Kiến nghị Quốc hội tháo gỡ "Lương hưu bằng… một nửa chuẩn nghèo"

Báo SGGP ngày 16-7 đăng bài "Lương hưu bằng… một nửa chuẩn nghèo", phản ánh tình trạng khoảng 7.000 cán bộ không chuyên trách trên địa bàn TPHCM không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và lương hưu của họ chỉ bằng một nửa chuẩn nghèo của TPHCM. Sau bài viết, Báo SGGP nhận được nhiều ý kiến của các cán bộ không chuyên trách và cơ quan liên quan.
Kiến nghị Quốc hội tháo gỡ "Lương hưu bằng… một nửa chuẩn nghèo"

>> Lương hưu bằng… một nửa chuẩn nghèo

Báo SGGP ngày 16-7 đăng bài "Lương hưu bằng… một nửa chuẩn nghèo", phản ánh tình trạng khoảng 7.000 cán bộ không chuyên trách trên địa bàn TPHCM không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và lương hưu của họ chỉ bằng một nửa chuẩn nghèo của TPHCM. Sau bài viết, Báo SGGP nhận được nhiều ý kiến của các cán bộ không chuyên trách và cơ quan liên quan.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM Nguyễn Thị Thu cho rằng như vậy là quá thiệt thòi cho cán bộ không chuyên trách và họ cần được hưởng quyền lợi như đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Cán bộ không chuyên trách ở phường Tân Quý (quận Tân Phú, TPHCM)
giải quyết công việc hành chính

*  PHÓNG VIÊN: Thưa bà, 7.000 cán bộ không chuyên trách các xã, phường, thị trấn ở TPHCM đang bất an vì giờ đây không được hưởng các chế độ ngắn hạn và đối diện nguy cơ lương hưu chỉ bằng… một nửa chuẩn nghèo của TP. Nhiều người cho biết họ không hiểu tại sao lại như thế?

Bà NGUYỄN THỊ THU: Trước năm 2016, theo quy định, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được tham gia BHYT bắt buộc nhưng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; họ chỉ được tham gia BHXH tự nguyện và chỉ thụ hưởng chế độ hưu trí, tử tuất. Cán bộ không chuyên trách tham gia BHXH bắt buộc là trường hợp riêng của TPHCM. Tại TP, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được UBND xã, phường ký hợp đồng lao động. Theo chỉ đạo của UBND TPHCM tại Quyết định số 59/2010, mức phụ cấp hàng tháng của họ bằng hệ số 1,86 (hệ số bậc 1 ngạch cán sự). Đối tượng này được vận dụng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc (từ 2005 đến nay) cũng như được đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ năm 2009 đến nay như đối tượng có ký hợp đồng lao động theo pháp luật lao động.

Năm 2014, có ý kiến từ Bộ Nội vụ và BHXH Việt Nam cho rằng, ở cấp xã không có đối tượng là người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động; phải chấm dứt hợp đồng lao động để thực hiện thủ tục dừng đóng BHXH bắt buộc. Trong bối cảnh đó, để đảm bảo ổn định bộ máy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tạo sự an tâm với cán bộ không chuyên trách, UBND TPHCM có chỉ đạo tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 59/2010, vẫn tiếp tục đóng BHXH bắt buộc đủ 5 chế độ và có cả BHTN cho đối tượng không chuyên trách.

Từ ngày 1-1-2016, theo Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016), người hoạt động không chuyên trách cấp xã thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng chỉ được tham gia 2 chế độ hưu trí, tử tuất với mức đóng là 22% mức lương cơ sở (người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 14%). Họ không được hưởng 3 chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và cũng không thuộc đối tượng tham gia BHTN theo Luật Việc làm (có hiệu lực từ năm 2015).

Như vậy, giữa luật và tình hình thực tế tại TPHCM tiếp tục vênh nhau. Trước đây, họ không thuộc diện đóng BHXH bắt buộc, thì ở TPHCM đã được đóng BHXH bắt buộc (hưởng đủ 5 chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp); giờ đây, họ thuộc diện đóng BHXH bắt buộc chỉ để hưởng 2 chế độ thì TP từ trước đến giờ đã đóng BHXH bắt buộc để hưởng đủ 5 chế độ. TP có sự quan tâm chu đáo đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách. Việc thực hiện Luật BHXH 2014 với các tỉnh, thành khác không thành vấn đề vì từ trước đến giờ, cán bộ không chuyên trách ở các tỉnh, thành đó không được đóng BHXH bắt buộc, nay mới bắt đầu đóng. Riêng TPHCM lại “vênh” theo hướng TP chăm lo đầy đủ, chu đáo hơn luật định.

*  Nếu thực hiện đóng BHXH bắt buộc theo luật mới thì dẫn tới hệ lụy ra sao? 

- Nếu thực hiện theo quy định kể từ ngày 1-1-2016, tức là đóng BHXH theo mức 22% lương cơ sở (hiện nay là 1.210.000 đồng/tháng), họ chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí, tử tuất; không được hưởng 3 chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Mức đóng BHXH rất thấp như thế sẽ phát sinh sự chênh lệch giữa mức phụ cấp lương hiện hưởng và mức lương đóng BHXH. Khi áp dụng mức đóng BHXH theo mức lương cơ sở đã gây tâm tư, suy nghĩ trong đội ngũ cán bộ không chuyên trách đang công tác.

Theo quy định, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được tham gia BHXH bắt buộc, nhưng khi lương hưu dưới mức lương cơ sở thì không được điều chỉnh bằng lương cơ sở (tương tự như đối tượng tham gia BHXH tự nguyện). Như vậy, nếu tham gia BHXH đủ 15 năm và nghỉ hưu, lương hưu của họ chắc chắn dưới lương cơ sở. Đây là quy định chưa phù hợp vì tất cả đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều được điều chỉnh bằng lương cơ sở.

Một con số để so sánh, chuẩn nghèo của TPHCM là 21 triệu đồng/người/năm (tức 1,75 triệu đồng/người/tháng). Lương cơ sở hiện nay là 1,21 triệu đồng/tháng, bằng 2/3 chuẩn nghèo của TP, mà họ còn hưởng lương hưu dưới mức này nữa - nghĩa là chỉ bằng một nửa chuẩn nghèo - thì quả là quá thiệt thòi cho đội ngũ này. Lương hưu là mục tiêu quan trọng nhất của chính sách BHXH, giúp người lao động trông cậy lúc về già. Nếu lương hưu thấp như vậy thì tiếp tục dẫn đến bài toán an sinh xã hội và người giải bài toán đó vẫn là chúng ta - những công bộc của dân. Bây giờ chúng ta đã nhìn ra viễn cảnh đó, có cơ hội phòng ngừa và sửa chữa, tôi nghĩ rằng dù chậm song vẫn còn kịp làm những gì tốt nhất cho người lao động.

* Theo bà, chúng ta cần làm gì?

- Về phía BHXH TPHCM, chúng tôi vừa có báo cáo và kiến nghị, đề xuất BHXH Việt Nam kiến nghị Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho người hoạt động không chuyên trách được tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên cơ sở hợp đồng lao động đã giao kết với UBND quận, huyện và được hưởng các quyền lợi như đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; nếu lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì được điều chỉnh bằng lương cơ sở.

Nếu được Quốc hội phê duyệt theo nội dung đề nghị trên thì tham gia BHXH, BHYT, BHTN tại UBND xã, phường như hiện nay TPHCM đang thực hiện là tốt rồi.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN THỊ THU:

Kiến nghị tiếp tục thực hiện đóng BHXH bắt buộc để được hưởng đủ 5 chế độ

UBND TPHCM đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ kiến nghị cho phép TPHCM được thực hiện đóng BHXH bắt buộc theo mức phụ cấp 1,86 như hiện nay để hưởng đủ 5 chế độ đối với cán bộ không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn. Trong khi chờ các cơ quan trung ương có ý kiến thì trước mắt, TPHCM phải thực hiện theo Luật BHXH 2014 (đóng BHXH theo mức lương cơ sở để hưởng 2 chế độ - PV), dù biết còn bất cập. Trước đây, luật chưa quy định thì TP làm theo khả năng hỗ trợ của TP, giờ Luật BHXH quy định thì phải làm theo luật và thấy không ổn thì kiến nghị. Được biết, Bộ LĐTB-XH đang phối hợp với các Bộ Nội vụ, Y tế, Tài chính, Tư pháp và BHXH Việt Nam tập hợp các ý kiến để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị của TPHCM.

Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH thuộc BHXH Việt Nam ĐỖ NGỌC THỌ:

Cần có cơ chế phù hợp

Các bất cập chúng tôi đã báo cáo Bộ LĐTB-XH, còn sửa đổi như thế nào thì thuộc thẩm quyền của Bộ LĐTB-XH đề xuất. Giờ quy định trong luật rồi, quy trình sửa đổi luật không đơn giản. Quan điểm cá nhân tôi, cái gì tốt hơn cho người lao động thì nên làm. Nên để cho người hoạt động không chuyên trách tự đăng ký mức đóng BHXH, trong đó, ngân sách hỗ trợ đóng theo mức lương cơ sở, còn việc người ta muốn đóng thêm bao nhiêu thì tự bỏ tiền ra. Thay vì hiện nay chỉ để ngân sách đóng BHXH bắt buộc cho họ ở mức thấp; thay vì trước đây người ta bỏ ra hoàn toàn (đóng BHXH tự nguyện), thì giờ cần linh hoạt, có thể đóng BHXH bắt buộc theo hình thức có ngân sách hỗ trợ một phần theo mức lương cơ sở và người ta bỏ thêm phần người ta muốn. Hoặc có phương án nữa là quay lại BHXH tự nguyện, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần theo mức lương cơ sở như hiện nay.

Bà NGUYỄN THỊ PHƯỚC HIỀN, cán bộ không chuyên trách ở quận Tân Bình, TPHCM:

Nữ cán bộ không chuyên trách không dám sinh con!

Tôi có chức danh Dân số - kế hoạch hóa gia đình, cũng là cán bộ không chuyên trách tại phường, mức lương hưởng 1.86. Công việc của tôi như cán bộ công chức khác nhưng tôi làm 5 năm trời mà thu nhập quá thấp, giờ lại không được hưởng chế độ thai sản nên thật sự không dám sinh con, cứ đợi kinh tế khá hơn, đủ điều kiện sẽ sinh con. Mà tuổi sinh đẻ của người phụ nữ một đi không trở lại. Cùng cơ quan tôi, nhiều chị em phụ nữ tâm tư về việc sinh con sau ngày 1-6-2016 thì không được giải quyết chế độ thai sản. Điều đó có công bằng không, khi công việc giữa bán chuyên trách và công chức như nhau? Chức danh bán chuyên trách đã không được thi công chức, không được nâng lương theo niên hạn, giờ Luật BHXH lại quy định không được hưởng chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, rồi mai mốt lương hưu bọt bèo như thế thì phụ nữ chúng tôi sẽ sống ra sao?

ĐƯỜNG LOAN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục