan hệ lao động tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn và thách thức. Nhận định này của tôi từ những cơ sở sau: Một là: Nước ta và TP đang đứng trước nhiều thách thức trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu và xây dựng một hệ thống quan hệ lao động hiệu quả, phù hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nên nhiều vấn đề về quan hệ lao động cần phải được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ cả về mặt lý luận và thực tiễn. Hai là: Trong thực tế, để đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, DN và người lao động phải tuân thủ pháp luật lao động, đảm bảo về các điều kiện tiền lương, đãi ngộ, môi trường làm việc thuận lợi, tổ chức công đoàn vững mạnh; thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ chính sách về lao động, BHXH; xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tiến bộ; tiến hành thường xuyên đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Nhưng chúng ta đều biết là hiện nay vẫn còn nhiều DN chưa thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ các nội dung này, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát, giá cả tăng cao làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và đời sống của người lao động luôn gặp nhiều bất ổn… Đây là quá trình tích tụ, dồn nén những bức xúc trong quan hệ lao động dễ dẫn đến bộc phát. Ba là: Cải thiện và từng bước xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định giữa người lao động và DN trong thời gian qua, hiện nay và hướng đi sắp tới sẽ luôn là bài toán khó, đó là thách thức lớn đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền TP.

° Là người đứng đầu Ban chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN TPHCM, theo đồng chí, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến những tác động kịp thời của TP trong xử lý các vụ việc tranh chấp lao động này?

° Đó là quá trình chỉ đạo quyết liệt để tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Thành ủy đã kịp thời ban hành Thông tri 17-TT/TU ngày 7-10-2008 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN. UBND TPHCM cũng có Kế hoạch 7804/KH-UBND ngày 16-12-2008 về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Gần đây, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN nhằm trực tiếp giúp Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Thể hiện rõ nhất là trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, lãnh đạo TP và các cấp, các ngành đã hết sức cố gắng chỉ đạo, tác động giải quyết kịp thời các cuộc tranh chấp lao động dù lớn hay nhỏ ngay tại chính địa phương, đơn vị nơi xảy ra tranh chấp, không để tình trạng lây lan ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và trật tự an toàn xã hội. Từ đó đã rút ra được một số kinh nghiệm bước đầu trong xử lý các vụ việc tranh chấp lao động trên địa bàn:

Một là: Tạo sự gắn kết bền vững giữa các chủ thể của quan hệ lao động; hai là: Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, thúc đẩy mối quan hệ lao động phát triển; ba là: đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về lao động, đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước được tăng cường. Những DN có nguy cơ tranh chấp lao động cao đều được báo cáo, theo dõi sát sao để có biện pháp giải quyết từ gốc. Nếu xảy ra đình công, tổ công tác chuyên ngành giải quyết nhanh các vụ đình công của quận, huyện có mặt ngay để hướng dẫn cho người lao động và DN cùng thương lượng giải quyết.

° Điều gì khiến đồng chí tâm đắc nhất khi TP giảm dần các cuộc tranh chấp, đình công?

° Như tôi đã nói ở trên, một trong 2 nguyên nhân chính tác động đến giảm dần các cuộc đình công là việc tập trung thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp theo chỉ đạo của TP nên đã góp phần nâng cao nhận thức của DN cũng như của người lao động trong việc tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trong đó, việc các sở ngành chức năng, đoàn thể, chính quyền địa phương, DN, người lao động, chủ nhà trọ cùng nhau chung tay vượt khó, như loạt bài “Cùng nhau vượt khó” mà Báo SGGP đang phản ánh, cũng là một trong những giải pháp hiệu quả, góp phần hạn chế tranh chấp lao động.

° Hiện áp lực từ những khó khăn, lạm phát của nền kinh tế đã làm gia tăng sức ép lên đời sống người lao động. Vì vậy, bảo vệ quyền lợi người lao động không chỉ là giải quyết tranh chấp, đình công?

° Điều này, lãnh đạo TPHCM cũng đã trăn trở từ lâu, từ đó đã có rất nhiều giải pháp chăm lo người lao động. Đó là các đề xuất hoàn thiện và bổ sung chính sách về trợ giúp học nghề, nâng cao tay nghề giúp người lao động giữ được việc làm hoặc thay đổi việc làm khi cần thiết; đề xuất chính sách tiền lương; việc sử dụng ngân sách hỗ trợ nâng cao trình độ cho công nhân...

Các đoàn thể có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo chăm lo cho đoàn viên, hội viên có hoàn cảnh khó khăn, như: LĐLĐ TP phối hợp vận động 2.378 doanh nghiệp (trên 50 công nhân) chủ động tăng tiền lương, hỗ trợ tiền trượt giá, tăng chất lượng bữa ăn trưa, hỗ trợ tiền nhà ở và các khoản khác như phụ cấp, tiền xăng… góp phần hỗ trợ trên 300.000 công nhân có thêm một phần thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, công đoàn các cấp phối hợp cùng với các cơ quan như Mặt trận Tổ quốc, Thành đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ… tổ chức họp mặt, tặng quà cho công nhân mất việc làm, nuôi con nhỏ...

Rồi chương trình hỗ trợ vé xe cho công nhân khó khăn về quê ăn tết. Các cấp công đoàn cũng sẽ tập trung chăm lo cho công nhân mất việc làm hoặc đang bị bệnh phải điều trị tại các cơ sở y tế... Bên cạnh đó, sẽ tổ chức vui chơi giải trí, thăm hỏi công nhân ở các khu lưu trú công nhân, tặng vé tham quan cho gia đình công nhân hay tổ chức các phiên chợ bán hàng bình ổn giá.

° Xin cảm ơn đồng chí!

Trước tình hình khó khăn, TP đã triển khai hàng loạt giải pháp như gặp gỡ, trao đổi vận động người quản lý cơ sở giữ trẻ, người có phòng trọ cho thuê hưởng ứng không tăng giá thuê phòng, tiền giữ trẻ và lấy đúng giá điện theo quy định đối với công nhân, người lao động có mức thu nhập thấp, học sinh, sinh viên có khó khăn đang thuê ở trọ. Nắm bắt những khó khăn, thuận lợi, tâm tư, tình cảm của người có phòng cho thuê và người thuê phòng trọ, nhằm kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM

Hồ Việt - Hồng Hiệp (thực hiện)

Cùng nhau vượt khó

- Bài 1: Ấm lòng công nhân

- Bài 2: Nhận và cho

- Bài 3: Nghĩa tình khu phố

- Bài 4: Doanh nghiệp đồng hành

Tin cùng chuyên mục